Thời trang chống hiếp dâm: Hữu ích đến đâu?

Thời trang chống hiếp dâm ngày càng đa dạng, tuy nhiên nó có thực sự mang ý nghĩa gì?

Nở rộ thời trang chống hiếp dâm 

Vấn nạn hiếp dâm đang ngày càng trở nên nhức nhối. Trong khi câu hỏi “kẻ cưỡng dâm hay nạn nhân là người có lỗi?” còn đang gây nên những làn sóng tranh cãi, biểu tình dữ dội thì rất nhiều người đã phải tự tìm lấy những phương thức để bảo vệ mình. Và thời trang tự hào là một trong những công cụ để chị em (thậm chí là cả anh em) hỗ trợ chống lại nạn hiếp dâm.

Ấn Độ là một trong những quốc gia có tỉ lệ phụ nữ bị cưỡng bức cao hàng đầu thế giới. Theo thống kê thì tại nước này, cứ sau 7 phút lại có 1 vụ hiếp dâm, trong đó chỉ tính riêng thủ đô New Delhi, mỗi ngày có 4 vụ. Rất nhiều trường hợp nạn nhân không chỉ bị xâm hại tình dục mà còn bị giết. Thậm chí có những vụ có cảnh sát tham gia.

Trong khi dường như pháp luật chưa thực sự khiến đại dịch hiếp dâm bị giảm thiểu thì chính người dân phải tự tìm cách cứu lấy bản thân. Rất nhiều các thiết kế độc đáo nhằm chống nạn cưỡng hiếp “made in India” ra đời.

Thời trang chống hiếp dâm: Hữu ích đến đâu? - 1

Những cô nữ sinh Ấn Độ phải tự sáng chế ra những món đồ để tự bảo vệ mình trước "quốc nạn"

Năm 2013, ba kỹ sư Ấn Độ đã thiết kế ra chiếc áo lót chống xâm hại tình dục và gây được tiếng vang lớn bởi những ý nghĩa tích cực mà nó mang lại. Chiếc áo lót có tên “SHE” được gắn hệ thống GPS giúp nạn nhân gửi được tin nhắn kêu cứu tới hơn 100 số điện thoại. Ngoài ra nó có thể phóng ra dòng điện 3800 đủ để gây tê liệt kẻ tà dâm và sốc điện lên tới 82 lần.  

Vài tháng trước khi bộ nội y SHE ra đời, Thời báo Ấn Độ đã đưa tin về một phát minh của hai sinh viên của học viện công nghệ thời trang Ấn Độ, đó là “chiếc áo khoác chống lạm dụng tình dục”. Chiếc áo này cũng dựa trên nền tảng là được tích hợp bộ phận có khả năng gây giật điện 110 V khi phát hiện ra các hành vi cố ý xâm hại.

Thực ra chiếc áo khoác độc đáo này ra đời từ những năm 2004, tuy nhiên nó chưa thực sự được quan tâm cho tới khi thực trạng xâm hại tình dục đối với phụ nữ ở nước này trở nên nhức nhối.

Tuy nhiên, Ấn Độ không phải thị trường duy nhất của các sản phẩm chống cưỡng hiếp. Cách đây hơn 6 năm, vào năm 2007, Aya Tsukioka, một nhà thiết kế người nhật đã tạo ra một chiếc váy có tên “ngụy trang kiểu mới”.

Sản phẩm này lấy cảm hứng từ cách mà các ninja thời xưa mặc ngược mặt trong của chiếc áo để giấu mình vào bóng đêm. Thiết kế của chiếc váy hết sức đặc biệt. Nó có thể lật ngược lại và biến hình thành… một chiếc máy bán nước ngọt tự động. Nhà thiết kế Aya Tsukioka dí dỏm cho rằng đó là cách để nạn nhân tự cứu mình được sự truy đuổi của những tên yêu râu xanh.

Thời trang chống hiếp dâm: Hữu ích đến đâu? - 2

Chiếc váy tàng hình thành máy bán nước tự động của Aya Tsukioka 

Ngoài ra ở Nhật, vô số các sản phẩm giúp phái yếu tự vệ được ngụy trang dưới lốt là những món đồ phụ kiện xinh xẻo như son môi thực chất là lọ xịt hơi cay, giày có gót là súng gây choáng, thậm chí dây chuyền còn có thể giấu một con dao nhỏ được gấp gọn lại…. cũng rất phổ biến. Phụ kiện kiêm vũ khí phòng vệ từng xuất hiện trong quá khứ, ở thời Victoria (Anh), khi ấy những phụ nữ có thể sử dụng trâm cài tóc như một vũ khí sắc nhọn để tấn công yêu râu xanh. 

Nhiều sản phẩm chống hiếp dâm dựa trên vài yếu tố logic nhưng lại rất quái đản. Ở Thái Lan, năm 2013, hãng Headmuns trình làng hai sản phẩm thời trang gây sốc là quần chip có gắn dương vật giả và quần tất lông chân để giúp người mặc trở nên thiếu hấp dẫn trong mắt những kẻ tà dâm.

Ngay cả châu Âu, các sản phẩm chống nạn cưỡng hiếp cũng được nghiên cứu. Vào năm 2005, một nhóm nữ sinh Thụy Điển đã sáng chế ra một chiếc thắt lưng bảo vệ người mặc trước nguy cơ bị xâm hại. Chiếc thắt lưng có một chốt gài rất chặt, nếu không biết cách thì rất khó để cởi. Nó được bán với giá 50 đô la (khoảng hơn 1 triệu đồng).

Những chiếc thắt lưng của nhóm nữ sinh Thụy Điển có nhiều nét hao hao giống các chiếc đai trinh tiết từng được xuất hiện tại châu Âu và cả Indonesia từ cách đây nhiều thế kỷ trước. Cho tới thời hiện đại,  dụng cụ này vẫn tồn tại. Ở Mỹ, công ty sản xuất đai trinh tiết “Chastity Belts USA” rất đắt hàng, trong khi ở một vài cơ sở massage ở Indonesia, những nữ nhân viên phải đeo khóa trinh tiết ở quần để tránh bị khách sàm sỡ.

Thời trang chống hiếp dâm: Hữu ích đến đâu? - 3

Trâm cài tóc và đai trinh tiết là những dụng cụ bảo vệ phụ nữ thời xa xưa

Góc nhìn khác về thời trang "phòng vệ"

Theo Shira Tarrant, đồng tác giả của cuốn sách Đàm luận về thời trang: Bóc trần sức mạnh của phong cách (một chuyên luận về phong cách hiện đại) cho rằng những nỗ lực tự bảo vệ của phụ nữ bằng thời trang là các dấu ấn mang tính biểu tượng của thời đại.

Chia sẻ với TDB, Shia Tarrant cho rằng: “Những sự ngụy trang ở váy biến hình thành máy bán hàng tự động ở Nhật hay áo giáp phóng điện đều có thể sử dụng trong chiến tranh. Và nạn cưỡng hiếp là cuộc chiến mà chị em phụ nữ hàng ngày đều phải đối mặt.

Thực tế là các thiết kế thời trang đang phải phản ảnh điều này, có nghĩa rằng giới thiết kế đang nhận thức được tầm ảnh hưởng của đại nạn hiếp dâm.

Thời trang chống hiếp dâm: Hữu ích đến đâu? - 4

Các nhà thiết kế đang ngày càng chú tâm tới thời trang bảo vệ phụ nữ. Trong ảnh là quần có gắn dương vật giả, một sản phẩm của các nhà thiết kế Thái Lan

Tuy nhiên Shia Tarrant cũng nhấn mạnh, việc chống nạn hiếp dâm không đồng nghĩa với việc ăn mặc kín mít. Cô lấy dẫn chứng từ một trường hợp, đó là ban nhạc rock nữ Bikini Kill và Sleater-Kinney, tuy là những người đấu tranh mạnh mẽ nhất đối với nạn hiếp dâm nhưng đồng thời họ cũng là những người lăng xê nhiệt tình cho mốt váy búp bê siêu ngắn.

Valerie Steele, giám đốc của bảo tàng thuộc Viện công nghệ thời trang New York cũng cho rằng trang phục bảo vệ và tự vệ là một phần của dòng chảy thời trang. Cô cho rằng những món đồ đó không chỉ có chức năng bảo vệ đơn thuần mà nó còn mang giá trị tinh thần. Nhiều món đồ không hề có tính chất bảo vệ xét về mặt vật lý, nhưng nó lại có chức năng bảo vệ về mặt tinh thần, đó là nó trao cho phụ nữ quyền được tự tin và ngang bằng với nam giới. Sự bình đẳng giới sẽ xóa tan cái định kiến cho rằng “phụ nữ là nạn nhân và cũng là nguyên nhân của mọi vụ hiếp dâm” đang gây tranh cãi.

Thời trang chống hiếp dâm: Hữu ích đến đâu? - 5

Không cần đai trinh tiết phụ nữ cũng có thể an toàn, miễn là ở nơi đề cao nữ quyền 

Theo cô Valerie Steele, bản thân những món đồ mang đậm dấu ấn nữ quyền như chiếc “váy đen bé nhỏ” cho người mặc cho tới bộ tuxedo lưỡng tính của YSL là những thứ đem lại sự tự tin, trao quyền cho phụ nữ, dù xét về yếu tố vật lý, nó lại không thể bảo vệ.

Sử sách từng ghi lại nữ anh hùng của Pháp Jeanne d'Arc từng mặc đồ nam giới để tránh bị bạn tù nam giới xâm hại. Hay những trường hợp khác như nhà thám hiểm nữ Isabelle Eberhardt từng khám phá Bắc Phi và chu du an toàn qua nhiều nước theo đạo Hồi nhờ vào việc ăn mặc như nam giới.

Có thể nói, việc đề cao nữ quyền thông qua cách ăn mặc mới là đỉnh cao của thời trang chống hiếp dâm. Người ta đã chỉ ra, ở những nước như Ấn Độ, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nạn hiếp dâm tăng cao đó là bởi sự phân biệt khắt khe về giới tính mà cụ thể là tư tưởng trọng nam khinh nữ. Khi nữ quyền không được đảm bảo thì việc phụ nữ bị xâm hại sẽ vẫn bị coi nhẹ. Thứ trang phục tự vệ tuy có hữu ích nhưng xét về khả năng ứng dụng, nó vẫn còn nhiều bất tiện.

Thời trang chống hiếp dâm: Hữu ích đến đâu? - 6

Thời trang chống hiếp dâm nở rộ khiến người ta phải nhìn nhận lại nữ quyền và vai trò của phụ nữ trong những vụ xâm hại tình dục

Theo Tarrant, giáo sư ngành tâm lý chuyên nghiên cứu về quyền của phụ nữ tại đại học California, những phát kiến thời trang chống hiếp dâm như áo giật điện SHE hay váy cải trang thành máy bán nước tự động chỉ là những giải pháp tạm thời.

Điều quan trọng là sự ra đời của những sản phẩm đó giống như chiến dịch SlutWalk (chiến dịch này diễn ra ở Toronto vào năm 2011 để đấu tranh trước định kiến phụ nữ bị cưỡng hiếp là do họ ăn mặc sexy) sẽ khiến người ta phải nhìn nhận lại vấn đề "Người cưỡng hiếp và người bị cưỡng hiếp, ai có lỗi?".

SlutWalk từng đặt những định kiến một chiều về việc hiếp dâm lên bàn cân thì thời trang chống hiếp dâm cũng làm được điều tương tự”. – Giáo sư Tarrant cho biết.

Tuy nhiên ông cũng chỉ ra, chừng nào phụ nữ còn bị gò ép bởi quan điểm “ăn mặc có khiêu dâm hay không” thì điều này vẫn là một trong những nền tảng khiến nạn xâm hại tình dục phát triển.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Hương ([Tên nguồn])
Đồ lót – Đồ bơi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN