32 tuổi xin vào ĐT Việt Nam, "phù thủy" cỡ Messi mới đỗ
Chỉ chơi bóng đá phong trào và đã ngoài 30 tuổi, kỹ sư Phạm Quang Anh Vũ phải có "tuyệt chiêu" gì đó cỡ Messi hay Ronaldinho mới mong được khoác áo đội tuyển Việt Nam?
Đã từng có trường hợp nào một người chưa từng đá bóng chuyên nghiệp (tức ra sân trong một trận đấu chính thức và có hợp đồng chuyên nghiệp) lại trở thành một tuyển thủ quốc gia chỉ trong một đêm/vài ngày/vài tuần? Từ việc kỹ sư Phạm Quang Anh Vũ nộp hồ sơ xin được thi đấu cho đội tuyển Việt Nam, hãy thử tìm xem có ai đã từng từ bóng đá nghiệp dư đi lên tầm cỡ đội tuyển quốc gia.
Phạm Quang Anh Vũ nộp hồ sơ xin được thi đấu cho ĐTVN
Cựu tiền đạo Dado Prso người Croatia từng có thời gian sửa ôtô ở Pháp khi bước sang tuổi 20, và sau này khoác áo CLB Monaco lẫn ĐT Croatia. Nhưng Prso không hoàn toàn đi lên bóng đá chuyên nghiệp từ con số 0, anh đã được các CLB chuyên nghiệp đào tạo khi còn ở quê nhà Croatia. Hơn nữa, Prso bắt đầu đá chuyên nghiệp cho Monaco từ năm 1996 ở tuổi 22, và phải mãi tới năm 2003 mới lần đầu được triệu tập lên tuyển.
Maurice Edu là một cầu thủ nghiệp dư đi lên đội tuyển quốc gia trong thời gian rất ngắn, chơi bóng ở cấp độ đại học tại Mỹ và chuyển sang chơi chuyên nghiệp vào năm 2007, cùng năm mà anh lần đầu được gọi lên ĐTQG. Nhưng khó mà gọi bóng đá đại học Mỹ là bóng đá phong trào, quy mô của các giải đại học cũng không thua kém gì so với giải chuyên nghiệp và các trường đại học đều có chế độ tập luyện lẫn kinh phí thuê HLV giỏi như (thậm chí hơn) các đội chuyên nghiệp.
Matt Smith sinh ra ở Anh, nhập cư tới Australia ở tuổi 22 và vào đại học để học marketing. Trong một thời gian kéo dài khoảng 6 năm Smith vừa đi học, vừa làm việc và vừa đá bóng ở các giải bán chuyên nghiệp cấp độ bang, cho đến khi được đá giải VĐQG Australia năm 2010, và 2 năm sau anh được lên tuyển. Nhưng Smith có phần giống Dado Prso ở chỗ đã được đào tạo bóng đá bởi CLB Portsmouth khi còn ở Anh.
Như vậy cho đến nay chưa có một trường hợp nào (ít nhất là những trường hợp đã được ghi nhận, và không tính những nước có nền bóng đá nghèo nàn như các quốc đảo Thái Bình Dương) chỉ trong một thời gian rất ngắn từ cầu thủ bóng đá phong trào bỗng biến thành tuyển thủ.
Kỹ thuật cỡ Messi mới được lên tuyển?
Tất nhiên dùng tên Lionel Messi ở đây chỉ là một lối nói minh họa cho chiều sâu đẳng cấp mà một cầu thủ cần có để được chơi bóng cho ĐTQG, nơi tập hợp những cầu thủ bản địa giỏi nhất. Hiểu đơn giản là thế này: nếu anh chưa từng thử sức ở cấp độ CLB để chứng minh khả năng, hẳn anh phải có “tuyệt kỹ” nào đó cỡ Ronaldinho hay Messi thì mới có cơ may đứng ngang hàng các tuyển thủ.
Tất nhiên những Messi, Ronaldinho đều đã được đào tạo bóng đá ở cấp độ chuyên nghiệp để có thể lực chạy 90 phút, và hiểu biết chiến thuật để nắm bắt ý muốn của các HLV. Dado Prso, Maurice Edu và Matt Smith cũng kinh qua quá trình đào tạo ấy để làm nền tảng chơi chuyên nghiệp. Kỹ sư Phạm Quang Anh Vũ mới chỉ chơi bóng phong trào và năm nay đã 32 tuổi (sinh nhật đúng hôm nay 1/10) thì làm sao đáng tin cậy bằng những ngôi sao V-League?
Từ lập luận đó mà suy, Phạm Quang Anh Vũ khó có cơ hội. Nhưng thiết nghĩ, tài năng thì không bao giờ có giới hạn, năm 2015 đã xảy ra câu chuyện CLB nghiệp dư Blyth Spartans thua sát nút 2-3 trước Birmingham City ở FA Cup. Birmingham City là một CLB giàu truyền thống đá ở Championship (chỉ dưới Premier League), trong khi Blyth Spartans chơi ở giải hạng 7 Anh.
Robbie Dale - ông chủ quán rượu lập cú đúp vào lưới Birmingham City
Robbie Dale, một chủ quán rượu 30 tuổi, lập cú đúp vào lưới Birmingham. Dale cho phóng viên biết anh không thích đá bóng, được CLB chuyên nghiệp Oxford United mời gia nhập ở tuổi 21 sau vài năm đá phong trào, nhưng từ chối để làm việc cho quán rượu của gia đình.
Nếu một chủ quán rượu ở tuổi 30 cũng biết ghi bàn tung lưới một đội bóng cấp cao ở Anh, thì biết đâu một kỹ sư 32 tuổi cũng có thể lập công cho ĐTQG? Chẳng có gì phải làm to tát việc này, HLV Hữu Thắng sẽ có băng hình để xem, có thời gian ngắm Anh Vũ trên sân tập và ông cùng các cộng sự sẽ sớm có quyết định.
Nếu Phạm Quang Anh Vũ thành công, xin chúc mừng anh, còn nếu HLV Hữu Thắng từ chối, chẳng ai mất gì cả. Sự can đảm, tự tin và tinh thần cống hiến của Anh Vũ là điều đáng quý từ câu chuyện này.