Tự may vá: Ngon – Bổ - Rẻ!
Bạn sẽ chỉ phải trả khoảng vài chục ngàn đồng cho một chiếc váy hoa xinh tươi, mà giá bán ở shop bình dân cũng đã hàng trăm ngàn.
Khi đất nước còn nhiều khó khăn, các bà các mẹ Việt thường rủ nhau may quần áo để “cải thiện” cho chồng con những bộ cánh tươm tất. Còn hiện tại nhiều 8x – 9x tìm đến may vá như một sở thích, một cách để giải tỏa stress và cũng là lựa chọn hoàn hảo cho tiêu chí “ngon – bổ - rẻ”.
Sau đây là những kinh nghiệm mà chúng tôi tổng hợp lại, dành cho những bạn ưa thích công việc may vá nhưng vẫn còn chút ngần ngại chưa dám “mạo hiểm”.
Chọn vải rẻ để thực hành
Để thực hành công việc may vá, đầu tiên bạn nên chọn loại vải có giá thành rẻ, dễ may. Khi tay nghề đã "cứng" bạn có thể đầu tư vào những loại vải tốt hơn.
Bạn Như Hoài 30 tuổi, hiện đang sinh sống ở Hồng Kông có nhiều kinh nghiệm tự may đồ cho bản thân chia sẻ: “Bất cứ khi nào có thời gian về Hà Nội, tôi thường rủ bạn bè qua chợ vải buôn nổi tiếng Ninh Hiệp. Đến đây bạn nên vào những hàng bán vải đống, chỉ cần chút tinh ý, bạn có thể chọn những tấm vải độc và đẹp, thậm chí là những loại vải cao cấp với giá đã được giảm ở mức tối đa.
Bạn đừng ngần ngại tiếc tiền khi thấy giá 200 ngàn đồng cho một tấm vải ren đẹp. Bởi bạn có thể trả gấp đến chục lần cùng một chất vải như thế ở các shop bán lẻ, và hàng chục lần cho một chiếc váy ren của các hãng thời trang có tên tuổi”.
Với loại vải thông dụng như vải lót, vải voan để may đồ mùa hè, cũng tại chợ Ninh Hiệp bạn có thể mua với giá chỉ từ 70-100 ngàn cho… 1kg vải! (1kg quy ra được khoảng 3-5 tấm, mỗi tấm dài 1,5 - 2 mét). Như vậy, bạn chỉ phải trả khoảng vài chục nghìn cho một chiếc váy hoa xinh tươi mà giá bán ở shop bình dân cũng đã hàng trăm ngàn.
Một bài toán kinh tế quá dễ để tính phải không?
Đừng vội đầu tư vải "xịn" khi mới bắt đầu tập may
Chọn những sản phẩm dễ trước – khó sau
An Chi (30 tuổi, Hà Nội) mách nước: “Chân váy là lựa chọn hoàn hảo cho sự bắt đầu. Cắt may chân váy ôm, váy chữ A đến váy xòe đều không quá khó. Sau đó bạn có thể lựa chọn những kiểu váy liền suông, đơn giản. Không nên ham hố những sản phẩm quá nhiều chi tiết, bởi thường khi bắt đầu may bạn rất háo hức với hàng nghìn ý tưởng trong đầu, nhưng khi bắt tay vào công việc, một chi tiết nhỏ cũng khiến bạn phải may đi may lại nhiều lần. Việc này dễ khiến bạn chán nản, muốn buông xuôi.
Đang là mùa hè, bạn cũng có thể thực hành với váy maxi các kiểu dáng dễ. Váy maxi hầu hết dễ may và dễ khoe "tài năng" của bạn”.
Bên cạnh quần áo thì những vật dụng như chăn ga gối, gối tựa, rèm cửa... là những sản phẩm rất tốt cho việc thực hành đường may thẳng. Nếu chưa quen với việc vào khóa hoặc đục lỗ cúc, bạn có thể dùng các loại cúc bấm hoặc loại cúc dính 2 mặt.
Có rất nhiều mẹo nhỏ như thế này, tựu trung lại bạn phải ghi nhớ nguyên tắc: càng đơn giản càng tốt. Hãy tham gia những nhóm, hội thích may vá trên mạng xã hội để trao đổi kinh nghiệm, bổ sung vốn liếng may vá cho bản thân mình.
Những chiếc váy chỉ với các đường thẳng sẽ là bài tập thực hành đầu tiên nên thực hiện
Nên chọn máy may đa năng
Đây là bước rất quan trọng nếu không nói là quan trọng hàng đầu – sau niềm đam mê “kim chỉ” của bạn.
Có một chiếc máy may thì bạn mới bắt tay vào việc được. Với những tay máy không chuyên, để bắt đầu hãy chọn một chiếc máy may gia đình đa năng. Đây là loại máy được tích hợp nhiều chức năng và các kiểu may, ví như may thẳng (kiểu cơ bản), may dích dắc (dùng để may đường viền), may khóa kéo, may gói....
Nhiều chị em hiện nay thường lựa chọn chiếc máy may Nhật "bãi", tức là những chiếc máy may của Nhật đã qua sử dụng được mang về Việt Nam và tu sửa lại. Mức giá của những chiếc máy này trên dưới 2 triệu đồng. Còn nếu bạn có điều kiện hơn, nên mua máy mới của Nhật ở mức giá 7-8 triệu đồng/chiếc.
Một chiếc máy gia đình với nhiều chức năng vừa tiện lợi, vừa dễ điều khiển, lại không chiếm diện tích.
Vẽ lên giấy trước khi thực hành trên vải
Nếu bạn để ý, trong các bộ phim về giới quý tộc phương Tây xưa có cảnh những quý bà đến tiệm may đo, thường người may sẽ cắt trên giấy trước, sau đó cắt lên vải thử nghiệm (loại vải rẻ hơn nhưng có cùng độ co giãn). Sau khi đã ướm thử vào người thì những mảnh vải đó được tháo ra, in lên loại vải chính thức sẽ cắt may, và người thợ chỉ việc cắt lại đúng kích cỡ đó.
Chính sự cầu kì này đã tạo nên những bộ váy mang tính chất đo ni đóng giày hoàn toàn riêng biệt dành cho mỗi quý bà, khiến mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật.
Những sản phẩm may mặc ngày nay không quá cầu kì, các thợ may lành nghề cũng có nhiều kinh nghiệm trong cắt may nên họ thường vẽ thẳng lên vải thành phẩm. Tuy nhiên đối với các bạn mới học may, tốt nhất nên học vẽ và cắt trên giấy trước, vì đôi khi một nhát kéo lỡ hoặc một chi tiết nhỏ bị bạn bỏ sót có thể khiến cho tấm vải của bạn bị hỏng.
Nên sử dụng giấy trước khi thực hành trên vải
Biết kiên nhẫn
Khi học may chuyên nghiệp, người học sẽ thường được dành tuần đầu tiên để học may sao cho thẳng hàng, sau đó được chuyển qua học sửa các loại gấu quần, học đơm cúc, học là...
Tuy nhiên với các chị em chỉ có nhu cầu tự may mặc cho vui thì ít có kiên nhẫn để học từng bước như thế. Nhiều người chỉ dành một vài buổi cho việc điều khiển máy may và may sao cho thẳng hàng. Nhưng việc may thành phẩm khó hơn nhiều việc bạn thực hành may đường thẳng trên một tấm vải. Bởi vậy, sự kiên nhẫn quyết định rất lớn trong việc học may. Có khi bạn mất cả buổi, cả ngày trời chỉ để may, rồi tháo, rồi may, rồi tháo, rồi lại may...
Điều này thực sự thách thức sự bền gan của ngay cả những người kiên nhẫn. Tuy nhiên, không có cái gì tự nhiên mà đến. Nếu những đầu bếp trứ danh cũng bắt đầu từ việc nhặt rau, gọt hoa quả, phụ bếp, thì những thợ may giỏi nhất cũng phải trải qua những ngày tháng đầu tiên “khó nhằn” như vậy.
Nên nếu rơi vào tình thế may đi tháo lại, đừng vội nản chí. Hãy luôn nhớ câu “vạn sự khởi đầu nan” và nghĩ đến niềm vui khi hoàn thiện sản phẩm bạn sẽ có cảm hứng và động lực vượt qua thử thách này.
Hãy liều lĩnh
Bạn đừng nghĩ mình không chuyên nên không thể cắt may được thành thạo như những người thợ lành nghề. Mà ngược lại, hãy nghĩ rằng, nếu bạn có thể cầm kéo và cắt được sản phẩm may mặc cho mình là bạn đã liều lĩnh hơn nhiều thợ may giỏi.
Trên thực tế, có nhiều thợ may rất giỏi, sản phẩm họ may lên không kém bất cứ sản phẩm cao cấp nào, nhưng có một sự thật đó là họ chưa từng cầm kéo và cắt! Sự liều lĩnh còn nằm ở khâu dám thử - dám làm, sáng tạo ra cho mình những mẫu độc đáo, nghệ thuật; dám vứt bỏ và không nản chí khi những thứ mình làm bị hỏng; biết chấp nhận vứt đi nhiều mảnh vải hỏng thì mới có một bộ đầm đẹp.
Tham gia một lớp học may ngắn hạn không phải ý kiến tồi
Dự một lớp học ngắn hạn
Có học bao giờ cũng có hơn. Nếu bạn thực sự yêu thích may, bạn có năng khiếu và mong muốn tạo ra những sản phẩm bắt mắt, chuyên nhiệp, tại sao bạn không dành thời gian đăng kí một khóa học ngắn hạn (chỉ từ 8-12 buổi)?
Ở đó bạn sẽ được dạy những bước cơ bản nhất, có cơ hội hỏi thêm cô giáo những kiến thức đang khiến bạn băn khoăn, và có thêm những người bạn cùng đam mê để trao đổi kinh nghiệm với nhau.
Còn nếu bạn có quan hệ tốt với tiệm may gần nhà, hãy đề nghị được “làm không công” một thời gian cho họ, tại sao không?