3 cầu thủ U21: Tại sao phải “kỷ luật ngầm”?
3 cầu thủ Văn Công, Văn Thuận, Đình Bảo xứng đáng nhận kỷ luật từ VFF.
Những lỗi lầm 3 cầu thủ Văn Công, Văn Thuận, Đình Bảo mắc phải trong thời gian thi đấu xứng đáng nhận kỷ luật từ phía VFF. Tuy nhiên, điều đáng nói là tại sao không có một văn bản kỷ luật nào được đưa ra, trong khi các cầu thủ vẫn thi đấu tại Giải U.21 Quốc tế và thể hiện ấn tượng để chuộc lỗi. Để rồi đến khi ĐT U.22 được triệu tập với nòng cốt từ ĐT U.21 vừa qua thì các cầu thủ này không có tên khiến người ta đành phải hiểu ngầm là bị kỷ luật.
Với những cầu thủ trẻ, việc mắc phải những sai sót trong ứng xử cùng thái độ thi đấu không tốt trên sân là điều khó tránh khỏi. Đương nhiên, nói như thế không có nghĩa những hành động ấy phải được thông cảm, mà điều quan trọng, những “người lớn” có trách nhiệm phải làm như thế nào để các cầu thủ hiểu được rằng những hành động ấy là không được phép tái diễn. Đặc biệt làm sao để các cầu thủ cảm thấy phục và chấp nhận những bản án kỷ luật tránh để gieo vào trong đầu các cầu thủ trẻ những suy nghĩ “thù hằn cá nhân” hay đại loại như vậy...
Văn Thuận (số 21) và Văn Công đã lên tiếng xin lỗi NHM
Sau khi bài báo phản ánh chuyện cầu thủ đi bar, uống rượu... trong thời gian thi đấu của giải - một hành động mà ở bất kỳ trong môi trường bóng đá nào cũng không cho phép, cách ứng xử của người có trách nhiệm trong trường hợp này là không cương quyết, khiến cho các cầu thủ hiểu sai vấn đề và chuyện một số cầu thủ trêu chọc lại giới báo chí sau đó là hệ quả phải đến... Bởi chẳng ai giúp cầu thủ hiểu được cách làm của họ như thế là sai.
Đêm trước khi trận chung kết diễn ra, một cầu thủ trong đội U.21 Việt Nam đã tâm sự với người viết rằng: “Chuyện chẳng có gì mà các anh phóng viên viết lên to quá làm bọn em cứ nghĩ các anh chơi không đẹp và có thù oán cá nhân”. Rõ ràng, cách suy nghĩ của cầu thủ kể trên cũng bắt nguồn từ khoảng cách mong manh giữa hình thức “răn đe” với hình thức “đì” cầu thủ mà ở đây như cầu thủ U.21 Việt Nam đã nghĩ đó là hành động mang tính chất “thù oán cá nhân”.
Ở đây, không nói việc BHL U.21 Việt Nam vẫn sử dụng Văn Thuận, Văn Công, Đình Bảo là sai. Bởi thực tế, các cầu thủ này đã ra sân và chứng minh được giá trị của mình, chí ít là để “chuộc lỗi”. Dù cho đấy chỉ kết quả trong nhất thời, nhưng cũng đáng được ghi nhận. Với bóng đá, mọi lời nói “xin lỗi” đều chỉ là “đãi bôi”, cách anh thể hiện thế nào trên sân cỏ mới là câu trả lời xác đáng nhất.
Vấn đề là, tại sao khi BHL ĐT U.21 Việt Nam đã trao cho 3 cầu thủ kể trên “chuộc lỗi” thì VFF lại không bằng cách không triệu tập họ lên dự tuyển U.22 mà chẳng đưa ra bất kỳ lý do gì, và dư luận phải tự hiểu rằng đấy là “kỷ luật ngầm”?
Như đã nói, VFF có đủ quyền hạn lẫn chức năng để đưa ra một bản thông báo kỷ luật các cầu thủ này không được lên tuyển với thời hạn nhất định. Nếu mọi chuyện rõ ràng như thế, sẽ là hình thức răn đe cho các cầu thủ còn lại, và cũng khiến 3 cầu thủ kể trên phải “tâm phục khẩu phục”. Thế nhưng, khi mọi chuyện không được minh bạch, rõ ràng thì hình thức tưởng chừng như để răn đe ấy chỉ có thể mang lại hiệu ứng ngược làm cho các cầu thủ trở nên ức chế hơn. Quan trọng hơn là ảnh hưởng cả tương lai chơi bóng của họ.
Mà đây không phải là lần đầu tiên, VFF đưa ra những “kỷ luật ngầm” không có lý do, cũng chẳng biết đến bao giờ cầu thủ mới được trao cơ hội để sửa lỗi. Kết quả là rất nhiều cầu thủ sau những bản án “ngầm” này đã hết động lực để thi đấu, cống hiến... Giấc mơ khoác áo đội tuyển cũng chấm dứt với họ.