Arsenal cần "bộ não" mới, Wenger hết thời "bá đạo"
HLV Wenger vốn được toàn quyền quyết định về chuyên môn, nhân sự, và cả kinh tế ở Arsenal. Nhưng có thể điều đó sẽ không còn diễn ra trong thời gian tới.
Đừng đánh tráo khái niệm
Arsenal lâu nay được coi là một doanh nghiệp làm kinh tế trong lĩnh vực bóng đá. Thực tế này chỉ đúng trong giai đoạn đầu, khi sân Emirates mới hoàn thành. Còn sau đó, cụ thể nhất là trong 4 năm trở lại đây, hoàn toàn không phải vậy. Arsene Wenger và tập thể lãnh đạo đội bóng Bắc London đã cố tình đánh tráo khái niệm này hòng bào chữa cho những thất bại trên sân.
Arsene Wenger (phải) và Ivan Gazidis (trái) là một sự kết hợp thất bại
Nhưng những dòng tiền khổng lồ chảy về Emirates không xuất phát từ bộ óc của “Giáo sư kinh tế” Wenger. Hãy nhìn vào công cuộc chuyển nhượng của “Pháo thủ” trong 4 năm gần nhất để nhận thấy sự vô lý. Mùa 2013/14, Arsenal dành 42,5 triệu bảng ngân sách để chiêu mộ Mesut Ozil, nhưng chỉ thu về 10 triệu bảng. Năm tiếp theo, mua vào hết 86 triệu bảng, nhưng ngân sách bù lại chỉ 38,5. Sau 2 năm liên tiếp chi tiêu phóng tay thì đến mùa 2015/16, Arsenal chi vỏn vẹn 21,5 triệu bảng để mua sắm cầu thủ, song cũng chỉ thu về 2 triệu bảng từ việc bán Lukas Podolski.
Và ở mùa giải 2016/17 này, Arsenal cũng bị cuốn vào cuộc chạy đua kim tiền với M.U, Man City, Chelsea và Liverpool. Cụ thể, HLV Wenger đã ném 88 triệu bảng vào thị trường chuyển nhượng cho những Xhaka, Mustafi, xong chỉ thu lại vỏn vẹn 7,5 triệu bảng. Tổng cộng, Arsenal đã chi 238 triệu bảng cho công cuộc chuyển nhượng, nhưng cũng chỉ thu lại 58 triệu bảng mà thôi. Tức là 180 triệu bảng đã “bốc hơi”.
Hãy nhìn xem Arsenal đã thu về những gì từ 180 triệu bảng ấy? Mùa trước, họ cán đích ở vị trí á quân mặc dù chỉ mua sắm cầu thủ hết 21,5 triệu bảng. Đây thậm chí là thành tích tốt nhất của đội bóng dưới trướng Wenger trong suốt 12 năm qua. Còn ở Champions League, “Pháo thủ” 7 năm liên tiếp bị loại ở vòng 1/8.
Brian Marwood - người dựng xây đế chế
Không ai khác, đội ngũ thượng tầng Arsenal là những người phải chịu trách nhiệm cho những khoản đầu tư thua lỗ ấy. Tất nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở một mình HLV Wenger. Mà thay vào đó, Giám đốc điều hành Ivan Gazidis mới là người có “tội trạng” to lớn. Trước khi nghĩ đến chuyện thay “Giáo sư” vào cuối mùa, Arsenal cần phải loại bỏ Gazidis ngay lập tức.
Nếu cần tìm một ai đó đủ khả năng xây dựng lại đế chế “Pháo thủ”, thì người đó chắc chắn phải là Brian Marwood. Cựu GĐ Điều hành này chính là người xây nên đế chế xanh cho đội bóng này. Trong giai đoạn nắm quyền, Marwood đã mang về sân Etihad hàng loạt ngôi sao như Yaya Toure, Silva, Tevez, Aguero, Kolarov, Milner, Adebayor, Kolo Toure, Clichy và Nasri.
Brian Marwood là vị kiến trúc sư mà Arsenal đang cần
Và họ đã đóng góp những phần quan trọng trong việc chấm dứt 44 năm không vô địch nước Anh cho Man xanh, và 35 năm sống không danh hiệu nào (bao gồm cả FA Cup, League Cup...). Hiện tại, Brian Marwood đang sống những tháng ngày bất mãn ở Etihad. Và đó là cơ hội tuyệt vời cho Arsenal, nếu họ muốn đưa vị kiến trúc sư đã xây nên đế chế Man City về Bắc London.
Trong quá khứ, Chelsea đã thực hiện chiến lược này để xây nên đế chế xanh. Khi Roman Abramovich đến Tây London, ông đưa Peter Kenyon - khi đó đang là Giám đốc điều hành của M.U về Stamford Bridge. Nhờ bộ óc thiên tài của Kenyon, Chelsea đưa về nhân vật quan trọng bậc nhất lịch sử CLB là Jose Mourinho, cùng với hàng loạt hảo thủ như Drogba, Ballack, Cole, Cech...
Nhờ vậy, Chelsea trong 5 năm Kenyon cầm quyền liền rũ bùn đứng dậy sáng lòa với 2 chức vô địch Premier League, 2 FA Cup và 2 Cúp Liên đoàn. Chưa hết, thương hiệu The Blues phát triển rực rỡ ở Trung Quốc, Mỹ, đồng thời ký những bản hợp đồng béo bở với Adidas, Fly Emirates hay Samsung.
Với sự có mặt của Marwood, Arsenal có thể sẽ đạt được những khởi sắc trong vấn đề chuyển nhượng và quy hoạch "tầm nhìn" cho đội bóng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, HLV Wenger, nếu tiếp tục ở lại Emirates, sẽ bị thu hẹp "quyền lực" đáng kể và không còn được nắm toàn quyền quyết định như trước. Đó có thể là điều mà "Giáo sư" không hề mong muốn nhưng khó cưỡng lại, vì Arsenal đang thực sự cần 1 cuộc thay máu mạnh mẽ, kể cả ở "thượng tầng".
Brian Marwood thời còn là cầu thủ, từng 2 năm chơi bóng trong màu áo Arsenal, từ 1988 - 1990. Trong giai đoạn này, “Pháo thủ” kết thúc chuỗi 18 năm không đăng quang nước Anh với chức vô địch mùa 1988/89. |