Arsenal: Khi Wenger là quyền lực bất khả xâm phạm
Các khán đài Emirates trận Arsenal - West Brom rất nhiều ghế trống vì CĐV tẩy chay trận đấu chừng nào Arsene Wenger chưa ra đi.
Việc sân Emirates đầy rẫy ghế trống trong trận đấu gần đây giữa Arsenal với West Brom chỉ là một trong những biểu hiện bày tỏ sự bất mãn của fan Arsenal với cá nhân HLV Arsene Wenger, lẫn với đường lối chung của CLB. Nhưng liệu nỗ lực buộc Wenger từ chức hoặc bị sa thải của họ có vô vọng?
"Đến lúc thay đổi. Đây là Arsenal FC, không phải Arsene FC"
Mùa giải này Arsenal bắt đầu năm 2016 ở đỉnh BXH Premier League nhưng giờ phải bảo vệ một vị trí trong top 4, trong khi đã bị loại ở Champions League lẫn FA Cup. Năm nay cũng chỉ là một trong những năm Arsenal sa sút chậm rãi kể từ khi khánh thành sân Emirates 10 năm về trước.
Một điều khiến các fan Arsenal khó chấp nhận, đó là 10 năm qua các quan chức CLB đã hứa hẹn với họ đội bóng sẽ đến lúc bứt trở lại với vị thế CLB hàng đầu ở Anh. Nhưng các “Gooners” vẫn chưa nhìn thấy chức vô địch Premier League đầu tiên của kỷ nguyên Emirates, trong khi Leicester hoặc Tottenham thì đã sắp đạt được điều đó.
Điều khó chấp nhận nhất ở chỗ, Arsene Wenger đã luôn than phiền rằng các CLB siêu giàu của giải Ngoại hạng ngăn trở Arsenal trở lại vinh quang xưa. Nhưng Leicester với một ngân sách ít ỏi và Tottenham cách đây 3 năm đã bán Gareth Bale, 2 đội bóng này lại sắp đè đầu cưỡi cổ Arsenal mà không cần những đồng tiền từ xăng dầu.
Leicester hoặc Tottenham sẽ có chức vô địch Premier League trước Arsenal trong kỷ nguyên Emirates
Ở Leicester và Tottenham, những Claudio Ranieri và Mauricio Pochettino đã biết cách xây dựng nên những tập thể rất mạnh và gắn kết dù không ai trước mùa giải này được xem là “ngôi sao lớn”. Nhìn vào sự thật đó, fan Arsenal cũng chứng kiến một sự thay đổi: trước đây họ thảo luận xem Wenger có NÊN bị thay thế, bây giờ họ thảo luận xem Wenger cần bị thay thế NHƯ THẾ NÀO.
Mong muốn cho sự thay đổi chiếm đa số giữa các CĐV. Nhưng có một thực tế: Arsene Wenger gần như không thể bị sa thải.
"Sếp" phải quỵ lụy "nhân viên"?
Triều đại của Arsene Wenger ở Arsenal luôn đề cao sự ổn định từ băng ghế huấn luyện, nhưng đội hình thì luôn có sự chuyển đổi. Ngôi sao được tạo nên và bị thay thế một cách không chút do dự bởi Wenger.
“Giáo sư” đã hất đi Ian Wright một khi Nicolas Anelka trỗi dậy, từng bước để Tony Adams ngoài cuộc sau khi Sol Campbell xuất hiện, và bán đi Patrick Vieira để xây dựng đội bóng quanh Cesc Fabregas. Arsene Wenger tỏ ra khá “tàn nhẫn” trong việc thay thế một cầu thủ nếu người đó không đạt tiêu chuẩn, nhưng chính Wenger lại không có một tiêu chuẩn nào áp đặt cho chính mình ở vị trí HLV trưởng.
Wenger thay ngôi sao không chút do dự, nhưng không ai chất vấn quyền lực của ông
Quyền lực của HLV người Pháp ở Arsenal lớn đến mức nào? Đương kim CEO của Arsenal, Ivan Gazidis, khi được Arsenal mời phỏng vấn cho vị trí này đã phải trả lời các câu hỏi trước một hội đồng, mà trong hội đồng ấy có cả Wenger.
Phải vậy, về mặt chức danh Gazidis là cấp trên của Wenger, nhưng về mặt thực tế Wenger là người thuê Gazidis làm việc ở Arsenal. Một khi nhân viên đi "thuê" sếp về làm việc, thì sự an toàn của nhân viên được đảm bảo.
Không có ai đủ can đảm lẫn kiến thức bóng đá để chất vấn quyền lực của Wenger và do đó cấu trúc quản lý ở Arsenal đã hình thành nên một sự “ổn định” hết sức tiêu cực. Bao nhiêu năm trôi qua và Wenger vẫn dựa vào trợ lý Boro Primorac, chỉ thăng chức cho Steve Bould sau khi trợ lý lâu năm Pat Rice nghỉ hưu, và gọi lại Liam Brady về quản lý học viện Arsenal dù Brady đã rời CLB 18 tháng trước.
Fan Arsenal có thể đang rất cố gắng trong nỗ lực buộc CLB phải thay thế Arsene Wenger, nhưng ở sân Emirates, Wenger là sếp đích thực, là “trùm”. Sẽ không có chuyện ông bị sa thải, chỉ có khả năng ông tự từ chức khi thấy đến lúc mà thôi.