Argentina rơi vào “cửa tử”: Messi, nạn nhân hay thủ phạm?
Nếu không có Messi, Argentina có đứng bên bờ vực thẳm của World Cup 2018 như lúc này không?
Video màn trình diễn tệ hại của Messi trước Croatia (bản quyền thuộc VTV)
* Bi kịch Messi
Nếu Messi đá quả phạt đền thành công ở trận đấu với Iceland thì họ đã có thể thắng và dù thua Croatia 0-3 vẫn có quyền tự quyết nếu họ thắng Nigeria ở trận cuối cùng.
Câu trả lời chỉ cho trận đấu với Iceland thì đúng, gọi Messi là thủ phạm không sai. Bản thân Messi cũng nhìn nhận anh là tội đồ. Nhưng bi kịch thực sự chỉ diễn ra vào đêm qua. Họ có thể thấy được cả một tấn bi kịch khi mà trận đấu còn chưa kết thúc. Vai trò của Messi trong trận đấu đó như thế nào?
Messi quá ít cơ hội để tỏa sáng
Ở trận đấu với Croatia, Messi chỉ có hai cơ hội, một là cú rướn người khi cách khung thành vài mét đã không trúng bóng, và pha còn lại là cú đá bồi bị truy cản ngay khi bóng vừa rời khỏi chân. Rõ ràng là Messi ở trận với Croatia còn không bằng so với trận đấu trước đó, dù cho Messi nỗ lực hơn rất nhiều.
Messi được xếp chơi gần khung thành đối phương hơn, gần với tiền đạo Aguero hơn, từ bỏ vị trí làm bóng để gây sức ép trực tiếp và sẵn sàng dứt điểm. Sự thay đổi này của Argentina với Messi bị Croatia bắt bài. Họ chia cắt Messi, hạn chế các cầu thủ Argentina chuyền bóng tới vị trí của Messi. Thậm chí, Argentina còn không kiếm nổi một quả phạt nào trong tầm 20m trước khung thành đối phương.
Trận đấu này Messi di chuyển một quãng đường tương tự như trận đấu với Iceland, khoảng 7600m. Nhưng sự khác biệt nằm ở chỗ: Messi đá với Croatia phải đi tìm bóng nhiều hơn, đã di chuyển không bóng 2650m, trong khi trận đấu trước chỉ là 1420m. Tờ Guardian của nước Anh đặt câu hỏi sau trận đầu tiên: Messi mệt mỏi?
Câu trả lời là không, Messi di chuyển như thế là còn nhiều hơn ở Barcelona, nơi mà anh thường chạy khoảng 6500m – 7000m mỗi trận, kể cả là khi đá El Clasico, hay Champions League. Vấn đề với Messi là tính hiệu quả, có bóng, chuyền bóng, đột phá, dứt điểm, chơi như ngủ gật khi không có bóng và đúng nghĩa thiên tài khi cầm bóng trong chân.
* Argentina: Lướt Tango chỉ bằng một chân trái
Messi giống với hoàng tử Cóc trong câu chuyện cổ tích kinh điển mà chúng ta có lẽ đều biết, là hoàng tử ở Barca nhưng lại hoá thành “một con cóc” ở Argentina. Nhưng khi Messi nỗ lực và khát khao thành công với đội tuyển như thế thì gốc rễ nào cho một bi kịch lớn nhất trong lịch sử của nền bóng đá này? Messi được cho là có tiếng nói quan trọng trong việc lựa chọn cầu thủ lên tuyển và có thể cả đội hình xuất phát trong các trận đấu của Argentina thời gian qua. Sự chính xác của nó tới đâu là một ẩn số.
Một cầu thủ có năng lực như Icardi đang chơi cho Inter bị bỏ rơi. Dybala được triệu tập vào phút cuối và chỉ vào sân khoảng 25 phút cuối trận thua Croatia. Nhưng Icardi có xuất sắc hơn Aguero? Kể cả là có hơn, liệu Icardi sẽ tạo ra sự thay đổi nào cho Argentina ở hai trận vừa qua?Chúng ta mỗi người sẽ có câu trả lời hoặc phán đoán của riêng mình.
Nhưng thực tế sau không thể chối bỏ. 10 năm trước, Argentina đứng số 1 về số lượng cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài, khoảng 18 ngàn. Còn bây giờ, Argentina xuất khẩu khoảng 7000 cầu thủ, giảm khoảng 60%. Và cái chính là chất lượng suy giảm, thể hiện qua thành phần đội tuyển tham dự World Cup ở mỗi thời điểm.
Mặt khác, chất lượng giải đấu nội địa của Argentina cũng suy giảm. 2 trong số 3 chân sút hàng đầu của giải VĐQG nước này là người Uruguay, và cả hai cầu thủ đó thậm chí còn không đủ khả năng để được chọn vào đội tuyển Uruguay đi World Cup!
Messi cô đơn, lạc lõng trên tuyển
Và một thực tế khác được chỉ ra rất rõ ngay sau trận thua Croatia là Sampaoli đã thất bại trên cương vị của một HLV trưởng: Xây dựng sơ đồ chiến thuật, lựa chọn lối chơi không phù hợp, điều chỉnh đấu pháp trong trận không chính xác; và chuẩn bị tâm lý rất tệ.
Đáng ra sơ đồ 3 trung vệ với lỗ hổng lớn ở 2 cánh đã có thể bị trừng phạt ngay từ đầu khi Ivan Perisic thoát xuống và đối mặt với khung thành của Caballero. Higuain chuẩn bị được tung vào sân khi Caballero chưa phạm sai lầm. Nhưng khi tỉ số là 0-1, sự chờ đợi là Argentina có thể chơi với cả Aguero và Higuain. Rồi sau đó, Sampaoli cho các cầu thủ chơi với sơ đồ 4-2-4, với tiền vệ trung tâm là một lão tướng Mascherano đã 34 tuổi.
Nó gợi lại hình ảnh của Argentina ở World Cup 2010 trên đất Nam Phi được dẫn dắt bởi Maradona khi đó xếp chỉ Mascherano đá tiền vệ trụ, còn các vị trí khác lao lên tấn công trong trận thua 0-4 trước Đức. Maradona đêm qua có mặt trên khán đài, chứng kiến nỗi thất vọng của câu chuyện HLV trưởng của đội tuyển. Các phản ứng của Sampaoli bên ngoài đường biên cho thấy bản thân ông đã không thể làm tốt tâm lý cho chính mình trong một trận đấu mà đối thủ trước trận có thể hài lòng nếu rời sân với một kết quả hoà.
Argentina với một HLV đi lại như mất kiểm soát trong phần lớn thời gian rơi vào trạng thái hoảng loạn là đương nhiên.13 trận đấu liên tiếp của Sampaoli sử dụng các đội hình khác nhau rõ ràng đã cho thấy ông có thể thành công với Chile, với Sevilla, nhưng để giải cứu Argentina ông không phải là một giải pháp. Đội tuyển của Sampaoli khi không có Messi đã đứng trước ngưỡng cửa bị loại ở vòng loại World Cup khu vực Nam Mĩ.
Chỉ khi Messi trở lại và trực tiếp ghi bàn ở những trận quyết định Argentina mới đến được Nga. Chỉ có Messi chứ không ai khác ghi được bàn thắng cho Argentina ở các giải chính thức trong gần 2 năm tính đến trước World Cup. Nhưng Tango, vũ điệu bốc lửa và mê hoặc được lòng người hơn trăm năm qua không thể chỉ có một vũ công. Lướt Tango chỉ bằng một cái chân trái thì càng không thể!
Nếu như Argentina bị loại ngay từ vòng bảng, thì Messi sẽ lại từ giã ĐTQG.