10 “bom xịt” chuyển nhượng mùa đông NHA: Có 2 cựu sao MU, bất ngờ Torres
Dưới đây là top 10 vụ chuyển nhượng mùa Đông tệ nhất Ngoại hạng Anh.
Tháng 1 không thường xuyên được xem là kỳ chuyển nhượng lớn trong năm bởi các CLB ít khi nhả ngôi sao của mình giữa mùa giải, trừ khi ngôi sao đó đang bất mãn với CLB hiện tại. Dẫu vậy vẫn có những thương vụ lớn được tiến hành với sự kỳ vọng rất cao, nhưng vì một số lý do đã trở thành thất bại nặng nề và chúng ta giờ sẽ điểm qua những vụ đó trong lịch sử Premier League.
Chris Samba, cơn ác mộng một thời của Arsenal trong các quả phạt góc
10) Chris Samba (2013)
Fan Arsenal còn nhớ nhân vật này? Một ác mộng của hàng thủ thời Arsene Wenger những năm cuối thập niên 2000 khi cầu thủ này đá cho Blackburn Rovers, đặc biệt là các quả phạt góc. Dù vậy Samba sau khi rời Blackburn đã chuyển đến Anzhi Makhachkala với giá 12,5 triệu bảng để chạy theo tiền lương kếch xù mà đội bóng Nga mới nổi (và sớm tàn) mời chào.
Chỉ sau 1 mùa giải Samba đã trở lại Anh và được Queens Park Rangers mua cũng với giá 12,5 triệu bảng đầu năm 2013, HLV Harry Redknapp tán tụng cầu thủ này là một “quái vật” của hàng phòng ngự. Dù vậy chỉ sau 10 trận ra sân, Samba đã khiến QPR lọt lưới 19 bàn và không giữ sạch lưới trận nào ngoài trận ra mắt. Samba tệ tới mức phải xin lỗi CĐV sau khi QPR thua 2-3 trước Fulham.
9) Kostas Mitroglou (2014)
Sau 41 bàn trong 92 trận tại giải Hy Lạp cho Olympiakos, Mitroglou được mua với giá 13 triệu bảng bởi Fulham với hy vọng anh này sẽ giúp đội trụ hạng. Fulham rốt cuộc xuống hạng, và trong phần còn lại của mùa 2013/14 Mitroglou đá tổng cộng 151 phút, xuất phát đúng 1 trận. Ngay khi trở lại Olympiakos dưới dạng cho mượn, Mitroglou ghi bàn hạ Atletico Madrid ở Champions League và khiến fan Fulham thắc mắc điều gì đã xảy ra với tiền đạo này.
8) Jean Makoun (2011)
Ở tuổi 27 và đã có 36 trận đá tại Champions League trong 6 mùa cho Lyon, Makoun được đánh giá cao bởi dư luận ở thời điểm anh chuyển tới Aston Villa với giá 6 triệu bảng. Tiền vệ ngày nào còn đá chính và giúp Lyon đánh bại Real Madrid, MU, Liverpool lẫn AC Milan khi đến Villa Park lại có trận ra mắt cực tệ, trận thứ 2 bị thẻ đỏ trực tiếp và rốt cuộc đá chỉ 5 trận cho CLB trước khi bị đẩy đi vào hè 2013.
Jean Makoun (phải) từng một thời xuất phát cho hàng tiền vệ Lyon và đánh bại MU cùng vài đội bóng lớn khác ở Cúp C1
7) Afonso Alves (2008)
Alves sẽ được nói đến trong các cuộc đố vui về Premier League với ý định đá đểu Man City, nhưng ngoài cú hat-trick trong trận thắng 8-1 của Middlesbrough, lần còn lại Alves ghi nhiều hơn 1 bàn trong một trận đấu cho Boro là 2 bàn trước đội bán chuyên nghiệp Burrow ở FA Cup. Middlesbrough mất tận 12,7 triệu bảng mua Alves từ giải VĐQG Hà Lan, cái giá phải trả là chỉ thu về 10 bàn trước khi xuống hạng 1 năm sau.
6) Fernando Torres (2011)
Sai lầm của Chelsea là họ bỏ 50 triệu bảng mà không nhận ra Torres đã bắt đầu xuống phong độ ở thời điểm gia nhập do chấn thương đầu gối (9 bàn/23 trận trước khi bị Liverpool bán). Dù vậy Torres chưa phải thảm họa toàn tập cho Chelsea bởi 45 bàn trong 172 trận không phải con số quá tồi, chưa kể Torres ghi bàn quan trọng ở Champions League và Europa League.
Nếu không nhờ các bàn thắng quan trọng ở Cúp C1 và Europa League, Torres sẽ còn đứng cao hơn trong danh sách này
5) Guido Carrillo (2018)
Đây là lý do vì sao các CLB nên tránh mua cầu thủ chỉ để làm hài lòng HLV trưởng hoặc để chứng tỏ ông ta đang được tin tưởng. Southampton bỏ 19,2 triệu bảng mua Carrillo từ Monaco để HLV Mauricio Pellegrino không cảm thấy bất an về tương lai của mình, nhưng sau 8 trận Carrillo ra sân thành tích của đội quá tệ và Pellegrino bị cách chức.
Carrillo sau đó chỉ là tiền đạo số 4 ở CLB, được Pellegrino đưa sang Leganes dưới dạng cho mượn, rốt cuộc Leganes cũng xuống hạng nốt và lúc này Southampton mới tổng cố được tiền đạo này đi.
4) Jean-Alain Boumsong (2005)
Mùa hè 2004 Boumsong là cầu thủ tự do và được Rangers ở Scotland nhặt về, chỉ nửa năm sau Newcastle mua anh với giá 8 triệu bảng dù trước đó họ không quan tâm đến trung vệ này và ở thời điểm mua cũng chẳng có CLB nào để ý tới Boumsong. Cầu thủ này không những chơi tệ mà thương vụ của anh ta còn bị đưa ra tòa án vì nghi vấn nhập nhèm tiền môi giới.
3) Andy Carroll (2011)
Trong cùng ngày Carroll ra mắt Liverpool với giá 35 triệu bảng, Luis Suarez cũng đến Anfield và đã nghĩ anh sẽ được thi đấu cùng Torres. Thay vào đó Suarez phải tự gánh hàng công Liverpool trong 3 năm kế tiếp còn Carroll ghi 6 bàn trong 44 trận ở Premier League trước khi bị bán đi bằng một nửa giá tiền ban đầu.
2) Alexis Sanchez và Henrikh Mkhitaryan (2018)
Có lẽ đây là lý do vì sao các CLB bây giờ tránh trao đổi cầu thủ, vì cả hai đều là thảm họa ở điểm đến mới. Sanchez ăn lương cao ngất ngưởng tại MU chỉ để ghi 5 bàn sau 45 trận kèm màn ra mắt đánh piano, trong khi Mkhitaryan chẳng giúp gì cho Arsenal ngoài đúng trận ra mắt có kiến tạo nhưng may là lương không quá cao. Cả hai HLV trưởng tiến hành vụ này, Mourinho và Wenger, đều đã rời CLB của mình trong sự thất vọng khi năm 2018 kết thúc.
Sanchez và Mkhitaryan, "báo hại" ở MU và Arsenal theo những mức độ khác nhau
1) Savio Nsereko (2009)
Một thảm họa toàn tập cho tất cả các bên, West Ham sau khi bán Craig Bellamy cho Man City với giá 14 triệu bảng đã tái đầu tư 9 triệu bảng vào Nsereko, người đang đá cho Brescia và mới ghi có 3 bàn trong sự nghiệp (đều ghi ở Serie B). Nsereko đá 10 trận ở Premier League cho West Ham (chỉ 1 trận đá chính) và không ghi bàn nào, và West Ham sau chưa đầy 7 tháng mua Nsereko đã bán cầu thủ này cho Fiorentina với giá 3 triệu bảng.
Nsereko sau đó tiếp tục sa sút không phanh, đá cho các đội hạng dưới tại Ý và Đức trước khi lưu lạc sang Bulgaria, Lithuania và Kazakhstan. Cầu thủ này thậm chí còn bị bắt giữ vì giả vờ bị bắt cóc khi ở Thái Lan, trước khi bị yêu cầu đi chữa trị tâm lý.
Jadon Sancho đã chính thức xong thương vụ trở lại Dortmund từ MU.
Nguồn: [Link nguồn]