Thời trang cũng cần có văn hóa
Mặc gì vốn dĩ là quyền của mỗi người. Nhưng nếu không muốn bị đánh giá về nhiều thứ khác nữa, thì xin chớ dại dột như cô bạn tôi.
Cái gì đẹp gắn với văn hóa cũng sẽ có giá trị hơn hẳn. Giống như người đẹp cũng cần có trí tuệ, có một nền tảng văn hóa nhất định thì mới trụ vững và ngày càng đẹp thêm.
Thời trang không nằm ngoài quy luật ấy. Mặc đẹp thôi chưa đủ, còn phải biết mặc đúng nơi, đúng lúc. Tùy hoàn cảnh này mà mặc bộ đồ này, hoàn cảnh kia mà diện bộ cánh kia. Cái đó người ta gọi là văn hóa ăn mặc, văn hóa thời trang.
Ai cũng hiểu những lý lẽ cơ bản đó nhưng không phải ai cũng vui vẻ thực hiện. Cách đây ít lâu, tại một sự kiện không lấy gì làm vui vẻ là đám tang một người quen, cô bạn tôi từng biết, không biết hồn nhiên vô ý hay biết mà bất chấp tất cả để diện một chiếc váy hồng ngắn cũn theo phong cách búp bê.
Khỏi phải nói những người có mặt thấy “nóng mắt” thế nào. Chẳng biết cô bạn kia có ý thức được hiệu ứng mình đã gây ra hay không, chỉ biết cô vẫn đủng đỉnh theo cái cách thường thấy, tức là sau khi đến viếng người xấu số vẫn kịp tạt ra một chỗ buôn chuyện trời bể với mấy cô chân dài khác.
Mặc gì vốn dĩ là quyền của mỗi người. Nhưng nếu không muốn bị đánh giá về nhiều thứ khác nữa, thì xin chớ dại dột như cô bạn tôi.
Mấy hôm trước, sàn diễn thời trang thế giới được một phen đỏ mặt khi một thương hiệu ra mắt bộ sưu tập mới. Trong các thiết kế của thương hiệu ấy, hầu như “bỏ ngỏ” hai gò bồng đảo của người mặc một cách rất vô tư. Không che đậy. Không ngại ngùng.
Không rõ các nhà thiết kế, phê bình, các tín đồ thời trang phản ứng theo chiều nào, chứ với tôi, nếu những hình ảnh tường thuật trên báo chí không được làm mờ phần nhạy cảm đi, hẳn tôi không thể đủ dũng khí để mở bộ sưu tập ấy ra một cách đường đường chính chính.
Sao lại có thứ thời trang kỳ quặc như thế? Nếu là trong phòng ngủ nhà các bạn thì chẳng nói làm gì, đằng này là trang phục diện ra phố, trước toàn dân thiên hạ, sao có thể phô tất cả ra mà cứ nghĩ đó là sáng tạo hay tiên phong gì đó? Đến show diễn nội y người ta còn phải che phần nhạy cảm nhất lại cơ mà?
Thiết kế thiếu thẩm mỹ, thừa phản cảm tại một show diễn thuộc Vancouver Fashion week
Thời nguyên thủy, khi vải vóc còn là khái niệm lạ lẫm, tổ tiên của loài người cũng đã biết dùng lá cây hay tất cả những gì có thể để che đậy những bộ phận mà theo họ là nên che. Vậy mà đáng lo ngại thay, sau hàng triệu năm, con cháu họ lại đang dần trở về với thời ăn lông ở lỗ, với những thứ quần áo phi thời trang.
Hở không có tội. Gợi cảm cũng là điều nên cổ xúy. Nhưng hở ở đâu, kín khi nào? Gợi cảm đến mức nào? Chứ gợi cảm hay thời trang theo kiểu khoe hết ra, khoe bừa bãi thì có vài thế kỷ nữa trôi qua chắc cũng khó ai đồng cảm được.
Đẹp cũng phải đi cùng với văn hóa. Biết đẹp một cách văn hóa vẫn luôn là điều nên học!