7 lần vào bán kết liên tiếp: Bền bỉ kiểu Đức
ĐT Đức đang là một trong những đội tuyển ổn định nhất hiện nay, đã lọt vào bán kết tất cả 7 giải đấu tham dự từ năm 2005 đến nay.
Với việc đánh bại ĐT Italia trong loạt luân lưu, ĐT Đức đã lọt vào bán kết Euro 2016 để lần thứ 7 liên tiếp dự bán kết của một giải đấu quốc tế.
Giây phút ĐT Đức vỡ òa ăn mừng sau khi vượt qua Italia
Chuỗi 7 lần dự bán kết này kéo dài từ năm 2005 cho đến nay, khởi đầu tại Confederations Cup 2005 và sau đó được lặp lại qua các kỳ Euro và World Cup cho tới bây giờ. Trong 7 lần đó, Đức đã 2 lần vào chung kết ở Euro 2008 và World Cup 2014, vô địch trong lần thứ hai.
Trong quá khứ ĐT Đức cũng đã từng có những giai đoạn hết sức ổn định. Bắt đầu từ ngôi Á quân World Cup 1966, ĐT Đức kỷ nguyên Franz Beckenbauer vào đến ít nhất bán kết ở 2 kỳ World Cup tiếp theo (vô địch năm 1974) và sau đó có 3 kỳ Euro liên tiếp vào đến chung kết giai đoạn 1972 – 1980 (vô địch trong 2 năm đó).
Ngay cả khi Beckenbauer không còn thi đấu, Đức vẫn có chuỗi 3 lần vào chung kết World Cup từ 1982 đến 1990, và 3 lần ít nhất vào đến bán kết Euro từ 1988 đến 1996.
Cũng chính vì tính ổn định lâu dài như vậy mà việc bị loại ở tứ kết World Cup 1994 & 1998 được xem là khá thất vọng cho bóng đá Đức, nhưng câu chuyện chỉ thực sự tồi tệ một khi Đức hai lần không qua được vòng bảng Euro 2000 và 2004. Họ vẫn vào tới chung kết World Cup 2002, nhưng là nhờ phong độ cao của Oliver Kahn và Michael Ballack và cũng gặp những đối thủ yếu.
Thảm họa ở Euro 2000 khiến LĐBĐ Đức buộc phải bắt đầu đi khắp thế giới học hỏi các mô hình đào tạo cầu thủ và tập trung nguồn lực vào xây dựng thế hệ tuyển thủ mới. Hai hạng đấu cao nhất của bóng đá Đức là Bundesliga và Bundesliga 2, các CLB đều bắt đầu có học viện bóng đá trẻ. Và ngày nay bóng đá Đức đang tận hưởng quả ngọt từ quá trình ấy.
Những Julian Draxler, Thomas Müller, Manuel Neuer, Mats Hummels, Mesut Ozil, Mario Götze, Marco Reus, Toni Kroos đều đã và đang là những trụ cột của đội tuyển quốc gia, và ở kỳ Euro 2016 này ĐT Đức lại cho trình làng một thế hệ tuyển thủ mới bao gồm Joshua Kimmich, Emre Can, Julian Weigl và Leroy Sane.
Có một điều ít được nói đến, đó là bóng đá Đức cũng có một sự tiến bộ vượt bậc về trình độ huấn luyện. Theo thống kê của UEFA, hiện Đức đã có hơn 28.000 huấn luyện viên có chứng chỉ B, hơn 5.500 người có chứng chỉ A và khoảng 1.000 người có chứng chỉ Pro (cao nhất) của UEFA. Trong khi đó ở Anh, chỉ hơn 1.700 HLV có chứng chỉ B, 900 người có chứng chỉ A và chưa đến 200 người có chứng chỉ Pro.
Joshua Kimmich (phải) mới 21 tuổi nhưng đã được đá chính ở tuyển Đức
Sự tiến bộ vượt bậc cả về chất lượng cầu thủ lẫn chất lượng HLV đi song hành với nhau. Các HLV Đức ngày càng được khuyến khích để áp đặt một sơ đồ đặc trưng cho riêng mình và họ được truyền tư tưởng cho phép cầu thủ trẻ có thể mắc sai lầm để qua đó rút ra bài học kinh nghiệm. Còn các cầu thủ thì ngày càng kỹ thuật hơn để thực thi các sơ đồ HLV yêu cầu và có được nhận thức chiến thuật rất tốt từ khi rất trẻ, giúp họ sớm tỏa sáng hơn.
Từ quá trình ấy mà bóng đá Đức đã có một đội tuyển mạnh để 7 lần liên tiếp vào bán kết các giải đấu. Mặc dù họ chỉ đoạt được một chức vô địch World Cup 2014, tức vẫn chưa bằng được sự ổn định thời Beckenbauer, nhưng họ duy trì được phong độ của mình tốt hơn nhiều so với Tây Ban Nha, đội đã bị loại khỏi World Cup 2014 từ vòng bảng và bị loại từ vòng 1/8 Euro 2016.
Và một số đội tuyển lớn sẽ phải ghen tỵ với những gì Đức đang làm được. Như ĐT Anh chẳng hạn, cả lịch sử tồn tại họ mới 4 lần vào bán kết các kỳ Euro và World Cup.
Nhìn lại trận đấu Đức - Italia (bản quyền VTV)