Argentina sau 2 trận: Gánh nặng trên vai Messi
Trước khi trái bóng Brazuca lăn, Argentina được các nhà cái đánh giá là một trong những ứng cử viên cho chức vô địch Thế giới. Họ đã có 2 chiến thắng sít sao nhờ 2 cú sút xa của Messi và thể hiện rằng mình chưa đủ tầm để trở thành nhà vô địch.
Những trái tim đã tan nát. Của HLV Carlos Queiroz. Của các cầu thủ Iran. Của các CĐV Iran. Của những người Brazil trên khán đài tạm thời làm “fan phong trào” Iran trong 90 phút...
Và người làm trái tim của người Iran tan nát vẫn là cái tên mà cả thế giới biết và nhắc đến, nhắc nhiều tới mức không muốn nhắc lại thì anh vẫn khiến người ta bật ra tên mình trên môi: Lionel Messi.
Trận đấu này có lẽ sẽ sớm bị lãng quên trong vòng 2-3 tháng nữa với những ai không quan tâm lắm đến Iran hay Argentina. Thế nhưng nó xứng đáng được người xem lưu giữ lại trong ký ức, bởi nó đã kể cho chúng ta hai câu chuyện "kinh điển" khi nói về bóng đá.
Iran đã có thể thắng nếu tận dụng tốt cơ hội
Câu chuyện thứ nhất. Reza và Dejagah chỉ còn cách bàn thắng chỉ một bàn tay, hay thậm chí đầu ngón tay, của Sergio Romero. Hai cầu thủ ít tiếng tăm ấy đã đến gần khung thành của nhà cựu vô địch thế giới hơn bao giờ hết, như VĐV điền kinh đã tăng tốc như vũ bão để đến gần vạch đích. Nhưng khi chỉ còn việc bước qua vạch đích thôi, VĐV ấy ngã xuống.
Chúng ta đã được chứng kiến Costa Rica gây ra hai cú sốc liên tiếp, chúng ta được thấy Mỹ thắng Ghana oanh liệt. Chúng ta cũng được thấy Chile đánh bại Tây Ban Nha một cách thuyết phục. Bất ngờ đến ở World Cup này một cách bất thình lình hơn bao giờ hết. Chẳng có kỳ Cúp thế giới nào là không có những cú sốc, nhưng nó hiếm khi đến liên tục như ở Brazil mùa Hè này, và thậm chí trong những cú sốc ấy, kẻ được cho là yếu hơn lại chiến thắng rất thuyết phục.
Iran cũng suýt trở thành cú sốc kế tiếp, thậm chí người ta sẽ phải gọi đây là cú sốc lớn nhất của World Cup nếu Iran thắng Argentina. Iran vào vòng chung kết khá thuyết phục với tư cách đội đứng đầu bảng A của khu vực châu Á (trên Hàn Quốc) nhưng đã sa sút đáng kể sau World Cup 2006 và vắng mặt năm 2010.
Iran vốn dĩ không được biết đến như một đội bóng “cứng”, chơi một thứ bóng đá rắn mà thay vào đó là lối đá tấn công ép sân thông thường. Sự thay đổi mà Carlos Queiroz mang lại đã khiến Iran chuyển mình, nhưng sự thay đổi ấy chỉ được mang đến với thế giới khi World Cup bắt đầu.
Trước Nigeria, Iran chơi chặt chẽ và chờ phản công để cầm hòa 0-0. Và trước Argentina, họ biến thành một khối đá tảng cực kỳ ngoan cường trước một hàng công có tới 4 cầu thủ lừng danh thế giới. Các cầu thủ Iran làm tất cả, phạm lỗi, xoạc bóng, tông vai khi tranh chấp, theo người không ngừng nghỉ. Khi Messi có bóng, người ta thấy các hậu vệ Iran còn kéo tay anh.
Messi đã phải một mình gánh cả đội
Và chiến thuật của họ đã suýt thành công. Argentina không ghi được bàn trong 1 tiếng rưỡi, và Iran đã có tới 2 lần đặt cầu môn của Sergio Romero dưới mũi kiếm, như "đặt một tử tù trước họng súng". Nhưng rốt cuộc họ không thể ghi được bàn.
Một khi đã đến với World Cup, đội tuyển nào cũng đều mạnh. Nhưng khi một đội bóng không có ngôi sao, họ lại biết tin tưởng và giúp đỡ nhau hơn. Họ không đáng giá bằng một mình Di Maria, nhưng khi những chiếc đũa lẻ tạo thành một bó đũa dày, không thể bẻ gãy bó đũa ấy bằng tay.
Đến đây, chúng ta lại nói về câu chuyện thứ hai. Chấm điểm cầu thủ sau trận đấu thực ra chẳng dễ chút nào, bởi Lionel Messi không cựa quậy được nhiều trong cả trận, thế nhưng chỉ một cú sút chính xác và anh đã đưa Argentina vào vòng knock-out. Một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, và anh đã bắn trúng đích vào lúc đội bóng cần anh nhất.
Nhưng nó vẫn không che phủ thực tế: Argentina đá chưa thuyết phục, cả thủ lẫn công. Khi mà tình thế đã ở vào thế nguy hiểm, Sabella lại gặp may vì Romero và Messi lần lượt cứu nguy. Nhưng đó có phải là cách một nhà vô địch chơi bóng? Xem họ chơi như thế, fan của đội bóng xứ sở tango thấy lo nhiều hơn là mừng, dù họ đã thắng 2 trận liên tiếp.
Video 2 bàn thắng ấn tượng của Messi vào lưới Bosnia và Iran: