4 chuyện “lạ” của bóng đá nội
Mùa giải 2013 đã khép lại với bức tranh màu xám xịt về thực trạng bóng đá nước nhà. Những bài tổng kết với liệt kê sự kiện “nổi bật” hay các con số có lẽ đã điều quá nhàm chán, Thể Thao xin nêu 4 mẩu chuyện nhỏ về sự “lạ lùng” của bóng đá xứ ta.
Chuyện thứ nhất: Tất cả cùng lỗ
Khi tổng kết mùa giải lại, các CLB đều hạch toán tài chính và tất cả các đội bóng được gắn mác “chuyên nghiệp” của Việt Nam (ở V.League lẫn hạng Nhất) đều có chung một đáp án: từ lỗ đến lỗ. 12 CLB ở V.League và 8 CLB ở hạng Nhất trung bình năm 2013 sẽ ngốn mất trên dưới 600 tỷ đồng nhưng thứ nhận được lại khá mơ hồ mà nói theo ngôn ngữ của các ông bầu là: quảng bá thương hiệu.Khán giả không phải là người nuôi đội bóng nên họ chẳng thể làm được gì khi một ông bầu thích là giải tán CLB, bỏ giải như trường hợp Xuân Thành Sài Gòn. Điều này dễ giải thích bởi một khi cái giá để “quảng bá thương hiệu” đắt hơn cái lợi họ có được thì các ông bầu sẽ bỏ bóng đá bất cứ lúc nào. Bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam sau 13 mùa đã được định nghĩa là: một hoạt động kinh doanh nhưng không thể sinh lời mà chỉ có lợi (cho các ông bầu).
Chuyện thứ hai: Thành tích nhiều, ít khán giả
CLB Hà Nội T&T là một ẩn số hóc búa nhất của BĐVN: càng vô địch nhiều càng ít khán giả. 5 năm lên V.League (2009), HN T&T có 2 chức vô địch (2010, 2013) và 2 lần Á quân (2011, 2012) nhưng là đội có lượng khán giả ở sân nhà Hàng Đẫy hẻo nhất. Tất cả đều không lý giải được “hiện tượng” lạ lùng này khi bầu Hiển có thể nói là đã không tiếc tiền đầu tư cho đội bóng, cho các mối quan hệ với giới truyền thông, lãnh đạo và rất o bế CĐV.Cho đến giờ bầu Hiển và các cộng sự của mình cứ tự hỏi: “Khán giả ở thủ đô thích cái gì?”. Câu hỏi này rất xứng đáng trở thành một “đề tài nghiên cứu khoa học” dành cho các cử nhân, cao học và thậm chí là cả nghiên cứu sinh của các trường Đại học TDTT ở Việt Nam.
HN T&T (trái) thường xuyên thi đấu với khán đài ít khán giả
Chuyện thứ ba: Được ủng hộ vẫn cứ nghèo
Tài sản lớn nhất của bất cứ nền bóng đá chuyên nghiệp hay nghiệp dư là lực lượng CĐV. Xét về yếu tố này, SLNA là đội “giàu” nhất V.League vì họ đá ở sân Vinh hay đi sân đối phương đều có hàng nghìn CĐV xứ Nghệ tiền hô hậu ủng. Vậy mà CLB có khối tài sản vàng ròng này được coi là CLB nghèo nhất của Việt Nam. SLNA không sống nổi bằng “khe cửa” bán vé vào cửa như cách mà người ta vẫn định nghĩa về bóng đá chuyên nghiệp ở những nước khác.Một đội bóng có nhiều CĐV, nhiều khán giả nhất mà vẫn sống mãi kiếp nghèo thì vấn đề cần phải đặt ngược lại: phải chăng Việt Nam có giải bóng đá chuyên nghiệp “dỏm”?
Chuyện thứ tư: Trụ hạng để đòi nợ
K.Kiên Giang làm căng với BTC giải, thậm chí đòi bỏ cuộc chỉ vì nghe các vị lãnh đạo công ty VPF nói rằng V.League 2013 vẫn có đội xuống hạng sau vụ SGXT bỏ cuộc. Thực tế, tập thể đội K.KG làm vậy không phải họ ham hố gì chuyện chơi ở V.League 2014 mà thầy trò ông Lai Hồng Vân nghĩ rằng nếu trụ hạng họ mới có cơ may đòi tiền mà lãnh đạo CLB nợ suốt năm qua. Số tiền nợ đó chỉ mới là 50% tiền lót tay mà cầu thủ K.KG ký hợp đồng ở mùa giải 2013 cùng mấy tháng lương tồn đọng. Trong khi đó số tiền 3 tỷ đồng được hứa thưởng cho thành tích trụ hạng ở mùa 2012, cầu thủ K.KG đã xác định bị... quỵt.