Ăn vạ, hay sự thoái hóa của bóng đá
Ăn vạ đang là chủ đề nóng nhất ở Premier League vào lúc này. HLV của Chelsea, Jose Mourinho, cảm thấy không chút khó khăn để chỉ trích Luis Suarez trong khi bảo vệ hành động tương tự của Ramires. Fan của Man United thì càng lúc càng cáu vì thói quen của Ashley Young và Adnan Januzaj.
Premier League sắp có “vua ăn vạ” mới
West Ham rất im ắng về chuyện ăn vạ, nhưng có thể sắp tới sẽ không còn như thế. Nếu đề nghị hỏi mượn Lacina Traore của họ được chấp nhận, tiền đạo đang thuộc biên chế AS Monaco này có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc tranh luận mới về vấn đề “ăn vạ”. Đó là bởi khán giả ở Nga sẽ cho chúng ta biết đích xác Lacina Traore có “biệt tài” gì.
Sự kiện tai tiếng nhất của Traore là ngày khai mạc giải vô địch Nga. Ứng viên vô địch Anzhi Makhachkala tiếp Lokomotiv Moscow. Vào phút bù giờ, Roman Pavlyuchenko gỡ hòa một cách kịch tính cho Lokomotiv, Traore đã có một pha ngã rất điệu nghệ trong vòng cấm đội khách trước sự ngạc nhiên của Vedran Corluka (không hề có va chạm). Nhưng càng ngạc nhiên hơn khi trọng tài đã chỉ tay vào chấm 11m.
Chiêu ăn vạ của Traore không phải lúc nào cũng có tác dụng. Mùa giải trước, tiền đạo này ăn thẻ vàng thứ hai trong trận đấu ở Europa League do ngã vờ. 2 mùa trước đó, Lacina Traore còn bị 3 thẻ đỏ khi đá cho CFR Cluj (Romania), bị treo giò 2 trận vì suýt làm gãy chân đối thủ, và một thẻ đỏ trực tiếp trong một trận đấu Cúp QG vì một pha “kung-fu” kiểu Nigel de Jong. 24 thẻ vàng trong 111 trận (và đó là chưa tính các trận đấu Cúp), “thành tích” cực tệ của tiền đạo người Bờ Biển Ngà.
Lacina Traore (giữa)
Thế nhưng AS Monaco vẫn mua tiền đạo này vào đầu năm nay. Lý do là bởi vì Lacina Traore có triển vọng: Cao 2m03 (cao hơn cả Peter Crouch) nhưng có nhịp chạm rất tinh tế và đã dùng nhịp chạm ấy để ghi một bàn thắng rất đẹp mắt vào lưới Liverpool ở Europa League mùa trước.
Những cú sút chân trái của Traore đi rất căng khiến nhiều thủ môn phải thừa nhận rằng bắt dính là không thể. Lacina Traore là một tiền đạo kỳ quặc, cao 2m03 nhưng lại đánh đầu rất kém (?!), chính Traore cũng tự nhận mình kém ở điều ấy.
Cầu thủ này trưởng thành từ lò đào tạo nổi tiếng ASEC Mimosas do ông Jean Marc Guillou, bạn thân của Arsene Wenger, lập ra. Nhưng khác với nhiều học viên cùng lứa, Traore không được các CLB châu Âu chú ý cho tới khi chủ tịch của CLB Cluj phát hiện ra anh chơi bóng trên đường phố. Tại Cluj, Traore từ ghế dự bị đã trở thành trụ cột đưa Cluj tới chức vô địch Romania năm 2010. HLV Andrea Mandorlini của đội khi đó đã dự đoán rằng với tài năng của Traore, sớm muộn gì anh cũng sẽ đến… Arsenal, hoặc MU.
Được tâng bốc, Traore trở nên ích kỷ tới mức tự sút bóng trong một tình huống có thể chuyền cho đồng đội để đá vào lưới trống. Và khi không biết làm cách nào để ghi bàn, Traore học được bài mới: Ăn vạ. Tự ăn vạ và tự đá phạt đền.
Sự nghiệp của Traore định hình từ đó. Cầu thủ 23 tuổi này nghĩ rằng mình đã giỏi nên không muốn đá cho Cluj. Sang Nga thi đấu, Traore tiếp tục thói quen cũ và lối chơi vị kỷ. Monaco sau khi mua tiền đạo này đã muốn cho mượn ngay.
Chưa thành tài đã thành “tai”
Lacina Traore rất có thể sẽ đến West Ham trong những ngày tới, và chúng ta sẽ lại có một nhân vật thú vị trong cuộc tranh luận về những người hay ăn vạ. Đó là một câu chuyện rất điển hình về những cầu thủ có thể hình, có triển vọng, chưa học tới nơi tới chốn nhưng đã cảm thấy mình quá giỏi và tự phát triển những thói quen xấu.
Những cầu thủ thực sự giỏi sẽ không cần đến trò ăn vạ. Hầu hết những danh thủ có tài năng cá nhân và khả năng lãnh đạo tập thể sẽ không dùng đến những trò ăn vạ để làm gương cho đồng đội. Adnan Januzaj mới chỉ bắt đầu bứt vào hệ thống xoay vòng của MU mà đã bắt đầu những chiêu trò mà đàn anh Ashley Young vẫn hay thực hiện, thì liệu Januzaj có đủ tư tưởng để học hỏi và trở thành một cầu thủ xuất chúng hay không? Đừng quên David Beckham hay Ryan Giggs không ăn vạ để trở thành thủ lĩnh tại Old Trafford.
Điều đó đang cho thấy một sự thoái hóa về tư tưởng với các cầu thủ ở ngay những giải đấu hàng đầu. Với thể lực sung mãn, Ramires có cần phải ngã ăn vạ? Anh hoàn toàn có thể bung sức lao thẳng vào vòng cấm. Một sao cũng hay ăn vạ khác là Danny Welbeck.
Tiểu xảo ngã vờ được không ít cầu thủ áp dụng
Thực tế cho thấy, những cầu thủ ăn vạ nhiều thì không có tư cách thủ lĩnh, bởi họ không có sức mạnh tinh thần để lãnh đạo cả đội. Nếu West Ham có một cầu thủ mạnh về tinh thần như Carlos Tevez, họ sẽ không thể xuống hạng. Còn Lacina Traore? Sẽ chẳng giúp gì.
Tương tự như vậy, MU được lợi lộc gì từ những cầu thủ như Ashley Young, Danny Welbeck hay Adnan Januzaj nếu tất cả những gì họ biết là mang đến phạt đền? Oscar tại sao lại phải ngã kiếm 11m khi trước mắt đã là khung thành và không còn ai cản? Điều duy nhất khiến Luis Suarez được “lượng thứ” cho những hành động của mình là bởi vì anh ghi rất nhiều bàn thắng, nhưng khó có thể gọi Suarez là một người thủ lĩnh giỏi. Anh chỉ là một cá nhân hay.
Thật sự đáng lo ngại khi một tài năng trẻ như Adnan Januzaj đã bắt đầu gây dựng “tiếng tăm” của mình về khoản ngã vờ, cho dù anh chưa thực sự gây được dấu ấn về tài chơi bóng. Đó cũng là thực trạng của nhiều cầu thủ trẻ khác, họ có điều kiện học hỏi để rèn chuyên môn nhưng càng ngày càng sa đà vào những trò tiểu xảo.