Anh rời EU, Premier League lĩnh đủ
Sau cuộc trưng cầu dân ý hôm thứ 5 vừa qua, liên hiệp Anh đã chính thức rút lui khỏi liên minh châu Âu EU. Bên cạnh rắc rối về kinh tế và chính trị, thể thao mà đặc biệt là Premier League phải hứng chịu những hệ lụy khôn lường.
Video Premier League chịu ảnh hưởng từ sự kiện Anh rời EU (nguồn VTV):
332 cầu thủ phải làm lại giấy phép lao động
Không giống như các giải bóng đá khác, những cầu thủ muốn chơi bóng tại Premier League phải đáp ứng những quy tắc nghẹt nghèo về giấy phép lao động. Có 2 cách để sở hữu tấm giấy này đó là hộ chiếu châu Âu hoặc các điều kiện rất lớn về chuyên môn.
Cụ thể, họ phải là tuyển thủ quốc gia có thứ hạng trung bình 2 năm gần nhất không dưới 70 trên BXH FIFA. Ngoài ra, cầu thủ này còn phải chơi tối thiểu 75% số trận “loại A” của đội tuyển.
BBC công bố số liệu thống kê giật mình
Theo thống kê từ BBC vào năm ngoái có 332 cầu thủ đang chơi tại 2 giải đấu cao nhất của Anh và Scotland sẽ phải xin cấp lại giấy phép lao động. Tất nhiên khả năng tất cả họ đều được đáp ứng là bất khả thi. Điều này sẽ dẫn đến việc nhiều cầu thủ phải trở về nước như Martial (MU), Payet (West Ham), Kante (Leicester), De Gea (MU), Mata (MU) hay Bellerin (Arsenal).
Năm 2015, một con số khiến nhiều NHM giật mình đó là chỉ 23 cầu thủ EU ở Premier League đáp ứng được luật lao động của nước Anh để tiếp tục thi đấu trong trường hợp họ rời khỏi liên minh châu Âu. Như vậy, các đội bóng tại Premier League sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn trên thị trường chuyển nhượng.
“Giá trị của cầu thủ cùng mức lương sẽ tăng không giới hạn bởi cung không thể đáp ứng được cầu”, tiến sỹ ngành kinh tế thể thao Babatunde Buraimo cho biết.
Điều luật 19 trở thành ác mộng
Hiện tại, ở điều 19 luật chuyển nhượng của FIFA nghiêm cấm tất cả mọi hành vi mua bán cầu thủ dưới 18 tuổi. Thế nhưng, điều này hoàn toàn hợp pháp trong khối EU. Trong quá khứ, Arsenal đã sở hữu Fabregas, Bellerin từ Barca; MU cũng có Pogba ở tuổi 16. Tuy nhiên, trong thời gian tới điều tương tự sẽ không lặp lại bởi liên hiệp Anh đã ở ngoài liên minh châu Âu.
Các lò đào tạo chỉ được nhận học viên bản địa
Nước Anh luôn rất tự hào về công tác đào tạo trẻ như West Ham, MU, hay Arsenal. Man City và Chelsea cũng đang tích cực đầu tư cho hướng đi này. Thế nhưng, việc các tài năng dưới 18 tuổi không được xuất hiện tại Anh theo luật của FIFA, những học viện này sẽ mất đi nguồn cung học viên chất lượng. Qua đó, họ sẽ chỉ đào tạo những tài năng trong nội bộ liên hiệp Anh.
Điều này nếu nhìn theo hướng tích cực, các sao mai bản địa có nhiều cơ hội phát triển hơn. Thế nhưng, trong thể thao việc hạn chế tính cạnh tranh cũng như việc giao thoa văn hóa giữa những nền bóng đá khác nhau cũng mang đến không ít khó khăn.
Đâu là giải pháp?
Viễn cảnh sắp tới của Premier League nói riêng và bóng đá Anh khi liên hiệp Anh rời EU là vô cùng mờ mit. Thế nhưng, chính phủ sẽ không khoanh tay đứng nhìn bởi đây là nguồn thu không nhỏ cho ngân sách cũng như việc thúc đẩy nền kinh tế.
Theo lộ trình, liên hiệp Anh sẽ từng bước rút khỏi EU trong vòng 10 năm tới. Bên cạnh đó, những cường quốc về kinh tế khác như Đức hay Pháp cũng can thiệp để kéo dài thời gian nhằm tránh tạo ra tiền lệ xấu trong tương lai.
Đây là giai đoạn quý giá để các chuyên gia tìm cách “lách luật”. Theo tư vấn từ Daniel Geey, người đứng đầu một công ty luật nổi tiếng về thể thao tại Anh, LĐBĐ Anh (FA) hoàn toàn có thể thiết lập những cuộc họp riêng với EU nhằm tháo gỡ vấn đề về giấy phép lao động. Tuy nhiên điều này sẽ rất khó khăn bởi các ngành nghề khác cũng sẽ lên tiếng đòi quyền lợi.
Tờ Goal vừa làm một phép tính thử về giả thiết tỷ giá hối đoái giữa đồng bảng Anh giảm so với đồng euro khi nước này rút khỏi liên minh. Lấy Paul Pogba làm ví dụ. Juventus đặt giá 160 triệu euro cho tiền vệ người Pháp, thời điểm cùng kỳ năm ngoái tỷ giá giữa euro/bảng là 0,709 nhưng hiện tại đã là 0,9 và theo dự báo của các chuyên gia sẽ còn tiếp tục tăng. Như vậy, các đội bóng Anh sẽ phải chịu thiệt hại lên đến 30 triệu bảng từ 113,4 triệu bảng lên 144 triệu bảng do mức chênh lệch tỷ giá này. |