10 năm nhà Glazer: MU tìm thấy "đấng cứu thế"
Có một thời các CĐV MU căm ghét tột cùng sự hiện diện của gia đình nhà Glazer tại Manchester United, nhưng sau 10 năm "chung sống", họ bắt đầu miễn cưỡng tin tưởng những người Mỹ.
Đội bóng bán chuyên nghiệp FC United of Manchester hoàn toàn không dây mơ rễ má gì về mặt cấu trúc với Manchester United, đó chỉ là một đội bóng “nổi loạn” được lập ra bởi các fan MU lâu năm, những người muốn tìm lại cảm giác xem bóng đá của thời xưa cũ. Khi ấy vé chưa đắt, giá xem TV vẫn chưa cao ngất trời và đội bóng vẫn chưa bị biến thành một cái máy làm tiền cho người Mỹ.
Ngày 12/5/2005, Sir Alex Ferguson chuẩn bị cho trận Premier League cuối cùng của mùa giải trước Southampton cũng như trận chung kết FA Cup một tuần sau. Mùa giải tưởng như sẽ kết thúc trong yên ắng, bởi “Quỷ Đỏ” đã chắc chắn về thứ 3 giải Ngoại hạng. Thế rồi liên tiếp những cú sốc xảy ra cho Sir Alex: Đầu tiên, John Obi Mikel bị Jose Mourinho nẫng lấy mất khi vừa đặt chân xuống nước Anh. Kế đến, nhà Glazer mua thêm 28.7% cổ phần của CLB để hoàn toàn sở hữu MU.
Những hình ảnh biểu tình như thế này rất quen thuộc trong những năm 2009-2010
Các CĐV vô cùng tức giận và họ có lý do chính đáng. Giá mua là 800 triệu bảng, khiến CLB rơi vào nợ nần. Giá vé hiển nhiên sẽ tăng, khiến bóng đá không còn là trò chơi cho giới bình dân nữa. Cộng thêm khủng hoảng kinh tế thế giới và số nợ của MU tăng lên 790 triệu bảng trong năm 2010.
Nhà Glazer dù là ông chủ của CLB nhưng sợ fan hơn sợ cọp, họ phải cần đến đội cận vệ đi hộ tống mỗi khi đến gần sân Old Trafford. Không một Manucian nào chấp nhận thực tế rằng đội bóng của họ đang bị những người Mỹ biến thành một thương hiệu kinh doanh tàn nhẫn, khiến cơ hội thưởng thức bóng đá của họ bị mất đi.
Nhưng những điều đó giờ đang ở quá khứ. CLB có thể không còn áp đảo về mặt chuyên môn, nhưng họ đang thể hiện tốt trên thị trường chứng khoán New York. MU đã đều đặn ký hợp đồng tài trợ, gần đây nhất là với Adidas. Nụ cười rạng rỡ của các cầu thủ MU trong ngày họ có mặt ở lễ ký hợp đồng với Chevrolet đã nói lên tất cả.
Các hợp đồng tài trợ được MU ký kết đều đặn
MU giờ đây đã trở thành thương hiệu thể thao đầu tiên của môn bóng đá đạt trị giá 1 tỷ USD, đi trước những Bayern Munich, Barcelona và Real Madrid. Trong năm nay, số nợ của MU đang là 385 triệu bảng và được chờ đợi sẽ giảm mạnh sau khi CLB trở lại Champions League. Sự sụt giảm về nợ nần là nhờ khả năng làm ăn của nhà Glazer cộng thêm sự im ắng của Sir Alex Ferguson trên thị trường chuyển nhượng khi ông còn là HLV trưởng.
Nhờ chính sách ấy mà khi MU bước vào giai đoạn chuyển giao hậu Ferguson, họ dễ dàng chi tiền. Mùa hè năm ngoái CLB đã bỏ ra 150 triệu bảng chi tiêu, còn mùa hè này thậm chí ngân sách có thể tăng lên 200 triệu bảng nếu cần.
Sự ủng hộ của Sir Alex Ferguson giúp nhà Glazer vượt qua sóng gió trong những năm nợ nần chồng chất
Không phải tự dưng mà Sir Alex Ferguson lại ủng hộ nhà Glazer và sẵn sàng chịu đựng sự chỉ trích của các CĐV. Lý do là bởi những người Mỹ có thể giúp mang lại an ninh tài chính cho đội bóng, để nếu có sa cơ lỡ vận về mặt thành tích thì CLB vẫn có tiền bạc để xây dựng lại đội hình. MU thời hậu Ferguson quả thực đã sa sút, nhưng giờ Louis Van Gaal đang có cơ hội dựng tập thể đứng dậy cho thời hoàng kim tiếp theo.
Những ngày này các CĐV MU đã bắt đầu miễn cưỡng tin tưởng vào khả năng điều hành của gia đình nhà Glazer. Với những người không có niềm tin, họ đã có FC United of Manchester để xem và ủng hộ. Nhưng điều quan trọng nhất cho tất cả các fan MU cả ở nước Anh lẫn trên toàn thế giới, đó là Old Trafford vẫn đứng vững.