Ai thay thế ông Nguyễn Trọng Hỷ?
Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn hay thậm chí bầu Kiên… luôn được xem là ứng viên cho chức chủ tịch LĐBĐ Việt Nam.
Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ tâm sự muốn VFF tìm được người có tâm và tài để thay thế mình. Thế nhưng, quy trình tìm người ngồi ghế chủ tịch VFF hiện nay vẫn chưa cho phép những người tự ứng cử vào vị trí này mà tất cả đều dựa vào sự giới thiệu của Ban Chấp hành VFF nhiệm kỳ cũ.
Theo một nguồn tin, Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ đã giới thiệu với Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh một nhân vật thay thế mình. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để khẳng định người này sẽ có lợi thế trong cuộc chạy đua vào ghế chủ tịch VFF. Theo đúng thông lệ, Tổng cục TDTT là cơ quan có tiếng nói quyết định với ghế chủ tịch VFF.
Vì vậy, không loại trừ khả năng tổng cục sẽ tiếp tục tiến cử một lãnh đạo như đã từng tiến cử ông Hỷ cách đây 7 năm khi chủ tịch VFF đương nhiệm còn là phó chủ nhiệm Ủy ban TDTT. Ông Hỷ cho rằng: “Người của Tổng cục TDTT sang làm chủ tịch VFF cũng có thuận lợi và những khó khăn nhất định. Nhưng nếu có chuyên môn tốt và tâm huyết, chắc chắn sẽ đủ sức làm bóng đá nước nhà mạnh lên”.Hiện đang có đồn đoán ông Phạm Văn Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, chính là người được cả tổng cục và ông Hỷ tiến cử. Ông Tuấn từng là một cầu thủ bóng đá và kinh qua nhiều công việc liên quan đến bóng đá của VFF các khóa trước. Ông Hỷ đánh giá: “Anh Tuấn là người có chuyên môn tốt nên rất thuận lợi”.
Ông Lê Hùng Dũng có cửa ngồi ghế chủ tịch VFF nhiệm kỳ tới?
Nếu ông Tuấn thay ông Hỷ, nhiều người sẽ cho rằng chiếc ghế chủ tịch VFF chỉ dành cho người trong nhà mà ở đây là người thuộc Tổng cục TDTT hoặc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Chính ông Hỷ cũng thừa nhận: “Nếu không được các cơ quan quản lý Nhà nước đồng ý thì rất khó, vì vậy việc tự ứng cử của một cá nhân nào đó vào ghế chủ tịch VFF vẫn là điều chưa thể làm được”.
Với việc Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) ra đời một cách ngoạn mục một năm trước, giới chuyên môn cho rằng việc tìm người làm chủ tịch VFF vẫn có thể bất ngờ cho đến phút cuối. Thời điểm khi VPF ra đời, chính ông Hỷ từng nói: “Tôi có thể giới thiệu anh Nguyễn Đức Kiên (Chủ tịch CLB Bóng đá Hà Nội) làm chủ tịch VFF thay tôi”.
Có thể phát biểu đó xuất phát từ sự “tự ái” với VPF, nhất là khi ông Hỷ chịu rất nhiều chỉ trích trong chuyện bản quyền truyền hình ký với AVG nhưng biết đâu, nếu bầu Kiên nhận được sự ủng hộ từ nhóm các ông bầu của VPF hiện tại thì ông cũng có thể là ứng viên sáng giá.
Ngoài ra, với mô hình doanh nghiệp điều hành bóng đá, bản thân VFF cũng cần những nguồn thu từ doanh nghiệp để lo cho công tác đào tạo trẻ, nâng chất đội tuyển quốc gia... rất có thể ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch VFF, phụ trách tài chính, sẽ được cất nhắc. Ông Dũng là người dung hòa được lợi ích giữa VFF và VPF, luôn có tiếng nói quan trọng của cả hai phía.
Ông Dũng từng khẳng định việc chọn lãnh đạo cao nhất của VFF phải do Đại hội VFF quyết định, có thể là ở đại hội thường niên vào tháng 10 này. Thế nhưng, với công việc kinh doanh bận bịu, lại nghĩ đến chuyện hàn gắn mối quan hệ chưa được tốt giữa VFF và VPF, xem ra ông Dũng khó dồn 100% tâm huyết cho bóng đá.