Áo số 7 là biểu tượng ở MU, nhưng áo số 10 cũng "thần thánh" không kém
Phải chăng số 10 mới là số áo thiêng nhất ở MU chứ không phải số 7?
Sự kiện Mason Mount gia nhập MU và lập tức mặc áo số 7 được nhiều người chú ý bởi số 7 là số áo được rất nhiều danh thủ lừng lẫy của MU mặc. Denis Law, George Best, Bryan Robson, Eric Cantona, David Beckham, Cristiano Ronaldo đều đã khiến số áo này trở thành một số áo huyền thoại ở sân Old Trafford.
Mason Mount là chủ nhân mới của áo số 7 tại MU
Nhưng áo số 7 có thực sự “thần thánh” như sự tôn sùng của các fan? Áo đấu này trong những năm gần đây cũng đã được mặc bởi những cầu thủ chỉ mang lại thất vọng như Angel Di Maria, Memphis Depay và Alexis Sanchez. Thực tế số 10, đang được mặc bởi Marcus Rashford, có vẻ mới là số áo có độ thiêng cao nhất tại MU nhưng không được tôn kính đúng mực như số 7.
Để đưa ra lập luận chính xác về điều này chúng ta phải ngược dòng thời gian để điểm lại tầm ảnh hưởng của những người mặc áo số 7 và số 10. Cần nói rằng trong quá khứ số áo không phải là thứ cố định do trong mỗi trận đấu các cầu thủ sẽ mặc áo đấu từ 1 đến 11 (tương ứng với các vị trí trên sân), do đó một số áo có thể có nhiều người mặc trong chỉ 1 mùa giải.
Do đó George Best ở MU mặc tất cả các số từ 7 đến 11 dù số 7 vẫn là số ông hay mặc nhất, trong khi Denis Law không những mặc từ số 7 đến số 11 mà có thời điểm mặc số 4 (khi tạm đá trung vệ) hay số 12 (khi dự bị). Chỉ bắt đầu từ những năm 1990 số áo mới bắt đầu ít bị thay đổi và không còn phụ thuộc vào vị trí trên sân.
Số 7
Jimmy Delaney (1946-1950) là cầu thủ lớn đầu tiên mặc số 7 ở MU, trong 4 mùa giải ông giúp MU vô địch FA Cup 1948. Tuy nhiên Johnny Berry (1951-1958) mới là số 7 đầu tiên gắn bó lâu dài ở MU, ông gần như chiếm số 7 trong suốt thời gian ở CLB, chơi hơn 200 trận và đoạt 3 chức vô địch quốc gia trước khi phải giải nghệ vì thảm họa Munich.
Johnny Berry mặc áo số 7 trong phần lớn thập niên 1950 thành công của MU
Sau Berry, áo số 7 truyền tay qua một Warren Bradley không để lại nhiều dấu ấn, trước khi Albert Quixall mặc áo trong 2 mùa 1962/63 – 1963/64 và vô địch FA Cup ở mùa đầu tiên. Quixall là một cầu thủ đẳng cấp cao được nhiều đồng nghiệp ca ngợi nhưng thi đấu cho MU trong những năm đội bóng tái thiết nên ít thành công.
Quixall rời MU năm 1964 và áo số 7 có 2 mùa thuộc về John Connelly, người giúp MU đoạt chức vô địch Anh nhưng không ở CLB được lâu. Đến lúc này áo mới thuộc về George Best và ông trở thành siêu sao đầu tiên gắn liền với áo số 7, phong cách hào hoa của Best khiến MU thành một đội bóng được ưa thích nhất tại Anh.
Sau khi Best rời MU năm 1974, phải 1 năm sau số 7 mới thuộc hẳn về tiền vệ cánh Steve Coppell và ông thi đấu 8 năm ở Old Trafford, giúp CLB đoạt FA Cup năm 1977 đánh bại Liverpool ở chung kết (và về ngôi Á quân 1 năm trước nhưng thua sốc đội hạng 2 Southampton). Dù vậy Coppell chủ yếu được biết tới do sự nghiệp huấn luyện sau này.
Trong 1 thập kỷ sau đó Bryan Robson là chủ nhân của áo số 7 và trở thành một huyền thoại của CLB, đến nay vẫn được xem là đội trưởng vĩ đại nhất của MU. Đến mùa 1991/92 áo số 7 được Robson nhường cho Andrei Kanchelskis nhưng cầu thủ người Nga dù tỏa sáng tại Old Trafford lại mâu thuẫn với Sir Alex Ferguson trước khi rời CLB sau 4 năm. Kanchelskis chỉ mặc áo số 7 trong chưa đầy 2 mùa trước khi trao lại cho Eric Cantona, một thành công vang dội tại MU.
Best, Cantona, Beckham và Ronaldo đều là những cầu thủ có phong cách hào hoa mặc áo số 7
Sau khi Cantona nghỉ năm 1997, áo số 7 hoàn toàn thuộc về David Beckham và anh mặc áo từ mùa 1997/98 cho tới năm 2003, mang lại rất nhiều chức vô địch cho MU. Kế thừa Beckham, Cristiano Ronaldo mặc áo ngay sau khi gia nhập CLB và còn vươn tới thành công lớn hơn nữa, đoạt QBV năm 2008.
Mặc dù vậy sau Ronaldo số 7 bắt đầu rơi vào tay những cầu thủ không quá thành công với sân Old Trafford. Michael Owen chấn thương quá nhiều khiến những khoảnh khắc tỏa sáng dù đáng nhớ nhưng ít ỏi, trong khi Antonio Valencia chỉ sau 1 mùa đã cảm thấy không thoải mái với số 7 và xin trở lại số áo cũ. Những Cavani, Sanchez, Depay, Di Maria đều hoặc thất bại, hoặc không quá thành công so với tầm vóc của các số 7 trước kia.
Những cầu thủ MU thành công nhất với áo số 7: Johnny Berry, George Best, Steve Coppell, Bryan Robson, Eric Cantona, David Beckham, Cristiano Ronaldo.
Số 10
Stan Pearson là số 10 thành công đầu tiên của MU, gia nhập CLB năm 1936 và giành vô địch FA Cup (1948) lẫn vô địch Anh (1952) khi đang mặc áo số 10 từ 1948 đến 1954. Sau khi Pearson đi, số 10 sang tay Dennis Viollet, người đá 10 mùa giải cho MU và ghi 179 bàn trong 293 trận, góp phần đưa MU 2 lần vô địch Anh và là Vua phá lưới Cúp C1 mùa 1956/57. Viollet sống sót sau thảm họa Munich và được xem là một trong số ít cầu thủ MU được Sir Matt Busby trông cậy trong những năm đầu xây dựng lại CLB.
Từ trái sang: Albert Quixall, Sir Matt Busby, Denns Viollet và Sir Bobby Charlton
Trước khi xảy ra thảm họa, Viollet đã trao lại áo số 10 cho Sir Bobby Charlton vào năm 1956 và Charlton trở thành một trong những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử MU, là chứng nhân của mọi thành công trong kỷ nguyên Busby từ 1956 đến 1969. Áo số 10 qua tay một vài cầu thủ không mấy nổi bật sau khi Charlton rời CLB trước khi được mặc bởi Lou Macari từ 1975 đến 1983. Ông đá hơn 400 trận tại MU, đưa CLB thăng trở lại giải hạng Nhất và 3 lần vào chung kết FA Cup trong thập niên 1970.
Trước mùa cuối ở MU 1982/83, áo số 10 của Macari được chuyển cho Norman Whiteside, người gia nhập MU ở tuổi 17 và giúp CLB đoạt 2 FA Cup nhưng bị chấn thương tàn phá sự nghiệp và giải nghệ ở tuổi 26. 1 năm trước khi Whiteside rời MU, áo số 10 đã được chuyển cho Mark Hughes vừa mới về Anh sau 2 năm ở Barcelona rồi Bayern Munich, và trong 7 năm tiếp theo Hughes góp phần giúp MU giành những thành công đầu tiên trong kỷ nguyên Sir Alex Ferguson.
Sau khi Hughes chia tay đội năm 1995, áo số 10 lại truyền qua Roy Keane và David Beckham trong 2 mùa tiếp theo trước khi năm 1998 vào tay Teddy Sheringham, một trong những người hùng của MU tại chung kết Champions League 1999. Sheringham đá 4 năm ở MU và không hẳn đạt đỉnh phong độ nhưng ở tuổi 35 vẫn dẫn đầu danh sách ghi bàn của CLB mùa 2000/01 và thậm chí đoạt giải Cầu thủ xuất sắc nhất năm.
Rooney kế thừa áo số 10 từ Van Nistelrooy và mặc nó trong 10 năm
Sau Sheringham áo số 10 thuộc về một chân sút cự phách khác là Ruud van Nistelrooy, đến nay vẫn được xem là một trong những “vua vòng cấm” nguy hiểm nhất MU từng có. Nhưng sau khi Van Nistelrooy rời CLB năm 2006, số 10 bị để trống 1 năm trước khi thuộc về Wayne Rooney từ mùa 2007/08 cho tới 2017/18, và Rooney còn có thành công lớn hơn Van Nistelrooy.
Sau mùa 2017/18 Ibrahimovic mặc số 10, từ đó tới nay áo đấu thuộc về Marcus Rashford, không phải một cầu thủ tồi sau 8 năm đá cho MU nhưng ở 8 mùa đã qua có lẽ chỉ có 3 mùa thực sự bừng sáng. Vẫn còn thời gian để anh tỏa sáng như những số 10 vĩ đại trong quá khứ nhưng lúc này chưa thể xem anh là một thành công.
Những cầu thủ MU thành công nhất với áo số 10: Stan Pearson, Dennis Viollet, Sir Bobby Charlton, Lou Macari, Mark Hughes, Teddy Sheringham, Ruud Van Nistelrooy, Wayne Rooney.
Như vậy đã có tới 8 cầu thủ MU thi đấu thành công khi mặc số 10 so với 7 người mặc áo số 7, nên sự thiêng liêng của áo số 10 không hề kém số 7 là bao. Có vẻ số 7 được thần thánh hóa bởi nó đã vào tay nhiều danh thủ có lối chơi hào hoa tinh tế, nhưng những cá nhân đeo số 10 đều cực kỳ quan trọng trong các thành công của CLB, trong đó có 3 cầu thủ (Pearson, Charlton, Rooney) có thể xem là biểu tượng bởi gắn bó rất lâu dài qua nhiều thăng trầm của đội bóng.
Nguồn: [Link nguồn]
Bruno Fernandes tiết lộ về thời điểm được HLV Ten Hag thông báo trở thành đội trưởng mới của MU.