5 năm của bầu Thủy & 13 năm của bóng đá chuyên nghiệp
Bầu Thủy (XMXT Sài Gòn) bị cấm tham gia các hoạt động bóng đá trong năm năm vì tội chỉ đạo đội bóng bỏ giải.
Đấy có thể là bản án vô nghĩa vì gia đình bầu Thủy đã nghĩ đến chuyện đoạn tuyệt với bóng đá. Thậm chí là từ khi XMXT Sài Gòn còn lùm xùm vụ nợ nần “cắn” vào tiền Tập đoàn Xuân Thành nhiều quá mà mỗi tháng nghe cầu thủ réo lương nợ khiến các ông bầu mệt mỏi.
Ai cũng biết ông bầu này không mê bóng đá nhưng bị ông anh là bầu Thụy bắt ngồi vào hồi đầu mùa bóng. Thời gian ông ngồi vào cũng là giai đoạn đội bóng gặp đủ thứ “nợ”. Từ Kesley đòi nợ và dọa kiện ra FIFA đến các cầu thủ cứ hai tháng chậm trả lương là lại đá theo biểu đồ hình sin hoặc đá theo “kèo”.
Mùa chuyên nghiệp thứ 13 khép lại với nhiều sự cố của một mùa giải thất bại về nhiều mặt, từ công tác chỉ đạo đến trực tiếp điều hành và hướng đi của các CLB. Ảnh: QUANG THẮNG
Bầu Thủy từ ngày ngồi ở khu kỹ thuật thì kép chính là HLV kiêm giám đốc điều hành Trần Tiến Đại “lo” hết. Ngay cả cái công văn bỏ giải ông gửi báo chí trước hơn 24 giờ rồi mới gửi BTC giải, gửi VPF, VFF cũng chẳng phải mình ông quyết. Và nói như nhà báo Hồng Ngọc trả lời báo Thể Thao Văn Hóa thì nhiều khi chỉ chờ cái cớ như thế là “bùng” là bỏ bởi “ôm rơm nặng bụng” mà đất ở Sài Gòn thì không xin được trong khi dự án cũng chưa về.
Ông Thủy chắc chắn cũng không hiểu rằng “cấp dưới” và “tay chân” của ông đã đến lúc thấy hết “làm ăn” được ở đội bóng nên cũng muốn rã đám. Rã để “xào lại bài” và để tìm bầu mới “gả” cầu thủ, sang tên đội bóng như đã từng làm và bóng đá Việt Nam lại vào vòng quay “sang tên, đổi hộ khẩu”.
Bóng đá Việt Nam xong mùa chuyên nghiệp thứ 13 đã có biết bao ông bầu bỏ bóng đá. Bỏ vì thất vọng với cách điều hành cũng có mà bỏ vì mượn bóng đá để kiếm lợi từ đất vàng hay từ dự án cũng không ít.
13 năm chuyên nghiệp tuyến trẻ và các trung tâm đào tạo cứ ngày một teo tóp đi trong khi phần vỏ các CLB chuyên nghiệp lại cứ mọc ra. Chuyên gia Đoàn Minh Xương từng trăn trở với việc công tác đào tạo trẻ mất dần ở các CLB trong khi theo quy chế thì hình thành tuyến trẻ là điều bắt buộc, thế mà các đội chuyên nghiệp ở ta vẫn tồn tại vì phạm quy chế.
13 năm làm chuyên nghiệp từ ý tưởng ban đầu là cứ đi rồi thành đường, nay thì mỗi đội đi bằng một lối mòn và cũng gọi là bóng đá chuyên nghiệp. Các đề án học ở Tây vẫn còn trên bàn nhưng lúc triển khai thì lại theo kiểu ta. Nó cũng giống như giao thông đã bình thường với chuyện “cướp đường” hoặc ra đường thì phải làm quen với chuyện “làm luật”.
13 năm làm chuyên nghiệp, câu nói của nguyên Chủ tịch VFF Mai Liên Trực: “Mặt bằng bóng đá thấp hơn mặt bằng xã hội” vẫn còn nguyên giá trị.
Bây giờ lại thấy lo với mùa chuyên nghiệp thứ 14 lại bắt đầu từ hệ quả tai hại của mùa thứ 13: Phải làm sao “nặn” cho ra 14 đội chuyên nghiệp để mùa tới đá theo đúng tinh thần nghị quyết VFF.
Chẳng thấy ai lo cho cái gốc và cái lõi của một nền bóng đá cần những nền tảng chuyên nghiệp hơn là cái vỏ thật kêu.