Tạp chí hàng đầu thế giới: U23 Việt Nam dạy Trung Quốc cách tiêu tiền
Bóng đá Trung Quốc đổ tới hơn 800 tỷ USD cho đào tạo trẻ nhưng bị chê không bằng một góc của bóng đá trẻ Việt Nam sau thành công của U23 Việt Nam.
Thành công của U23 Việt Nam ở giải U23 châu Á 2018 đã được nhìn vào bằng con mắt ngạc nhiên, ngưỡng vọng và thậm chí ghen tỵ. Thầy trò HLV Park Hang Seo đã vượt qua những anh tài châu lục như Australia và Iraq, đã đánh bại một đội tuyển giàu có là Qatar, và chỉ chịu thua ở phút cuối cùng của hiệp phụ trước đội mạnh nhất giải U23 Uzbekistan.
Tạp chí Forbes viết về bóng đá trẻ Việt Nam & Trung Quốc
Một trong những quốc gia bị ấn tượng bởi thành công này nhất chính là nước chủ nhà Trung Quốc. Đặt nhiều kỳ vọng vào đội tuyển con cưng nhưng khán giả Trung Quốc đã rất thất vọng khi chứng kiến U23 Trung Quốc bị loại sớm từ vòng bảng. Đã nhiều năm trở lại đây bóng đá Trung Quốc rất tích cực chi tiền, nhưng dường như những đồng tiền đó đang mang lại một con số 0 về sự tiến bộ của tài năng bản địa.
Mới đây tạp chí kinh tế Forbes đã có bài bình luận về cách đầu tư của bóng đá Việt Nam so với bóng đá Trung Quốc, cho thấy sự đầu tư của bóng đá VN đang mang lại hiệu quả hơn nhiều so với ông hàng xóm giàu có hơn.
“Hai nước có chung một nền tảng bóng đá: Lượng fan ủng hộ chủ yếu quan tâm tới bóng đá châu Âu mà không quan tâm tới giải VĐQG, hai đội tuyển quốc gia của hai nước đều đã lên/xuống liên tục về mặt phong độ trong 2 thập kỷ”, bài viết của Forbes mở đầu.
Một góc chụp của học viện bóng đá Guangzhou Evergrande tại Quảng Châu, Trung Quốc
“Nhưng khía cạnh kinh tế và xã hội của hai nền bóng đá không thể khác nhau hơn. Bóng đá Trung Quốc giống như một sự thử nghiệm xã hội, rằng anh liệu có thể biến tiền thành kỹ năng đá bóng? Bóng đá Việt Nam không cần nhiều tiền đầu tư, nhưng cần nhiều thời gian”.
Ký giả August Rick, trong quá trình tìm hiểu về nền thể thao hai nước, đã vẽ lên một bức tranh khá chân thực. “Chương trình bóng đá trẻ Trung Quốc tốn của chính phủ nước này tới 813 tỷ USD và được dẫn đầu bởi các học viện được đầu tư đắt đỏ của các CLB chuyên nghiệp như Guangzhou Evergrande. Nhưng đầu vào chỉ dành cho những con em của các gia đình có tiền và là người gốc Hán”.
“Nực cười làm sao, môn thể thao đại chúng nhất ở các thành phố của Trung Quốc lại đang là bóng rổ, trong khi những tài năng bóng đá giỏi nhất sinh trưởng ở các vùng miền tây của các tộc người thiểu số”, Rick viết.
“Một số CLB bóng đá Trung Quốc đang lâm vào tình trạng khủng hoảng bản sắc. Những CLB này đổi địa điểm cư trú cứ sau 1-2 mùa giải, đổi tên thường xuyên và thậm chí logo của nhà tài trợ được gắn lên logo của CLB. Các CLB này mua cầu thủ nước ngoài như thay áo, và những cầu thủ này mang tới sự chú ý nhiều hơn là mang tới giá trị chuyên môn”.
Đào tạo bóng đá trẻ Trung Quốc chỉ dành cho con em nhà có tiền và người gốc Hán
Khi đánh giá về bóng đá Việt Nam, August Rick tóm tắt đó là “một trò chơi dài hạn”. “Sự tồn tại của học viện Hoàng Anh Gia Lai và sự hợp tác trước đây với Arsenal đã mang đến 9 cầu thủ trong đội hình đội tuyển U23. Trung tâm bóng đá PVF đã được thành lập sau khi VFF nhận được viện trợ từ FIFA và AFC”.
“Sự áp đảo của HAGL tới lối chơi của U23 Việt Nam không có gì lạ lẫm, khi học viện này đã có 10 năm để cho ra thành quả. 10 năm nữa PVF hứa hẹn cũng sẽ chiếm được vai trò lớn ở các đội tuyển trẻ. Đây là một trò chơi dài hạn và cần thời gian để nhìn thấy thành quả”.
Khi tóm tắt về tình trạng phát triển của bóng đá hai nước, August Rick bình luận: “Người nước ngoài khi nói về bóng đá Trung Quốc sẽ nói tới 2 sự kiện: Carlos Tevez ra đi và Javier Mascherano sắp đến, và cả hai đều là người Argentina. Với bóng đá Việt Nam, người nước ngoài có thể dễ dàng thấy rằng bóng đá trẻ của họ đang cực kỳ triển vọng”.
Giải U23 châu Á có thể là nơi cất cánh cho những tài năng sáng giá của bóng đá Việt Nam.