Ai ‘lèo lái’ bóng đá Việt Nam?
VFF nhiệm kỳ VII đã và đang lững lờ trôi đi một cách nhàn nhạt với một giấc mơ con vô địch AFF Cup hoặc SEA Games trong khi V-League vẫn chưa thôi xấu xí.
Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam từ năm 2012 đến 2020 do Chính phủ phê duyệt có yêu cầu đội tuyển quốc gia nam và U-23 nam đoạt chức vô địch Đông Nam Á hoặc SEA Games (1-2 lần). Thời gian đã sắp cạn nhưng chiến dịch cho các mục tiêu này chưa thấy dấu hiệu khả thi và chỉ chạy theo kiểu đến hẹn lại lên mà không phải ăn chắc mặc bền.
Ứng cử vào ghế chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng (giữa) muốn thay đổi rất nhiều nhưng cuối cùng lại bị động bởi cấp dưới “lèo lái”. Ảnh: XUÂN HUY
Trong khi đó, VFF vẫn đang tồn tại một mình một cõi và không thấy rõ dấu ấn của những người nắm giữ vận mệnh bóng đá nước nhà. Cuối năm 2015, Tổng cục TDTT từng có kiến nghị VFF tổ chức một “hội nghị Diên Hồng” nhằm cải tổ bóng đá Việt Nam nhưng rồi nó lặng lẽ chìm vào quên lãng như ném đá ao bèo.
Ngôi nhà Thường trực VFF có năm nhân vật quan trọng nhất thì sau đại hội một thời gian, họ dường như đã không còn nhìn về một hướng. Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng có tham vọng đổi mới mạnh mẽ vẫn chưa thể thay đổi tình hình do bệnh tật.
Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức từ lâu đã không còn mặn mà đến việc hiến kế cải tổ cho bóng đá Việt Nam bởi ông đã chán chường sau nhiều lần nói không có tác dụng. Những gì bầu Đức phát biểu đều có người nghe và tán thành nhưng khi đi vào sự việc cụ thể thì chẳng ăn thua gì.
Chẳng hạn, bầu Đức từng đưa ý kiến ra Thường trực VFF lấy nòng cốt đội tuyển U-23 Việt Nam tham dự SEA Games 2015 dựa trên một nhóm cầu thủ giỏi HA Gia Lai để rèn luyện dần. Ai cũng gật gù đồng ý nhưng đến khi bắt tay vào thực hiện lại đi theo một nẻo khác. Bầu Đức cũng táo bạo đòi cải tổ Ban Trọng tài để tránh tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi thì ra đến Ban Chấp hành VFF bị phủ quyết bằng những lá phiếu mà như ông nói là trong đó tồn tại những nhóm lợi ích chồng chéo.
Bầu Đức không ngần ngại nói thẳng mọi việc ở VFF hiện giờ nằm trong tay Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn. Tiếc là dấu ấn của ông này chỉ nổi bật với hơn chục chiếc ghế trong các tổ chức bóng đá khác nhau, còn riêng với bóng đá Việt Nam cứ như người vô hình.
Dẫn chứng gần nhất là vụ hai cầu thủ Hà Nội đạp vào đùi cầu thủ HA Gia Lai gây tranh cãi ầm ĩ cần một phán quyết có tâm và có tầm của lãnh đạo chuyên môn VFF thì ông lại im thin thít. Làng bóng nội không lạ gì mối quan hệ như răng với môi của một phó chủ tịch VFF với một ông bầu có thế lực nhiều năm qua một tay che cả bầu trời V-League nên việc công tư lẫn lộn và ăn cây nào rào cây nấy? Dư luận cũng nghi ngờ việc Ban Trọng tài mổ băng và cố tình bóp méo sự thật là liên quan đến những mối quan hệ dích dắc đấy (!?).
Không có tổ chức nào lạ lùng như ngôi nhà VFF có một phó chủ tịch VFF phụ trách truyền thông - đối ngoại thì bị cấm phát ngôn và dè dặt trong các mối quan hệ. Hay ông phó phụ trách tài chính thì từng buột miệng than thở không biết thuê ông Miura giá bao nhiêu. Còn ông phó phụ trách chuyên môn thì nhận thêm quyết định giao việc thay ông chủ tịch VFF trái với quy chế và điều lệ VFF mà chẳng ai sờ đến.
Đội tuyển U-22 Việt Nam lại sắp sửa chơi SEA Games 2017 với chỉ tiêu chung kết sau khi rút xuống từ HCV.
Vài tháng sau khi tuyển quốc gia rơi rụng chỉ tiêu ở AFF Cup 2016, trong sự mơ hồ thành công của chiến lược đến năm 2020.
“Thay máu” VFF Bầu Đức đã thẳng thắn chỉ rõ những yếu kém của VFF và mong muốn có một cuộc thay máu toàn diện để phát triển. Ông chia sẻ với một đồng nghiệp: “Thực tế mọi việc ở VFF bây giờ do Phó Chủ tịch chuyên môn Trần Quốc Tuấn nắm hết và thao túng hết. Với cái lợi ích chồng chéo, chằng chịt trong bóng đá Việt Nam bây giờ, tiếng nói của một, hai người khó thay đổi lắm. Vì thế, tôi mong lãnh đạo Bộ VH-TT&DL và Tổng cục TDTT lắng nghe những ý kiến tâm huyết của người hâm mộ, từ đó tạo ra một cuộc thay máu thực sự cho bóng đá Việt Nam. Phải thay máu, tạo điều kiện cho những người tài và tâm huyết thực sự với bóng đá Việt Nam bắt tay nhập cuộc”. |