10 năm, Man City từ "trò hề" tới chỗ cười lại MU
10 năm trôi qua, Man City đã không còn để MU độc tôn cai trị thành Manchester nữa. Thậm chí ở một số mặt, "The Citizens" đang là CLB hấp dẫn hơn và đáng được xem là hình mẫu học tập.
Bị người cười
Cách đây 10 năm, Manchester United chứng kiến sự tiếp quản của gia đình nhà Glazer đến từ nước Mỹ và kể từ đó đến nay CLB đã đoạt thêm 15 danh hiệu để bổ sung vào phòng truyền thống đồ sộ ở sân Old Trafford. Trong khi MU tiếp nối với thành công thì gã hàng xóm ồn ào Man City đang lặn ở nửa dưới bảng xếp hạng, mua cầu thủ nhiều lắm vào khoảng 6 - 7 triệu bảng/người và đa phần có tân binh là các bản hợp đồng miễn phí.
Thế nhưng Man City có một sự hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Sau khi cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Sinawatra thất bại, tập đoàn Abu Dhabi Group nhảy vào mua lại Man City và trong ngày ra mắt với CLB mới, Sheikh Mansour tuyên thệ sẽ xây dựng nên một “triều đại”.
Nói là làm, Man City bỏ tiền ra gần như mua cả một đội hình mới và dù họ chưa thành công ngay lập tức (về thứ 10 mùa giải 2008/09), City leo dần lên trên đỉnh quyền lực của Premier League và nay đã đoạt 2 chức vô địch.
Man City của 10 năm trước chật vật để trụ hạng
Điều đáng nói là mặc dù được biết đến như một trong những ông lớn giàu có nhất bóng đá Anh và bạo chi nhất, Man City chỉ thực sự vung tiền mua sắm cầu thủ như nước trong những năm đầu tiên sau khi những người Trung Đông tiếp quản.
Mùa giải 2012/13, MU đòi lại chức vô địch Premier League khi Sir Alex Ferguson đưa về Robin Van Persie từ Arsenal và Van Persie trở thành Vua phá lưới của mùa giải. Man City sau đó bớt dần việc chi tiêu và tập trung vào tăng cường chiều sâu đội hình hơn là chỉ mua siêu sao.
Mùa 2012/13 cũng là mùa cuối cùng của Sir Alex Ferguson trước khi ông giã từ ghế HLV trưởng MU. Một sự thoái trào bắt đầu khi “Quỷ Đỏ” tụt thẳng xuống vị trí thứ 7 trong mùa 2013/14 dưới sự dẫn dắt của David Moyes. Moyes bị đuổi việc và Louis Van Gaal được đưa lên thay thế, và trong mùa giải đầu tiên ông thầy người Hà Lan dẫn dắt, MU đã tiêu tốn tới 223,7 triệu bảng phí chuyển nhượng, lần đầu tiên vượt trên Man City sau nhiều năm.
Và cười người
Thành công của Man City luôn bị chế nhạo là “đi mua” và “thiếu tính truyền thống”. Thế nhưng sau 10 năm, Man City đang cho thấy rằng chẳng có gì sai trái khi một đội bóng tìm kiếm thành công bằng tiền, và họ là hình mẫu để các đội bóng khác phải học theo.
Khác biệt của 10 năm
Kể từ khi tiếp quản Man City, tập đoàn Abu Dhabi Group không chỉ chịu chi để đưa cầu thủ và HLV giỏi về sân Etihad mà còn đầu tư vào cơ sở hạ tầng của CLB và xây dựng một hình ảnh thân thiện, chăm sóc khán giả tốt hơn (sân Etihad là SVĐ đầu tiên có wifi).
Thứ bóng đá của Man City lúc này là một thứ bóng đá dễ xem nhờ có ngôi sao lẫn một HLV giỏi tấn công như Manuel Pellegrini. Trong 3 năm đã qua MU đã bỏ ra 402,7 triệu bảng, nhiều hơn Man City (362,7 triệu bảng) nhưng lại đang chơi thứ bóng đá nhạt phèo của Louis Van Gaal.
Họ còn chứng minh rằng không phải cứ bỏ thật nhiều tiền vào là sẽ thành công: Queens Park Rangers đã sụp đổ và xuống hạng, còn Liverpool phải thay Brendan Rodgers bằng Jurgen Klopp để tái sinh lại đội bóng dù John W. Henry không hề đắn đo khi rút hầu bao.
Những người Arab đổ tiền vào và giúp Man City thành công mà không để cho CLB phải nợ nần như nhà Glazer với MU. Doanh thu của Man City giờ đã vượt lên trên Chelsea dù Roman Abramovich đã đi trước người Arab nhiều năm về khoản dùng tiền mua thành công.
Sheikh Mansour quan tâm và có chiến lược phát triển phù hợp cho Man City
Man City tất nhiên chưa thể bằng được MU về số danh hiệu và sự thống trị Premier League. MU chính là đội “mua danh hiệu” của thập kỷ 1990, và “Quỷ Đỏ” có cái may mắn được thành công trong kỷ nguyên bóng đá được toàn cầu hóa nhờ truyền hình khiến họ thâu tóm một lượng fan mới đông đảo, nhờ thế Sir Alex Ferguson mới cai trị bóng đá Anh cho tới khi Arsene Wenger xuất hiện ở Arsenal. Hãy thử tưởng tượng Liverpool nối tiếp thành công của những năm 1980 sang thập kỷ 90, và chúng ta sẽ thấy một giải Ngoại hạng rất khác ngày nay.
Khi City trỗi dậy, họ thấy một môi trường Premier League khốc liệt hơn bao giờ hết với nhiều đội cạnh tranh chức vô địch. Cúp châu Âu vẫn là nơi Man City tỏ ra kém cỏi, không chỉ vì có rất nhiều đội mạnh mà còn vì hai đời HLV gần nhất của City đều là những người ít tiếng tăm ở cúp châu Âu (Pellegrini & Roberto Mancini).
Vẫn còn nhiều việc Man City phải làm để duy trì thành công lâu dài, nhưng họ đã khác một trời một vực so với cách đây 10 năm. Hãy để thời gian trôi qua và sẽ đến lúc Man City không kém gì MU. Cái gì cũng có lúc thăng lúc trầm, và đây là lúc Man City đang "thăng".