Tuyển quốc gia không phải nơi đào tạo trẻ
Rất nhiều cầu thủ Việt Nam có mác tuyển thủ quốc gia chỉ sau một trận giao hữu rồi vắng bóng, khác với bóng đá Thái Lan tuyển nào ra tuyển nấy.
Sau khi đội U-20 Việt Nam (VN) trở về từ World Cup, có đến bảy cầu thủ một bước lên tuyển quốc gia trong khi đội đã có mặt 10 tuyển thủ của đội U-22. Vì sao lại có biến động mạnh với sự trẻ hóa ồ ạt đến mức khủng hoảng thừa và không theo trình tự nào nhưng quá thiếu những phản biện từ ban các đội tuyển, Hội đồng HLV Quốc gia?
Cầu thủ trẻ lên tuyển quốc gia ào ạt như đi chợ. Ảnh: HUY PHẠM
Trẻ hóa đội tuyển quốc gia theo kiểu của HLV Hữu Thắng rất dễ dẫn đến kịch bản phá hủy các mục tiêu và cũng rất khó đạt điều gì. Cái cách “thả mồi bắt bóng” này được diễn giải là nhằm tạo điều kiện cho lớp trẻ thích nghi với đội tuyển lớn sẽ lợi bất cập hại. Dễ thấy nhất là những cầu thủ chưa có nhiều va chạm ở hạng dưới bỗng dưng trở thành tuyển thủ quốc gia, còn các đàn anh có thừa kinh nghiệm và bản lĩnh bị lọt sổ.
Cách trẻ hóa đội tuyển của bóng đá VN khác hẳn với Thái Lan dưới thời HLV Kiatisak từng nắm các đội tuyển nước này.
Từ năm 2013 Kiatisak tiến hành trẻ hóa đội tuyển quốc gia nhưng nó luôn đảm bảo tính chất “quốc gia”, không có tài năng nào trên 23 tuổi bị bỏ rơi. Tuyển thủ quốc gia Thái Lan đòi hỏi những tiêu chí cao chứ không phải chọn người một cách đại trà và thiếu bài bản như của VFF hiện nay.
HLV Kiatisak trẻ hóa lực lượng từng phần và tạo ra cái sườn đội tuyển từ những thủ lĩnh dày dạn như Dangda, Chanathip, Bummathan, Kawin, Tristan Do, Peerapat, Chappuis... Đấy là những cầu thủ trên 23 tuổi đá bóng giỏi, giàu nhiệt huyết và luôn là tấm gương cho đàn em nương tựa, học hỏi cả trên sân bóng lẫn sinh hoạt đời thường. Điều quan trọng nhất của Kiatisak là làm cho đội tuyển mạnh lên, đúng chất lượng đại diện cho cả một nền bóng đá, không phải nơi để đào tạo trẻ.
Trở lại với đội tuyển VN bây giờ vốn hầu hết là lứa U-22, cộng thêm nhóm cầu thủ U-20 thì chẳng khác gì đội tuyển trẻ. Cách làm không giống ai này được bao biện là hướng đến tương lai, giúp cầu thủ trẻ đá SEA Games, chẳng khác gì “đá bỏ” vòng loại Asian Cup sắp tới.
Trong khi đó, các đội tuyển ở những tháng năm tới sẽ chơi rất nhiều giải, từ vòng loại World Cup, châu Á, Olympic, AFF Cup nhưng chỉ dựa vào mỗi đội tuyển trẻ gắn mác quốc gia này là không ổn. Sân chơi của đội tuyển quốc gia thì hãy trả về đúng với bản chất của nó chứ không thể lấy lực lượng trẻ chưa đủ tầm đi làm đại diện.
Đội tuyển Việt Nam đi ngược chiều HLV Kiatisak từng đạt nhiều thành công nhờ việc trẻ hóa đội tuyển Thái Lan đã giúp họ làm trùm Đông Nam Á từ sân chơi SEA Games đến AFF Cup, Asian Cup. Chỉ có những cầu thủ trẻ có chất lượng chuyên môn vượt trội đồng nghiệp cùng trang lứa mới có cửa lên tuyển Thái Lan. Riêng với HLV Hữu Thắng vì quá gấp gáp cho mục tiêu săn vàng SEA Games 29 đã tính đường đi tắt và ngược chiều khi cho gọi quá nhiều cầu thủ dưới 22 tuổi khoác áo tuyển quốc gia đá vòng loại Asian Cup. Nỗi ám ảnh ngôi vô địch SEA Games dễ gây sự thiếu công bằng và làm rối các đội tuyển. TT |