Thiết kế cảm hứng từ những cô gái bán hoa Nhật Bản ấn tượng trên sàn diễn Việt
Để làm nổi bật ý tưởng của BST, người mẫu trình diễn cho Cường Đàm bôi phấn trắng khắp mặt, cổ và mặc trang phục cảm hứng từ kimono.
Show diễn ‘Utopia - Không tưởng’ của Học viện Thời trang London vào tối 27/9 tại Hà Nội thu hút sự quan tâm của đông đảo giới mộ điệu với 15 bộ sưu tập của các nhà thiết kế trẻ, cũng là sinh viên của trường. Trong số đó, đáng chú ý là NTK 9X Cường Đàm gây chú ý với bộ sưu tập ‘Warriors in Yoshiwara’ lấy cảm hứng từ câu chuyện những cô gái bán hoa của Nhật Bản.
NTK Cường Đàm chia sẻ, vào giai đoạn 1300-1900, nhiều cô gái Nhật Bản bị ép bán vào nhà thổ tại một khu phố mang tên Yoshiwara. Họ bị bán bởi chính gia đình của mình từ khi còn là những đứa bé 5-6 tuổi. Ở đây họ cần phải học rất nhiều những kỹ năng như chơi cờ, chơi đàn, nhảy múa và những kỹ năng khác để trở thành những cô gái bán hoa cao cấp. Nhiều cô gái bị chết ở tuổi 16 do tác hại của thuỷ ngân trong lớp phấn trắng họ phải bôi mỗi ngày. Họ thực sự là những chiến binh phải chiến đấu với những cô gái khác để giành được thứ hạng cao trong ngôi làng Yoshiwara. Và ngôi làng này như một chiến trường với những cô gái trẻ.
Để làm nổi bật ý tưởng của BST, một số model trình diễn cho Cường Đàm bôi phấn trắng khắp mặt, cổ. NTK 9X lý giải, dụng ý này nhằm thể hiện hình ảnh cô gái bán hoa của Nhật một cách rõ rệt hơn, họ hay bôi trắng mặt để làm tăng nét nữ tính, sự cuốn hút trong những tà áo kimono. Phấn trắng chứa thuỷ ngân cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến nhiều cô gái rời khỏi cuộc đời ở độ tuổi chưa đầy 18. Khu chôn cất của ngôi làng Yoshiwara đã được tìm thấy với 26.000 thi hài cô gái trẻ, được coi là nạn nhân của phấn trắng… Cách layout, làm tóc màu trắng của các model trong show diễn gợi lại phong cách trang điểm ấn tượng của những cô gái Nhật những năm 1300-1900s đồng thời là một sự thương cảm nhất định đến với những mảnh đời bất hạnh, những mảnh hồn và thể xác vụn vỡ.
BST ‘Warriors in Yoshiwara’ gồm 14 mẫu thiết kế độc đáo được trình diễn bởi những model nổi tiếng. Vẻ đẹp của áo kimono, sự phô hở thân thể của những cô gái bán hoa cùng tinh thần chiến binh của họ được NTK Cường Đàm khéo léo đưa vào từng trang phục.
Anh sử dụng các chất liệu lụa hand made Việt Nam, da thực vật, len organic cùng những phụ kiện như dây xích, đinh tán. Hầu hết những nguyên liệu anh lựa chọn đều là vải hữu cơ, thân thiện với môi trường.
Thông qua việc lựa chọn chất liệu, anh thể hiện sự đồng tình với xu hướng phát triển thời trang bền vững, thân thiện với môi trường mà hầu hết các thương hiệu lớn của thế giới đang theo đuổi.
“Bộ sưu tập là tiếng nói của tôi để bảo bảo vệ những phụ nữ đã và đang là nạn nhân của nạn mua bán người trên khắp Thế Giới, tôi mong muốn rằng mọi phụ nữ trên trái đất này đều được sống trong hoà bình và hạnh phúc”, NTK Cường Đàm bày tỏ.
NTK Cường Đàm (sinh năm 1990, Hà Nội) tốt nghiệp Đại học Kiến Trúc Hà Nội vào năm 2013 và tiếp tục theo học Thiết kế Thời trang tại Học viện Thiết kế và Thời trang London Hà Nội ( LCDF).
NTK trẻ từng lọt Chung kết cuộc thi Harper’s Bazaar Vietnam Newgen Award 2020.
Trang phục công sở là khái niệm phổ biến với đa số chúng ta nhưng vẫn còn nhiều điều về loại trang phục này mà chúng...
Nguồn: [Link nguồn]