Ai yêu, ai ghét HAGL?
Đội bóng của bầu Đức xứng đáng là một hiện tượng của bóng đá Việt Nam trong các năm trở lại đây, với số lượng người hâm mộ đông đảo nhờ lối đá kỹ thuật đẹp mắt, tận hiến, dù có thể còn chưa hoàn thiện, cần thêm nhiều thời gian để trưởng thành thực sự.
Con ngoan học Havard, ai chẳng yêu
Phải thừa nhận một thực tế, đã rất lâu bóng đá Việt Nam mới sản sinh ra một lứa cầu thủ nhận được nhiều sự yêu mến, quan tâm đến vậy từ công chúng và những người yêu thích bóng đá. Từ khi được trình làng trong màu áo U19 Việt Nam ở giải U19 Đông Nam Á 2013 (Indonesia), lứa 1 Học viện bóng đá HAGL-Arsenal-JMG đã nhanh chóng trở thành những gương mặt “hot”, từ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, đến Văn Toàn, Hồng Duy…
Xuân Trường luôn cống hiến hết mình khi làm nhiệm vụ quốc gia.
Về mặt chuyên môn, cầu thủ HAGL được đánh giá cao ở khả năng xử lý kỹ thuật khéo léo. Nổi bật trong số này phải kể tới Công Phượng, dù tiền đạo gốc Nghệ đôi khi bị chỉ trích là quá lạm dụng kỹ thuật cá nhân, rườm rà dẫn tới chưa thực sự hiệu quả. Tuấn Anh và Xuân Trường là hai cầu thủ khác của HAGL có kỹ thuật cơ bản cực tốt, bên cạnh tư duy chiến thuật sắc bén, lối chơi thông minh. Việc được cùng chơi bóng với nhau trong nhiều năm cũng giúp cho tập thể cầu thủ trẻ HAGL có độ kết dính cao, khả năng phối hợp ăn ý, nhuần nhuyễn.
Ở các giải trẻ và sau đó là dự tranh V-League, HAGL đã thể hiện một lối chơi riêng rất rõ nét, khác hẳn so với các đội bóng còn lại. Theo đánh giá của giới chuyên môn, xét về phối hợp bóng ngắn, V-League hiện chỉ có CLB Hà Nội là “ăn” được HAGL. Đội bóng thủ đô cũng là một tập thể ăn tập lâu năm, có lối chơi đặc trưng nhờ nhiều năm dưới sự huấn luyện của HLV Phan Thanh Hùng, và lại trội hơn HAGL ở kinh nghiệm, chất lượng cầu thủ ở các vị trí.
Bên cạnh chuyên môn, việc được tập luyện trong một môi trường chuyên nghiệp, trong lành cũng giúp các cầu thủ trẻ HAGL nhận được nhiều thiện cảm từ công chúng. Xuân Trường, Văn Toàn, Tuấn Anh…luôn có cách ứng xử “không thể chê” khi đứng trước truyền thông cũng như người hâm mộ. Cầu thủ HAGL được dạy văn hoá, quản lý nghiêm khắc, hạn chế tối đa tiêm nhiễm với các tệ nạn phía ngoài đội bóng.
Chỉ qua 2 năm 2013 và đặc biệt là 2014, HAGL trở thành biểu tượng của lối đá đẹp, làm say mê hàng triệu trái tim người hâm mộ. Người ta còn nhớ rất rõ câu ví von của Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Lê Hùng Dũng khi nói về cầu thủ HAGL. Ông Dũng so sánh “đám trẻ nhà bầu Đức” với “thằng út, ngoan ngoãn, học giỏi và được tuyển thẳng Harvard”.
Dĩ nhiên, chỉ từng nấy có lẽ chưa đủ để HAGL trở thành một hiện tượng nóng đến vậy. Một thực tế khác phải thừa nhận, HAGL đã làm rất tốt khâu hình ảnh, đưa một cách hiệu quả những hiệu khía cạnh tích cực nhất của đội bóng ra công chúng. Ở góc độ làm bóng đá chuyên nghiệp, HAGL có vẻ đã đi trước các đội bóng ở V-League, và hiệu quả thu lại là rất rõ rệt.
Ở mùa giải đầu tiên được “đôn” lên V-League, các trận đấu của HAGL luôn thu hút số lượng đông đảo CĐV theo dõi. Người ta còn nhớ rõ trong chuyến làm khách đầu tiên tới sân Hàng Đẫy của CLB Hà Nội, HAGL đã khiến sân bóng vốn vắng khán giả này chật cứng người xem.
Kẻ ghét vì sao?
Kết thúc V-League 2015, HAGL chỉ trụ hạng khi giải trôi về những lượt đấu cuối. Đây là thành tích ít người nghĩ tới sau những khởi đầu rình rang hồi đầu mùa giải. Để đưa toàn bộ lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường lên đội 1, bầu Đức đã quyết định bỏ gần như toàn bộ các cầu thủ cũ. Quyết định này của ông Đức bị giới bóng đá đánh giá là quá vội vàng và có phần chủ quan.
Nếu nhìn vào thực tế thi đấu và thành tích của HAGL 2 mùa giải qua, những nhận xét này có vẻ đã chính xác. Dù có kỹ thuật tốt, lối chơi bóng đẹp mắt, nhưng cầu thủ HAGL tỏ ra quá non trong môi trường V-League vốn khắc nghiệt, giàu tính cạnh tranh. Thể lực không mạnh cũng là một điểm yếu khác của cầu thủ HAGL được giới chuyên môn chỉ ra.