15 năm, chưa thành chuyên nghiệp
Bóng đá Việt Nam đã gần 15 năm lên chuyên. Vậy mà đến giờ, phong trào bỏ giải như một bệnh dịch đang lan rộng tại V-League, lần lượt các đội bóng từ năm 2011 cho đến nay mỗi khi có chuyện đều đem chuyện bỏ giải ra làm phao cứu sinh.
Cuối mùa giải 2011 là Hòa Phát Hà Nội, năm 2013 là Sài Gòn Xuân Thành rồi Kienlongbank Kiên Giang, năm 2014 đến lượt Vissai Ninh Bình. Và giờ đây là Hải Phòng dọa bỏ giải.
Trưởng giải V-League người Nhật Koji đã không hài lòng, ông cho rằng cần phải có luật lệ cụ thể chứ không phải đội bóng nào cứ muốn bỏ là bỏ, đá thì đá. Điều này còn dung túng lối chơi bạo lực của các cầu thủ.
Trưởng BTC giải Koji chứng kiến quá nhiều pha bạo lực sân cỏ Việt Nam
Mới hơn hai tháng làm trưởng giải, ông Koji đã phải chứng kiến quá nhiều hình ảnh phản cảm. Ông còn chua chát ví von chỉ có trong chiến tranh thì người ta mới đánh nhau. Cầu thủ chuyên nghiệp không chỉ có chuyên môn mà cần có cả những vấn đề ngoài bóng đá, cần đời sống có văn hóa.
Oái oăm thay, các trận đấu của V-League mỗi lần ra sân đều đi dưới cờ fair play và hơn hết là những người yêu bóng đá đẹp còn khai sinh ra giải thưởng Fair Play. Năm nay, giải thưởng Fair Play tiếp tục được tổ chức trong bối cảnh lối đá bạo lực đang tràn lan ở khắp các giải đấu của Việt Nam.
Rồi vì lo lắng nạn cá độ bóng đá quốc tế sẽ tàn phá đội bóng của mình, lãnh đạo và HLV các CLB tại Việt Nam đã lên phương án phòng chống bằng những cách thức khác nhau: nhờ công an giám sát điện thoại hoặc cấm bật ti vi ban đêm. Đặc biệt, đội bóng còn đề nghị mỗi thành viên kiểm soát lẫn nhau trong tập luyện, sinh hoạt hàng ngày. Có lẽ ở những nước trên thế giới không có nước nào quản lý cầu thủ chuyên nghiệp mùa World Cup như ở Việt Nam.
Rồi việc quyết định mời trọng tài ngoại đến cầm còi các trận đấu tại V-League. Trọng tài đầu tiên là ông Sato Ryuji sẽ bắt trận B.Bình Dương- Thanh Hóa diễn ra ngày 12/6. Tiếp theo là ông Toma Masaaki sẽ bắt chính trận đấu giữa B.Bình Dương và Hà Nội T&T tại vòng 18 vào ngày 17/6. Và người thứ ba là Tojo Minoru, được cho là sẽ bắt chính trong một trận quyết định ở vòng đấu cuối mùa giải.
Việc thuê trọng tài ngoại chắc chắn sẽ rất tốn kém. Nhưng ai dám khẳng định là trọng tài Nhật sẽ không sai lầm, và làm thế nào nếu trọng tài Nhật cũng sai?
Cả nền bóng đá chỉ biết bấu víu vào đội tuyển U19 Việt Nam với hơn 20 cầu thủ, được giáo dục rằng cầu thủ cần có hành động đẹp trên sân cỏ lẫn ngoài đời, thì quả là chuyện bất thường.
Bình luận các vụ bạo lực gần đây trên sân cỏ V-League, chuyên gia Lê Thế Thọ, Ủy viên Hội đồng HLV Quốc gia, cho rằng giải đấu cao nhất trong nước đang ngày càng trở nên thiếu tổ chức và nó chưa bao giờ là giải bóng đá chuyên nghiệp.