FIFA họp khẩn bàn tước World Cup 2022 khỏi Qatar: Nước nào đăng cai thay thế?
FIFA đã tổ chức một cuộc họp khẩn sau khi Michel Platini bị bắt nhằm bàn về việc tước quyền đăng cai World Cup 2022 khỏi tay Qatar.
Làng quản trị bóng đá thế giới vừa được phen rúng động khi Michel Platini, cựu chủ tịch UEFA, bị cảnh sát bắt giữ vì cáo buộc nhận hối lộ giúp Qatar giành được quyền đăng cai World Cup 2022. Và mới đây lại có thông tin FIFA đã nhóm họp kín để bàn về việc tước quyền đăng cai của nước chủ nhà Qatar.
Michel Platini bị bắt giữ vì cáo buộc nhận hối lộ giúp Qatar đăng cai World Cup 2022
Quá trình trao quyền đăng cai cho World Cup 2022 đã gây ra cực nhiều tranh cãi bởi không chỉ nước chủ nhà muốn đăng cai sự kiện trong mùa đông (giữa lúc các CLB đang đá mùa giải), mà còn vì 11 trong 22 thành viên ban chấp hành FIFA bỏ phiếu đã bị phạt tiền, cấm tham gia vào các hoạt động bóng đá tạm thời, cấm vĩnh viễn, hay thậm chí bị bỏ tù vì các tội danh hối lộ & tham nhũng.
Có 5 quốc gia đã vận động đăng cai World Cup 2022, bao gồm Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Qatar và Mỹ. Trong số này có 3 quốc gia đã từng đăng cai, một quốc gia (Australia) có sẵn sân vận động và nhận được phản hồi tích cực từ đề án xin đăng cai nhưng khi bỏ phiếu chỉ nhận được đúng 1 lá phiếu, và quốc gia còn lại Qatar đề xuất đăng cai vào cuối năm. Rốt cuộc Qatar là bên chiến thắng.
Theo nguồn tin từ TNT Sports, FIFA đang tổ chức một cuộc họp kín nhằm thảo luận về khả năng tước quyền đăng cai của Qatar. Phóng viên Hernan Castillo của kênh truyền hình này cho biết FIFA đang nghiên cứu mọi khả năng có thể để không những buộc giải đấu phải rời khỏi Qatar mà còn hủy bỏ luôn hợp đồng tài trợ đã ký kết với hãng hàng không Qatar Airways.
Theo chính thông tin mà FIFA đã từng công bố chính thức trước đây, công ty sở hữu quyền tổ chức World Cup 2022 là một công ty mà 51% cổ phần được nắm bởi FIFA và phần còn lại bởi chính phủ Qatar. Nếu FIFA chứng minh được Qatar giành được quyền đăng cai do hối lộ thì họ có thể tước bỏ quyền sở hữu cổ phần của Qatar với công ty này do họ là cổ đông lớn nhất.
Chủ tịch Gianni Infantino đứng trước quyết định quan trọng về quyền đăng cai World Cup của Qatar
Hình ảnh của Qatar cũng đã thay đổi đáng kể từ khi giành quyền đăng cai. Chỉ riêng trong khâu tổ chức World Cup, số công nhân thiệt mạng rất lớn trong quá trình xây dựng các công trình phục vụ sự kiện đã dấy lên những chỉ trích kịch liệt từ dư luận quốc tế. Còn về mặt chính trị, từ năm 2017 Qatar đã bị nhiều quốc gia Arab cắt đứt quan hệ ngoại giao & cấm vận kinh tế do nghi ngờ có quan hệ mật thiết với Iran và trợ giúp cho các tổ chức khủng bổ.
Nhưng nếu Qatar bị tước quyền đăng cai thì quốc gia nào có thể thay thế? Mỹ sẽ đăng cai năm 2026 nên nước này lẫn các quốc gia Bắc-Trung Mỹ khác không phải là một lựa chọn, tương tự là châu Phi và Nam Mỹ (2010 & 2014). Nếu tổ chức tại Tây Âu (Nga thuộc Đông Âu đã đăng cai 2018) thì Anh và Đức có đủ điều kiện mà không phải mất nhiều thời giờ chuẩn bị, nhưng Đức có thể sẽ muốn đồng đăng cai với quốc gia khác do họ đã đăng cai năm 2006 và đồng đăng cai sẽ phần nào giảm tải gánh nặng về chi phí và lên kế hoạch.
Chắc chắn Qatar sẽ khởi kiện FIFA nếu bị tước quyền đăng cai, và điều đó sẽ ảnh hưởng phần nào tới ý chí của những người đứng đầu tổ chức này. Do vậy hãy chờ xem sự dứt khoát của FIFA được tới đâu.
Theo tin từ AFP, cựu chủ tịch UEFA Michel Platini đã được tại ngoại chỉ chưa đầy một ngày sau khi bị giam giữ. Trước đó, Platini đã bị cảnh sát Pháp bắt giữ vì liên quan đến hối lộ và gian lận phiếu bầu quyền đăng cai World Cup 2022. |
Cảnh sát Pháp đã tiến hành bắt giữ ông Michel Platini, cựu chủ tịch UEFA ngày 18/6.