Arsenal "không biết ghi bàn": Lỗi hệ thống của HLV Arteta
Mọi chuyên gia, bình luận viên, cựu cầu thủ… đều chỉ ra rằng Arsenal liên tục thất thủ ở cúp Liên đoàn và cúp FA vì khâu dứt điểm quá kém. Làm sao có thể cho rằng HLV trưởng Mikel Arteta không thấy rõ nhược điểm ấy?. Vì sao khâu ghi bàn trở thành điểm yếu lớn nhất của Arteta, đấy mới là vấn đề. Và xem ra, đợt chuyển nhượng giữa mùa không thể giúp Arsenal cải thiện nhược điểm này.
Arsenal thua Newcastle 0-2 ở bán kết lượt đi League Cup
Thua vì không biết ghi bàn
Khi thua Newcastle 0-2 ở cúp Liên đoàn, Arsenal có chỉ số xG (bàn thắng được chờ đợi) lên đến 3,09. Không có đội bóng nào ở Premier League mùa này, dù thi đấu ở bất cứ giải nào, có chỉ số xG cao như thế mà rốt cuộc không ghi được bàn thắng.
Thế rồi, ngay trận kế tiếp, Arsenal lại có chỉ số xG lên đến 3,22, nhưng lại chỉ hòa 1-1 với M.U, đội có chỉ số xG vỏn vẹn 0,27. Và Arsenal bị loại khỏi cúp FA ngay rào cản đầu tiên vì thua trong loạt sút luân lưu 11m.
Arsenal vừa bị MU loại khỏi cúp FA
Chỉ trong 5 ngày, hy vọng gặt hái danh hiệu ở các giải cúp của Arsenal gần như tan biến. Trận thua Newcastle vừa qua là bán kết lượt đi. Lần gần đây nhất có một đội bóng thua trận bán kết lượt đi cúp Liên đoàn với cách biệt 2 bàn mà đảo ngược được tình thế ở trận lượt về cách đây đã hơn 20 năm. Và khi ấy, Aston Villa lội ngược dòng thành công chủ yếu vì đối thủ của họ (Tranmere Rovers) ở đẳng cấp thấp hơn.
Tại Premier League, Arsenal bị đội đầu bảng Liverpool bỏ xa, vì không thể thắng 3 trong 6 trận gần đây. Đấy đều là những trận hòa gây thất vọng (trước Fulham, Everton, Brighton), với nguyên nhân chính không cần nói nữa khi "Pháo thủ" tạo dựng rất nhiều cơ hội nhưng không tận dụng được.
Trong 30 trận đã đấu ở mùa bóng này, chỉ có 5 trận Arsenal thua đối thủ về chỉ số xG, trong đó có đến 2 trận Arsenal mất người vì thẻ đỏ ngay từ hiệp 1 (nên tạo dựng được cơ hội ít hơn là lẽ đương nhiên). Đấy là các trận gặp Manchester City (hòa 2-2) và Bournemouth (thua 0-2).
Trong 19 trận gần đây nhất tính chung mọi giải, Arsenal hơn đối thủ về chỉ số xG đến 18 trận. Ngoại lệ duy nhất là trận hòa Brighton, xG của đối thủ này cao hơn Arsenal chủ yếu vì được hưởng một quả phạt đền đầy tranh cãi.
Người xem thường có cảm nhận Arsenal nhỉnh hơn, thậm chí là áp đảo, xét về thế trận. Nhưng kết quả lại không như mong đợi, và như thế mới là kịch tính!
Bóng đá quả có đặc điểm như vậy, nhưng chỉ là nói trong vài trận cụ thể. Còn khi bạn luôn áp đảo, tạo dựng cơ hội nhiều hơn, mà vẫn thất bại, thì đấy không còn là chuyện ngẫu nhiên thường thấy của bóng đá nữa. Đấy dứt khoát phải là một vấn đề. Xin nhắc lại, Arsenal không thể thắng ở 3 trong 6 vòng gần đây nhất tại Premier League, bị loại khỏi cúp FA và đang thua 0-2 ở cúp Liên đoàn trước trận bán kết lượt về.
Arteta không thích mẫu trung phong thực thụ
Lý lẽ đơn giản nhất Arsenal thường xuyên gây thất vọng ở khâu dứt điểm bởi họ không có tiền đạo thực thụ. Trong hệ thống chiến thuật, cũng như triết lý của HLV Mikel Arteta, sự sắc bén của trung phong thực thụ không phải là điều quá quan trọng. Cứ tạo dựng thật nhiều cơ hội, quả bóng trước sau cũng phải vào lưới. Đây không phải là chuyện đúng, hoặc sai. Đây là quan điểm, là triết lý riêng của Arteta.
Havertz không phải là trung phong đích thực
Ở một mức độ nào đó, Arteta là bản sao của Pep Guardiola, mẫu HLV dùng triết lý là chính. Cũng có những lúc, Arsenal thành công, được ca ngợi (dù không vô địch). Và trong những lúc như vậy, Arsenal cũng không có trung phong thực thụ. Trách nhiệm ghi bàn được san sẻ đều đặn cho mọi vị trí trên hàng tấn công, trong đó tiền vệ tổ chức tấn công mới là vị trí quan trọng nhất. Manchester City có Kevin de Bruyne thì Arsenal có Martin Odegaard. Tất nhiên, không có cách đá nào là thành công mãi. Guardiola còn sụp đổ, huống hồ Arteta!
Kai Havertz tất nhiên không phải là trung phong đích thực, và điều này lý giải một phần tình trạng anh có rất nhiều cơ hội nhưng không khai thác trọn vẹn. Mặt khác, Havertz chỉ đứng ở vị trí tiền đạo và giữ vai trò trung phong “ảo”, nhưng công việc “toàn diện” của anh trong lối chơi đồng đội lại là “thật”. Tỷ lệ ghi bàn của Havertz không cao do anh phải cáng đáng cả việc chuyền bóng, phối hợp, chứ không chỉ vì anh dứt điểm không sắc bén.
Giả sử Arsenal có một trung phong xuất sắc thì hiệu quả ghi bàn sẽ tốt hơn? Chưa chắc, vì như thế Arsenal sẽ phải bớt đi một người trong cách phối hợp tấn công quen thuộc. Một trung phong chỉ hoạt động trong vùng cấm địa, chăm bẵm chờ cơ hội để tung đòn sát thủ? Mẫu cầu thủ này không có trong hệ thống chiến thuật của Arteta.
Vậy nên, khi Arsenal tỏ ra là “không biết ghi bàn” trong thời gian gần đây thì đấy là “lỗi hệ thống”, hơn là sự thiếu sắc bén của cá nhân cụ thể nào. Havertz đang bị chỉ trích vì anh đang phải làm trung phong “ảo”. Nếu đặt Odegaard, hoặc bất kỳ cầu thủ nào khác, vào vị trí của Havertz, cũng sẽ như thế mà thôi.
Arsenal có bản chất phòng ngự
Suốt hai năm nay, Arsenal luôn là đội bóng số 1 ở Premier League về khả năng ghi bàn từ tình huống cố định. HLV phó chuyên trách tình huống cố định Nicolas Jover nổi danh như cồn. Khán giả thông thường cũng đã thấy rõ "vũ khí" sắc bén này. Vậy, nếu như rốt cuộc "vũ khí" số 1 của Arsenal cũng bị đối phương nhận diện và vô hiệu hóa, thì cũng là chuyện bình thường.
Arsenal của HLV Arteta dần bị vô hiệu hóa các tình huống cố định
Ngoài việc quá xem trọng tuyệt chiêu khai thác tình huống cố định (32% số bàn thắng mà Arsenal ghi được trong mùa này đến từ tình huống cố định), Arteta còn có đặc điểm rõ ràng khác là luôn lấy phòng ngự làm nền tảng lối chơi.
Mùa trước, Arsenal là đội có hàng phòng ngự tốt nhất châu Âu. Ở Premier League, họ thủng lưới ít hơn cả nhà vô địch Manchester City. Không có đội nào tiến được gần đến Arsenal về số lần giữ nguyên mành lưới. Vậy mà ngay khi chiến dịch mua sắm cầu thủ trước mùa bóng mới bắt đầu, Arteta đã lập tức tăng cường hậu vệ Riccardo Calafiori.
Trong 24 cầu thủ mà Arteta đưa về Arsenal từ khi ông giữ ghế HLV trưởng, có đến 18 người là thủ môn, hậu vệ hoặc tiền vệ trụ. Trong 7 cầu thủ đắt giá nhất mà Arteta từng mua, có đến 5 người chơi thiên về thủ (các tiền vệ trụ Declan Rice, Thomas Partey và các hậu vệ Ben White, Riccardo Calafiori, Jurrien Timber). Chỉ có Kai Havertz và Gabriel Jesus là cầu thủ tấn công.
Giới quan sát liên tục bàn đến Alexander Isak (Newcastle), Matheus Cunha (Wolverhampton), Bryan Mbeumo (Brentford) hoặc Viktor Gyokeres (Sporting Lisbon), như các mục tiêu chuyển nhượng sắp tới của Arsenal. Đấy đều là các tiền đạo giỏi.
Nhưng rất khó để những vụ chuyển nhượng “trên bàn” này trở thành hiện thực. Như đã nêu, Arteta có quan điểm khác. Arsenal cũng chưa bao giờ nổi tiếng là đội sẵn sàng chi đậm trên thị trường chuyển nhượng. Mà, suy cho cùng, bóng đá không phải là như vậy.
Bukayo Saka phải nghỉ dài hạn vì chấn thương, trong khi Gabriel Jesus rời sân trên cáng trong trận gặp M.U ở cúp FA. Thế là khó khăn trở nên chồng chất đối với Arsenal đang lúng túng giải quyết khâu ghi bàn. Đấy là việc của Arteta, chưa biết ông có nhanh chóng khắc phục được điều gì hay không. Chỉ biết giới hâm mộ Arsenal rất khó kỳ vọng điều gì từ thị trường chuyển nhượng.
MU và Arsenal đã được cảnh báo rằng họ có thể bị trừ điểm sau vụ ẩu đả giữa hai đội trong trận đấu ở vòng 3 FA Cup vừa qua.
Nguồn: [Link nguồn]
-14/01/2025 08:53 AM (GMT+7)