Ai xứng đáng với Quả bóng vàng?
AFF Cup 2020 được xem là hệ quy chiếu để các chuyên gia bầu chọn Quả bóng vàng 2021 trong một năm bóng đá Việt Nam thua nhiều hơn thắng. Tuy nhiên, thất bại cay đắng trước Thái Lan ở vòng bán kết vừa qua khiến giới mộ điệu phải tự đặt câu hỏi, liệu có ai xứng đáng với danh hiệu cá nhân cao quý này hay không? Và bây giờ, người ta sẽ phải dựa vào đâu để tìm ra người chiến thắng?
Khi thành công là tiêu chí đánh giá duy nhất
Quả bóng vàng Việt Nam là giải thưởng do báo Sài Gòn Giải Phóng đề xướng và tổ chức từ năm 1995. Giống như Quả bóng vàng châu Âu do France Football sáng lập, đây là giải thưởng tôn vinh những cá nhân xuất sắc nhất của nền bóng đá sau mỗi mùa giải. Tuy nhiên, tiêu chí cụ thể để đánh giá và bầu chọn người chiến thắng chưa bao giờ được xác định một cách rõ ràng. Vì vậy, không ít lần kết quả chung cuộc gây tranh cãi trong cộng đồng người yêu mến bóng đá.
Trong 26 năm tồn tại, Quả bóng vàng Việt Nam từng hủy giải một lần, không trao bất cứ giải thưởng nào vì lý do ít ai ngờ đến. Không phải vì dịch bệnh mà vì… thành tích. Đó là năm 2013. Lần đầu tiên và duy nhất từ khi ra đời, Quả bóng vàng Việt Nam không có chủ nhân vì ban tổ chức cảm thấy không có ai xứng đáng nhận giải.
Đội bóng của HLV Park Hang-seo đã có một năm đáng quên
Giống như thông lệ, đầu năm 2014, ban tổ chức Quả bóng vàng 2013 đưa ra danh sách các ứng cử viên và phát động bầu chọn. Tuy nhiên, đến tháng 5-2014, họ quyết định hủy giải với lý do “bóng đá Việt Nam có quá nhiều nốt trầm trong năm 2013”.
Thực tế, năm 2013 là năm đen tối của nền bóng đá nước nhà khi chúng ta chịu thất bại thảm hại trên mọi đấu trường. Tại SEA Games 2013, tuyển U23 Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng với vỏn vẹn 6 điểm, đứng dưới cả U23 Malaysia và U23 Singapore. Trong khi đó, tuyển nữ cũng không hoàn thành mục tiêu vì chỉ giành được huy chương bạc. Ở cấp độ ĐTQG, tuyển Việt Nam gây thất vọng lớn khi sớm dừng bước ở vòng loại Asian Cup 2015 với vỏn vẹn 1 trận thắng.
Tại V.League, biến động lớn cũng xảy ra khi một CLB bỏ giải vì các lý do khác nhau. Đầu mùa, CLB Hà Nội không được tham dự vì cùng một ông bầu với Hà Nội T&T, phải nhường suất cho đội hạng 3 giải hạng Nhất mùa trước đó là Đồng Nai. Khatoco Khánh Hòa trụ hạng thành công nhưng bán lại suất cho… Vicem Hải Phòng, đội đứng bét bảng V.League 2012, trong khi Navibank Sài Gòn giải thể vì bầu Thọ dừng tài trợ. Cuối mùa giải V.League 2013, đến lượt Xi măng Xuân Thành Sài Gòn chung số phận khi bầu Thụy tuyên bố bỏ giải.
Quả bóng vàng 2021 sẽ vô chủ nếu chỉ dựa vào thành tích
Không ít người hâm mộ cho rằng quyết định hủy Quả bóng vàng Việt Nam 2013 là không công bằng và đáng lo ngại. Sau cùng, đây vẫn là giải thưởng tôn vinh người xuất sắc nhất trong năm. Nếu các ĐTQG cùng nhau gây thất vọng, những cái tên tỏa sáng tại V.League vẫn xứng đáng có cơ hội được tôn vinh.
Tại V.League 2013, Lê Công Vinh là cái tên nổi bật nhất. Tiền đạo này ghi 13 bàn, trở thành “Vua phá lưới nội” trong màu áo SLNA và kiếm được hợp đồng chuyển sang Consadole Sapporo, CLB chơi ở giải hạng nhì Nhật Bản khi đó. Trong 5 tháng tại Consadole Sapporo, Công Vinh ghi 4 bàn, kiến tạo 2 bàn sau 11 lần ra sân.
Tuy nhiên, các CLB của Công Vinh đều trắng tay. Tương tự như vậy, Nguyễn Anh Đức cũng không được đánh giá cao cho dù ghi 12 bàn cho Becamex Bình Dương, đội chỉ về đích thứ 8 tại V.League. Ở chiều ngược lại, những Thành Lương, Văn Quyết góp công giúp Hà Nội T&T vô địch, nhưng tầm ảnh hưởng kém xa các ngoại binh như Gonzalo, Samson Kayode.
Lịch sử lặp lại?
Câu chuyện bi đát của năm 2013 đang lặp lại với bóng đá Việt Nam, cho dù ở một tầm cao hơn. V.League 2021 bị hủy giữa chừng vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Hoàng Anh Gia Lai và Viettel đều có các cá nhân xuất sắc, nhưng khó ai có thể trao giải Quả bóng vàng dựa vào thành tích của họ chỉ sau chưa đầy mùa giải V.League.
Hoàng Đức nổi lên như ứng cử viên sáng giá nhờ các màn trình diễn đẳng cấp cao
Trong khi đó, cấp độ ĐTQG có nhiều vấn đề phát sinh. Dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo, tuyển Việt Nam đi vào lịch sử khi lần đầu tiên lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, trở thành 1 trong 12 đội tuyển mạnh nhất châu lục. Tuy nhiên, đó cũng là thành công đáng kể duy nhất của chúng ta trong năm nay. Và buồn thay, không ai còn nhắc đến thành công đó khi tuyển Việt Nam toàn thua 6 trận đầu tiên tại bảng B vòng loại thứ 3.
Trong bối cảnh sân chơi châu lục trở nên quá tầm với tuyển Việt Nam, AFF Cup trở thành niềm hy vọng cho cả năm. Tuyển Việt Nam vốn là đương kim vô địch AFF Cup và cũng là đội bóng có thứ hạng FIFA cao nhất tại Đông Nam Á. Với lực lượng đồng đều và được chuẩn bị kỹ càng, đội bóng của HLV Park Hang-seo là ứng cử viên vô địch số 1 ở giải đấu tại Singapore.
Tuy nhiên, Quang Hải vẫn chiếm nhiều ưu thế hơn Hoàng Đức
Thế nhưng, tuyển Việt Nam đã đi từ thất vọng này đến thất vọng khác. Đội bóng áo đỏ gây tranh cãi khi thắng nhọc tuyển Lào, bị Indonesia cầm hòa trước khi mất ngôi đầu bảng vào tay đối thủ và thua trắng Thái Lan ở bán kết. Bất chấp sự khởi sắc trong cả hai lượt trận với Thái Lan, tuyển Việt Nam vẫn bất lực trong việc xuyên thủng mành lưới của đối thủ và trở thành cựu vương trong sự nuối tiếc của hàng triệu người hâm mộ tại quê nhà.
Lúc này, những người chờ đợi AFF Cup 2020 trở thành sân khấu chọn ra Quả bóng vàng Việt Nam 2021 giống như đi vào màn sương mù vô định. Không có ngôi sao nào trở thành người hùng đúng nghĩa khi tuyển Việt Nam phải dừng bước sớm trước đại kình địch.
V.League đã hủy, vòng loại World Cup 2022 thua tan nát, AFF Cup 2020 cũng thất bại theo cách khó nuốt trôi. Tuyển Việt Nam tưởng như sẽ có một năm thành công ngoài mong đợi, bỗng trở thành thất bại ngoài dự đoán. Có lẽ những người bi quan nhất cũng không thể nghĩ rằng đội bóng của HLV Park Hang-seo lại kết thúc năm 2021 buồn như vậy. Khi nhìn vào hành trình dở dang, buồn nhiều hơn vui đó, liệu ban tổ chức Quả bóng vàng Việt Nam có hủy giải một lần nữa?
Câu trả lời có lẽ là không. Dù sao, bóng đá Việt Nam cũng mới trượt khỏi đỉnh cao một đoạn không xa. Chúng ta vẫn còn dàn cầu thủ đủ tốt để hướng đến năm 2022 với những mục tiêu quan trọng hơn, bao gồm SEA Games 31 trên sân nhà và một kỳ AFF Cup khác.
Ai xứng đáng với Quả bóng vàng 2021?
Như đã nói ở trên, một nửa mùa giải V.League 2021 không đủ làm thước đo đánh giá sự xuất sắc của các cầu thủ. Dù vậy, phong độ của cầu thủ trong màu áo CLB nên là một phần trong tiêu chí bầu chọn Quả bóng vàng 2021. Những ngôi sao của HAGL và Viettel sẽ chiếm ưu thế, bởi lẽ họ đã tạo ra cuộc đua “song mã” hấp dẫn trước khi mùa giải bị hủy bỏ.
Trong bối cảnh giải VĐQG không trọn vẹn, màn trình diễn của các cầu thủ ở các ĐTQG sẽ mang tính quyết định. Năm nay, U23 Việt Nam không có nhiều đất diễn, và cũng không trình làng gương mặt nào thực sự nổi bật. Kỳ tích giống như Nguyễn Quang Hải tạo ra trong năm 2018 chắc chắn không thể tái hiện. Các ứng cử viên nặng ký nhất vì thế đều là tuyển thủ, và phải chinh chiến và tạo dấu ấn đầy đủ từ vòng loại thứ 2 đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và AFF Cup.
Nhắc đến đây, nhiều người hẳn nhiên sẽ nghĩ đến Nguyễn Hoàng Đức và Nguyễn Quang Hải. Bộ đôi tiền vệ kèo trái này thường xuyên thể hiện đẳng cấp vượt trội phần còn lại và được công nhận rộng rãi. Người thứ 3 có thể là Nguyễn Tiến Linh, tiền đạo có 5 bàn tại vòng loại thứ 2 và 2 bàn khác tại vòng loại World Cup 2022.
Nếu như những người có quyền bầu chọn đặt nặng AFF Cup 2020, Quang Hải nhiều khả năng sẽ giành Quả bóng vàng thứ 2 trong sự nghiệp. Ngôi sao của Hà Nội nổi bật trong cả 2 trận đấu với Thái Lan và chỉ không ghi bàn vì thiếu may mắn.
18/19 đề cử Quả bóng vàng nam Việt Nam 2021 dự AFF Cup 2020 Ngoài Nguyễn Trọng Hoàng vắng mặt vì chấn thương, 18/19 đề cử cho giải Quả bóng vàng 2021 tham dự AFF Cup cùng tuyển Việt Nam, bao gồm Bùi Tấn Trường (Hà Nội), Quế Ngọc Hải (Viettel), Đỗ Duy Mạnh (Hà Nội), Bùi Tiến Dũng (Viettel), Nguyễn Thành Chung (Hà Nội), Vũ Văn Thanh (HAGL), Nguyễn Phong Hồng Duy (HAGL), Hồ Tấn Tài (Bình Định), Nguyễn Tuấn Anh (HAGL), Lương Xuân Trường (HAGL), Nguyễn Hoàng Đức (Viettel), Nguyễn Quang Hải (Hà Nội), Trần Minh Vương (HAGL), Phan Văn Đức (SLNA), Nguyễn Công Phượng (HAGL), Nguyễn Tiến Linh (Bình Dương), Nguyễn Văn Toàn (HAGL), Trần Nguyên Mạnh (Viettel), Nguyễn Trọng Hoàng (Viettel). Sử dụng phương pháp loại trừ, người hâm mộ có thể dễ dàng gạch tên một loạt cái tên ra khỏi cuộc đua. Ví dụ như Tấn Trường, người phải bắt dự bị cho Nguyên Mạnh hay Duy Mạnh, Văn Thanh, Hồng Duy, Văn Toàn, Công Phượng - những người chơi dưới mức kỳ vọng. Những cái tên phải ngồi dự bị phần lớn giải đấu như Tấn Tài, Xuân Trường, Tuấn Anh, Minh Vương hay Văn Đức cũng khó có cơ hội tạo ra bất ngờ. Trong khi đó, Tiến Dũng, Thành Chung dù có một số trận đấu hay nhưng không tạo ra ảnh hưởng rõ nét vì bị xoay vòng. Vì vậy, ngoài Hoàng Đức, Quang Hải và Tiến Linh, có chăng Quế Ngọc Hải đủ sức chen chân vào cuộc đua giành danh hiệu cá nhân này. Câu trả lời cuối cùng sẽ có vào tháng 2-2022. |
Trả lời Tiền Phong ngày 30/12, ông Lê Khánh Hải cho biết đã xin nghỉ chức Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và...
Nguồn: [Link nguồn]