U23 Việt Nam: Park Hang Seo không phải là HLV, ông là CEO
Kỳ tích của U23 Việt Nam với ngôi á quân ở giải U23 châu Á sau những màn trình diễn không thể tin nổi là điều có thể lý giải.
Video muôn màu cảm xúc của HLV Park Hang Seo ở trận gặp U23 Qatar:
Tất nhiên, chỉ với một điều kiện là phải nhìn lại cả hành trình chuẩn bị 42 ngày của Park Hang-seo cho U23 Việt Nam và màn lột xác ngoạn mục của nhiều cá nhân.
Biến “tội đồ” thành người hùng
Thủ môn Tiến Dũng đã chơi trận hay nhất giải. Cả hai bàn thua đều là thế không thể chống đỡ, khi những cầu thủ có nhiệm vụ phải ngăn cản đầu tiên đã không thể phá các quả phạt góc của đối thủ.
Chúng ta tiếc là đội tuyển thua bàn thứ hai thì chỉ còn 30 giây để phản kháng. Nhưng đáng ra U23 Việt Nam có thể thua ngay ở đầu hiệp hai trận chung kết, sau cú dứt điểm của số 10 Sidikov ở phút 54 từ cự ly 7m.
Bình luận viên của Fox Sports gọi đó là “super save” – siêu cản phá.
Thủ môn Tiến Dũng có khoảng nửa tá những lần cản phá các cú sút từ xa và cả trong vòng cấm của Uzbekistan.
Tiến Dũng chơi được như thế thật đáng kinh ngạc. Vì trong vòng một tuần trước trận chung kết, người ta thấy cầu thủ này bị cuốn vào vòng xoáy của những người phụ nữ nổi tiếng trong giới showbiz.
Dấu ấn của HLV Park Hang Seo là rất lớn
Dũng là cầu thủ chơi cho một CLB tỉnh lẻ như Thanh Hoá, lương không phải dạng cao vì không trong đội hình chính, đến từ dân tộc thiểu số (dân tộc Mường) ở một trong những xã nghèo nhất của một trong những làng nghèo nhất.
Được tỏ tình và được tán tỉnh âu cũng là chuyện dễ hiểu. Và mọi người lo cho Dũng cũng là điều tất yếu.
Giữa showbiz chỉ là những tấm ảnh photoshop và ở hoàn cảnh này càng thấy rõ cầu thủ là những người có ích hơn. Có ích cho cả một dân tộc.
Tiến Dũng khi ra sân ở trận đấu đầu tiên của U23 Việt Nam dưới thời ông Park Hang Seo đã chơi không tệ. U23 Việt Nam thắng U23 Myanmar 4-0 ỏ M-150 Cup tại Thái lan.
Nhưng Tiến Dũng vẫn bị chỉ trích. Cả U23 Việt Nam vẫn bị chỉ trích: Thử kêu đốt xịt, đối thủ quá non kém nên thắng chả nói lên điều gì. Cũng trận đó, Quang Hải ghi 2 bàn.
Giải M-150 Cup U23 Việt Nam còn đá với Uzbekistan (vòng bảng, thua 1-2), rồi thắng U23 Thái Lan ở trận tranh 3/4 với tỉ số 2-1.
Biến một nhóm cầu thủ thành một đội bóng biến hoá
Vậy mà U23 Việt Nam của ông Park Hang Seo vẫn bị dè bỉu. Nhưng khi ấy, đội bóng của Park đã hứa hẹn rất nhiều rồi. Kể cả là khi không cần đếm tới thành tích (2 thắng 1 thua), mà nhìn vào công việc, cách chuẩn bị cho chặng đường tiếp theo, cách xây dựng đội hình chiến thuật (đa dạng về sơ đồ, từ 3-4-3 tới 4-1-4-1 rồi 5-4-1, 5-3-2), thử nghiệm vị trí (dùng nhiều cầu thủ khác nhau) đã thấy những sự hợp lý về nguyên tắc.
Xưa nay, các cầu thủ Việt Nam vốn nghĩ rằng họ chỉ có thể chơi được một sơ đồ. Cả V-League không CLB chơi rõ ràng với sơ đồ 3 trung vệ. Cả V-League quen với 4-4-2 với vài biến thể của nó.
Vậy mà chỉ trong một hiệp họ có thể xoay qua lại 2-3 sơ đồ khác nhau, chuyển trạng thái xuất sắc, trình diễn cách vận hành chiến thuật hiện đại.
Rồi về cá nhân, không biết có ai còn nhớ chuyện của tiền vệ Xuân Trường ở giải đó? Trường chỉ đủ sức chạy chầm chậm trong 60 phút rồi hết sức. Trường không cầm được nhịp, không bọc lót cho hàng thủ và càng không có vẻ đáng kể gì khi tổ chức tấn công.
Vậy mà Trường vẫn được xếp chơi chính. Vẫn đeo băng thủ quân. Cách làm này đã “chữa được bệnh” cho một cầu thủ phải dự bị cả mùa ở CLB của anh ta tại Hàn Quốc, bị suy yếu về thể lực, đánh mất cảm giác bóng.Kết quả là Trường đã phần nào thể hiện được các phẩm chất vốn có của mình ở U23 châu Á.
Hàng loạt sự thử nghiệm khác nhau trên khắp các tuyến, việc tin dùng các cầu thủ không dựa trên danh tiếng đã giúp cho đội tuyển có đủ các phương án nhân sự cho cả giải đấu.
Có tới 17 cầu thủ được ra sân ở giải đấu này sau 6 trận. Những người vào sân chơi đều hầu hết thể hiện được mình, và có cả những cầu thủ chơi ít phút mà quyết định được trận đấu như Hồng Duy, Đức Chinh chẳng hạn.
Chắc nhiều người vẫn còn nhớ năm 2003, đội U23 của HLV Riedl đã sụp đổ chỉ vì một trụ cột chấn thương ở SEA Games dù chỉ là một hậu vệ cánh.
Thầy Park là kiến trúc sư trưởng cho thành công của U23 VN
Không phải là HLV, ông Park là CEO của U23 Việt Nam
Dùng tới 17 cầu thủ ở một giải chỉ có thể là một HLV biết khai thác khả năng của các học trò, biết tin tưởng vào các cộng sự, và biết sử dụng họ đúng lúc đúng vị trí – những phẩm chất đáng quý của một CEO (giám đốc điều hành của một doanh nghiệp) giỏi.
Quang Hải đã chơi giải đấu để đời. Dù chúng ta đã biết về Hải trước đó, nhưng toả sáng như ở Trung Quốc thì kinh ngạc. Hải chơi lệch sang phải, lùi lại phía sau để phát huy khả năng cầm bóng và sẵn sàng nhất cho các cú dứt điểm tạo đột biến.
5 bàn thắng và không kể cú sút phạt đập xà ngang là thành tích tuyệt vời nhất của một cầu thủ ở một giải đấu chính thức cấp châu lục.
Trước giải ít người biết về Phan Văn Đức, một cầu thủ trẻ của SLNA. Vậy mà U23 Việt Nam càng vào sâu, Phan Văn Đức càng quan trọng, đá chính ở vai trò tiền vệ công, vừa tham gia phòng ngự mà phối kết hợp với các tiền đạo và dứt điểm rất hay.
Phan Văn Đức là cầu thủ được tiến cử bởi Giám đốc kỹ thuật Gede. Ông Gede có mặt ở SEA Games, nhưng HLV lúc đó không tin vào năng lực cố vấn của ông, chỉ đi làm do thám các đối thủ.
Ở giải, ông Park còn nói tới trợ lý của mình, một người Hàn Quốc. Ông gọi đó là bộ não của ông, luôn phân tích các tình huống trên sân rất nhanh để rồi ông là người ra quyết định cuối cùng.
Một HLV giỏi của bóng đá hiện đại là người biết tập hợp tất cả, để rồi sau đó, cả khi thất bại hay thành công thì chắc chắn HLV trưởng vẫn là cá nhân được nhắc tới đầu tiên.
Kết quả: Sự khởi đầu vĩ đại nhất lịch sử
Ông Park đến Việt Nam với sự hồ nghi lớn hơn là tin tưởng. Ông từng là trợ lý số 1 trong số những người Hàn cho Hiddink ở đội tuyển nước này cách nay 15 năm. Rồi sau đó sự nghiệp của ông không có điểm nhấn nữa.
Nhưng đôi khi xem hồ sơ không có giá trị nhiều bằng việc trực tiếp đánh giá. Như đã nói, cái cách ông chuẩn bị xây dựng đội tuyển, lựa chọn lối chơi phù hợp cho một đội bóng sẽ phải đá trước các đối thủ trên tầm thì thấy đáng tin.Những ai đến khi bước vào giải rồi, đến khi thấy U23 vào tứ kết, rồi bán kết, rồi mới thích ông Park Hang-seo tạm coi đã thiệt thòi hơn, không được tận hưởng cái cảm giác thích thú và yên tâm nhiều ngày hơn so với phần còn lại.
Nói đúng hơn là đội bóng của ông Park mang đến sự yên tâm rồi mới tới thích thú. Vì sao?
Đầu tiên là U23 Việt Nam ở giải này đá 6 trận đều ở dưới tầm so với đối thủ. Trận nào cũng lo sẽ vỡ nhưng không trận nào vỡ.
Cứ đá trận trước xong nhiều người lại nghĩ đối thủ trận sau sẽ còn hay hơn, nhưng không có đội nào có thể chơi bóng thoải mái trước U23 Việt Nam, không thể chơi theo cách của họ, và cũng chẳng có đội bóng nào dám thoải mái dâng lên mà không sợ bị phản công chớp nhoáng.
Các cầu thủ bền bỉ, lì đòn, tự tin và toả sáng đúng lúc. Nó hoàn toàn khác so với truyền thống lâu nay của các đội tuyển Việt Nam, thậm chí cả các CLB Việt Nam (khi đá ở cúp châu lục).
Hơn 20 năm sử dụng HLV ngoại, cũng có nhiều lần chúng ta thấy đội tuyển khác. Cũng có những HLV vừa đến thời gian ngắn đã tạo ra những điều kinh ngạc.
Năm 1995, ông Tavares cầm đội đã tạo nên đội bóng chơi cực khoẻ ở Cúp Độc lập. Dư luận nói rằng bí quyết ông cho cầu thủ ngậm kẹo bí hiểm.
Năm 2014, ông Miura vừa đến đã đưa tuyển Olympic Việt Nam vào tứ kết Asian Games…
Nhưng rõ ràng không có sự khởi đầu nào đẹp kỳ vĩ hơn sự khởi đầu này của ông Park sau 42 ngày ông cầm trong tay một thế hệ cầu thủ tưởng như sẽ chả khi nào có ngày được coi là thế hệ vàng.
Ông Park phủ nhận chuyện cho cầu thủ ngậm sâm bằng cách lý giải về sự hợp lý trong việc duy trì cự ly đội hình, lựa chọn lối chơi cho một đội bóng đã có màn trình diễn không thể tin nổi: Chơi mạnh mẽ ở tốc độ cao 3 trận liên tiếp mỗi trận 120 phút.
Sự khởi đầu này liệu có mở ra nhiều những trang sử bóng đá nữa?
U23 Việt Nam khiến dư luận Trung Quốc lo lắng về cơ hội dự World Cup.