10 cầu thủ xuất ngoại nổi bật của bóng đá Thái Lan
Cầu thủ Thái Lan xuất ngoại sớm so với Đông Nam Á, từ thập niên 1970, và cũng dẫn đầu về thành công.
Witthaya Laohakul được thừa nhận rộng rãi là cầu thủ Thái Lan đầu tiên thi đấu ở nước ngoài, khi khoác áo CLB Nhật Bản Yanmar Diesel (nay là Cerezo Osaka) năm 1977-1978, ghi 14 bàn sau 30 trận. Sau đó, ông sang Đức thi đấu ở Bundesliga 2, với 33 trận cho Hertha Berlin (giai đoạn 1979-1981) rồi 54 trận cho FC Saarbrucken (1982-1984).
Sau đó, cựu tiền vệ sinh năm 1954 về nước thi đấu cho CLB làm nên tên tuổi Rajpracha. Năm 1986, ông trở lại Nhật Bản chơi 32 trận, ghi sáu bàn cho Masushita (nay là Gamba Osaka). Laohakul giải nghệ một năm sau đó.
Laohakul sau này làm HLV ở cả Thái Lan và Nhật Bản. Ông từng dẫn dắt đội tuyển Thái Lan năm 1997 và 1998, rồi làm Giám đốc kỹ thuật LĐBĐ Thái Lan từ 2016 đến 2018.
Tiền đạo nổi danh Piyapong Pue-on là cầu thủ Thái Lan đầu tiên thi đấu ở Hàn Quốc. Ở giai đoạn 1984-1986, ông chơi cho Lucky-Goldstar FC (nay là FC Seoul), ghi 17 bàn sau 34 trận, và làm đồng đội của cựu HLV Việt Nam Park Hang-seo, cựu trợ lý HLV Lee Young-jin. Ông giành chức vô địch quốc gia Hàn Quốc 1985, kèm danh hiệu ghi nhiều bàn nhất (12), kiến tạo nhiều nhất (6) và lọt đội hình tiêu biểu.
Sau đó, cựu tiền đạo sinh năm 1959 thi đấu cho CLB Malaysia Pahang từ năm 1986 đến 1989, với 70 bàn sau 61 trận. Piyapong nổi danh trong nước với hai giai đoạn thi đấu cho Royal Thai Air Force (nay là Air Force United) là 1979-1984 và 1989-1997, với 393 trận và ghi 255 bàn.
Ở cấp ĐTQG, Piyapong là cầu thủ thi đấu nhiều thứ năm với 100 trận, ghi bàn nhiều thứ hai với 70 bàn, kém Kiatisuk một bàn.
Huyền thoại Kiatisuk Senamuang vẫn được tôn sùng là cầu thủ hay nhất lịch sử bóng đá Thái Lan. Ở cấp ĐTQG, Kiatisuk là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất (71) và thi đấu nhiều nhất (134 trận).
Sự nghiệp xuất ngoại của ông qua bốn nước, lần lượt là Malaysia, Anh, Singapore và Việt Nam. Sau mùa 1998-1999 thi đấu cho Perlis, cựu tiền đạo sinh năm 1973 chuyển đến Huddersfield Town, để trở thành cầu thủ Thái Lan đầu tiên chơi bóng ở Anh. Kiatisuk về nước một mùa, rồi sang Singapore thi đấu cho Armed Forces (nay là Warriors FC) mùa 2001-2002.
Năm 2002, khi 29 tuổi, Kiatisuk gia nhập HAGL trở thành vụ chuyển nhượng đình đám ở Đông Nam Á. Sự đầu tư mạnh mẽ của bầu Đức giúp HAGL vô địch V-League hai mùa liên tiếp 2003, 2004. Không những thế, nó mở ra con đường cho hàng loạt ngôi sao Thái Lan đến V-League, nổi bật có Totchtawan Sripan, Dusit Chalermsan, Datsakorn Thonglao (HAGL), Worrawoot Srimaka, Sarayuth Chaikamdee (Bình Định), hay Therdsak Chaiman (Ngân hàng Đông Á).
Năm 2006, Kiatisuk giải nghệ ở HAGL, có thể coi là mốc kết thúc trào lưu cầu thủ Thái Lan sang Việt Nam.
Nối tiếp Kiatisuk sang Anh là tiền đạo Teerasil Dangda. Tháng 7/2007, Dangda cùng Suree Sukha và Kiatprawut Saiwaeo được đến Manchester City thử việc, sau khi cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra mua lại CLB. Bốn tháng sau, cả ba ký hợp đồng nhưng được cho CLB Thuỵ Sĩ Grasshopper mượn. Dangda được chơi sáu trận cho đội dự bị ở giải hạng Tư và ghi hai bàn. Mặc dù không ra sân cho đội một Man City, Teerasil thừa nhận thời gian ở Man City giúp anh giỏi hơn. Tháng 10/2018, khi giới chủ UAE tiếp quản Man City, bộ ba cầu thủ Thái được giải phóng hợp đồng.
Đến tháng 2/2014, Dangda chuyển đến Almeria theo hợp đồng cho mượn một năm từ Muangthong, giúp anh trở thành cầu thủ Đông Nam Á và Thái Lan đầu tiên chơi ở La Liga, với sáu trận, cùng bốn trận ở Copa del Rey và ghi một bàn. Tháng 1/2015, Teerasil trở lại Muangthong thi đấu tiếp ba mùa.
Sự nghiệp xuất ngoại của Dangda tiếp tục vào năm 2018, khi chơi 37 trận và ghi bảy bàn cho CLB J1 Sanfrecce Hiroshima. Năm 2020, anh gia nhập Shimizu S-Pulse và ghi ba bàn sau 24 trận.
10 năm sau thời Kiatisuk, bóng đá Thái Lan xuất hiện lứa cầu thủ xuất chúng, với đầu tàu mang tên Chanathip Songkrasin. Tiền vệ được mệnh danh là “Messi Thái” được xem là người tái mở đường cho cầu thủ Thái Lan sang Nhật Bản.
Tháng 7/2017, Chanathip chuyển từ Muangthong United đến CLB J-League 1 (J1) Consadole Sapporo với hợp đồng cho mượn 18 tháng, với giá 500.000 USD. Đến tháng 2/2019, CLB Nhật Bản mua đứt Chanathip với hợp đồng 5 năm trị giá 2,5 triệu USD. Tiền vệ sinh năm 1993 thường xuyên đá chính, với 123 trận và ghi 16 bàn. Năm 2018, anh được chọn vào đội hình tiêu biểu J1 và là cầu thủ xuất sắc nhất mùa của Consadole.
Tháng 1/2022, Kawasaki Frontale, khi ấy là đương kim vô địch J1, mua Chanathip với giá 3,8 triệu USD – kỷ lục chuyển nhượng cầu thủ giữa các CLB Nhật Bản khi ấy. Tuy nhiên, chấn thương nhiều khiến anh chỉ chơi 26 trận và ghi ba bàn sau hai mùa. Đến tháng 6/2023, BG Pathum United chi hai triệu USD để mua lại một năm rưỡi hợp đồng và đưa Chanathip trở lại Thái Lan thi đấu.
Nửa năm sau khi Chanathip đến J1, Theerathon Bunmathan cũng được Muangthong cho Vissel Kobe mượn một năm và lập tức chiếm suất đá chính. Ngoài 35 trận trên mọi đấu trường, Theerathon còn được sát cánh với ba siêu sao thế giới đã qua thời đỉnh cao, gồm Lukas Podolski, David Villa và Andres Iniesta.
Đến mùa 2019, hậu vệ trái sinh năm 1990 tiếp tục được cho mượn đến Yokohama F.Marinos. Trong 30 trận, Theerathon đá 25 trận và ghi ba bàn ở J1, trở thành cầu thủ Thái Lan đầu tiên vô địch quốc gia Nhật Bản. Tháng 1/2020, Yokohama F.Marinos mua đứt Theerathon từ Muangthong với mức phí khoảng 1,1 triệu USD. Anh chơi thêm hai mùa với 64 trận ở mọi giải, trước khi về nước thi đấu cho Buriram United đến nay.
Thủ môn Kawin Thamsatchanan cùng thế hệ với Chanathip và Theerathon. Sau 10 năm chơi cho Muangthong, anh chuyển đến CLB hạng Nhất Bỉ OH Leuven từ tháng 1/2018, với hợp đồng 5 năm. Thủ môn sinh năm 1990 nhanh chóng chiếm suất bắt chính, với 19 trận trong chín tháng. Tuy nhiên, chấn thương chân khiến anh nghỉ thời gian dài, rồi mất vị trí chính thức.
Tháng 2/2020, Kawin chuyển đến Consadole Sapporo với hợp đồng cho mượn một năm. Anh ngồi dự bị 28 trận ở J1, thi đấu hai trận ở J-League Cup, trước khi trở lại OH Leuven, nhưng không thể có vị trí chính thức. Anh trở lại Thái Lan vào tháng 1/2022, lần lượt chơi cho Port FC và Muangthong, trước khi giải nghệ vào tháng 6/2024.
Thần đồng bóng đá Thái Lan Suphanat Mueanta (trái) cũng chơi cho OH Leuven từ mùa 2023-2024, với 369 phút trong 14 trận và ghi một bàn. Đến mùa này, anh mới thi đấu 61 phút sau hai trận. Hợp đồng giữa đôi bên sẽ kết thúc vào ngày 30/6/2025. Trước đó, Suphanat từng sang Leicester City tập huấn thời gian ngắn năm 2022 và 2023.
Suphanat sinh năm 2002, đang giữ một loạt kỷ lục như cầu thủ trẻ nhất ghi bàn tại vòng chung kết U23 châu Á, cầu thủ trẻ nhất ghi bàn tại AFC Champions League, cầu thủ trẻ nhất ghi bàn và thi đấu tại Thai League, cầu thủ trẻ nhất thi đấu cho đội tuyển Thái Lan. Anh trưởng thành từ lò Buriram United, lên đội một từ năm 16 tuổi và đã ghi 32 bàn sau 143 trận.
Anh ruột của Suphanat là Supachok Sarachat đang là cầu thủ Thái Lan gây ấn tượng nhất ở nước ngoài hiện tại. Tháng 7/2022, Supachok được Buriram cho Consadole Sapporo mượn. Sau bảy trận với 93 phút và có ba kiến tạo, Supachok gây ấn tượng đủ tốt để Consadole ký hợp đồng 5 năm.
Mùa trước, Supachok chơi 26 trận với 1.250 phút và ghi bảy bàn. Đến mùa này, anh đã thi đấu 20 trận với 1.478 phút và ghi hai bàn. Tuy nhiên, Consadole đang đối mặt nguy cơ xuống hạng, khi đang đứng thứ 19 tại J1 với 26 điểm, kém vị trí 17 sáu điểm trong khi giải còn bảy vòng đấu.
Cầu thủ Thái Lan còn lại đang thi đấu ở J1 là Ekanit Panya. Tiền vệ sinh năm 1999 gia nhập Urawa Red Diamonds từ tháng 7/2023, với hợp đồng cho mượn từ Muangthong đến tháng 12/2024.
Sau hai mùa giải, Ekanit thi đấu 14 trận với 297 phút ở J1, bốn trận với 123 phút ở J-League Cup. Ở AFC Champions League 2023-2024, Ekanit thi đấu bốn trận với 163 phút, ghi một bàn trong trận Urawa thắng Hà Nội FC 6-0 ở vòng bảng.
Nguồn: [Link nguồn]
(PLO)- Bóng đá Thái Lan vẫn còn kém phát triển sao cứ phải mang họ ra làm hình mẫu?