AFF Suzuki Cup 2014: Điểm nhấn Công Vinh!
Sáu năm trước, thầy trò HLV Calisto khởi đầu tệ hại với trận thua Thái Lan rồi đi một mạch đến chức vô địch.
Bây giờ thì thầy trò HLV Miura cũng có một khởi đầu không suôn sẻ khi sức sống hàng công bị phủ nhận bởi sai lầm ở hàng thủ.
Sáu năm trước, HLV Calisto chấp nhận bị chỉ trích từ truyền thông lẫn giới chuyên môn khi kiên trì chờ Công Vinh suốt 12 trận luôn đá chính và luôn… không ghi bàn. Thế rồi đến trận chung kết thì hai lần nổ súng của Công Vinh là hai lần Việt Nam sút tung lưới Thái Lan mang về chiếc cúp AFF Suzuki 2008. Bây giờ thì Công Vinh chỉ cần hơn 10 phút ra sân từ ghế dự bị trong trận đầu tiên đã làm nên tuyệt tác bằng siêu phẩm trên sân Mỹ Đình đêm 22-11.
Giải quyết được bàn thắng nhưng bung sức quá nhiều
Sức sống của hàng công đội tuyển Việt Nam mạnh mẽ hơn, nhiều phương án hơn và hiệu quả hơn kể từ khi có Công Vinh tham gia tạo nên những nút thắt quan trọng. Chỉ tiếc là một lần nữa lại từ sai lầm của hàng thủ mà đội Việt Nam bị Indonesia gỡ hòa trong thế trận thầy trò ông Riedl không có đường ra.
Niềm vui của Công Vinh khi nâng tỉ số lên 2-1. Ảnh: QUANG THẮNG
Điểm nhấn Công Vinh nằm ở đẳng cấp của một cầu thủ giàu kinh nghiệm chấp nhận ngồi ghế dự bị nhưng khi ra sân là lập tức tỏa sáng và tạo ngay sự khác biệt. Cú tung chân vô lê sấm sét đầy quyết đoán cho thấy Công Vinh sau thời gian dài im tiếng đã trở lại và luôn sẵn sàng dù ra sân từ ghế dự bị.
Nhưng từ điểm nhấn Công Vinh, chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế lại nhìn nhận ra một khía cạnh khác mang lại chút bi quan cho thầy trò HLV Miura. Đó là nhặt 1 điểm trong 90 phút phung phí quá nhiều cơ hội và nhiều sức lực. Ông Huế nhấn mạnh từ đây đến chức vô địch còn phải trải qua sáu trận đấu nữa với mật độ khá dày mà ngay từ đầu đã vắt sức như thế thì sẽ rất dễ mất sức và cả mất người khi trận nào cũng căng ra như thế.
Bàn thắng của Công Vinh cũng chứng minh cho các đối thủ biết rằng đội tuyển Việt Nam có một hàng công rất đáng gờm nhưng ngược lại thì hàng thủ lại cho thấy sự thiếu chặt chẽ trong nhiều tình huống.
Nó khác hẳn với lần lên ngôi vô địch 2008, ông Calisto xây dựng một nền tảng bắt đầu từ hàng phòng ngự rất chặt chẽ dưới sự chỉ huy và bọc lót khôn ngoan của Vũ Như Thành. Ông lấy đấy làm bệ phóng cho tất cả trận đấu lớn từ thắng Singapore trên sân Kallang của đối thủ này đến hai bàn thắng tại Bangkok làm 60.000 khán giả Thái Lan sững sờ.
Ngược lại thì ông Miura sử dụng nhiều lực sĩ tham gia phòng ngự nhưng sự an toàn ở tuyến dưới lại luôn bị đặt trong chế độ cảnh báo dù đối phó trong thế hơn người mà cả hai bàn thua là minh chứng rõ nét nhất.
Gia tăng thêm hàng công hay vá hàng thủ?
Sau trận ra mắt với điểm nhất Công Vinh, giờ thì thầy trò ông Miura phải tính đến rất nhiều những nút thắt quan trọng bắt đầu từ hệ thống phòng ngự từ tuyến hai và các lực sĩ ở hàng thủ.
Gia cố hàng thủ hay xác định hàng công bao giờ cũng ghi bàn nhiều hơn bị thủng lưới?
Nhân nói về hàng thủ đội tuyển Việt Nam, cựu trung vệ đội tuyển Việt Nam Nguyễn Mạnh Dũng đang là thành viên ban thống kê trận đấu của AFC tại bảng A chia sẻ như sau:
“Indonesia chưa bộc lộ hết những gì họ có do chưa thích nghi còn Philippines lại cho thấy họ rất đáng sợ khi chơi thứ bóng đá thực dụng và hiện đại. Với một hàng thủ thiếu sự phối hợp và để thua hai tình huống không đáng thua như thế theo tôi khi đá với Philippines nếu không cải thiện sẽ rất khó chơi.