Phụ nữ cần kính mắt, vì sao?
Nếu như đàn ông nổi tiếng với những ánh nhìn chiếu tướng, thì phụ nữ ngược lại, muốn nhìn ai đều phải… lén lút. Không có nghĩa là nhu cầu nhìn của hai bên kém cạnh nhau, thậm chí phụ nữ còn nổi trội hơn phần “soi” và bình luận. Việc có một chiếc mắt kính trên mặt làm cho cảm xúc thật của phụ nữ được che đậy khá đầy đủ.
Cặp kính mắt đầu tiên, theo tương truyền, là dành cho hoàng đế Nero khi ngài rất thích được xem các trận đấu nảy lửa giữa các đấu sĩ La Mã. Việc một ông vua của đế chế hùng mạnh ngồi đó cao sang, cài lên mình cặp kính mắt – lúc đó chỉ là miếng đá quý màu xanh ngọc được mài trong suốt, mang đầy vẻ thi vị, bí hiểm, rất hợp với không gian của các đấu sĩ thời bấy giờ. Và rồi từ đó, kính mắt trở thành một vật cực kỳ thông dụng và thời trang của loài người.
Nếu bạn hỏi tôi rằng phụ nữ cần gì trong túi sách của họ – thì câu trả lời là mắt kính còn quan trọng hơn cả đồ trang điểm. Những cặp kính thời trang to ngang mặt, như một vũ khí bí mật – ít nhất là trong những buổi sáng tôi còn đang mắt nhắm mắt mở lao ra khỏi nhà tìm một tách càphê. Chụp kính vào mắt – đặc biệt cặp mắt kính phải thật hợp với gương mặt, ta ngay lập tức trở thành một nhân vật hơi cao sang, bí hiểm, dù kính mắt đã không còn được làm bằng đá quý và không kiếm đâu ra một đấu sĩ La Mã nào ở xung quanh.
Có những người đeo kính mắt loại nào cũng đẹp, ngược lại có những người chỉ hợp với một kiểu kính mà thôi. Bản thân tôi có một gương mặt hơi dài và góc cạnh, một chiếc kính bản to và tròn là thứ duy nhất hợp, mọi thiết kế còn lại đều khiến tôi nhìn chẳng ra làm sao trong gương. Như bạn biết, việc chọn lựa một kiểu kính hợp với mình không có gì là khó, khi những thương hiệu thời trang lớn đều coi mắt kính là một trong những phụ kiện thời trang nóng bỏng nhất với nhiều thiết kế nổi bật khác nhau.
Gần đây người ta còn kết hợp mắt kính và audio player, đưa kính mắt trở thành một sản phẩm của công nghệ. Bản thân trong các siêu phẩm hành động, nhân vật nam chính không bao giờ đeo một chiếc kính vô thưởng vô phạt, nó thường kết hợp với các máy định vị tín hiệu, camera… túm lại là những thứ cũng gắn liền với sự cao sang và mang tính chiến đấu khá lịch lãm.
Tuy nhiên có một điểm chung đã khiến cho ở thế kỷ nào, loài người gặp nhau ở việc luôn cần đến kính mắt. Vì ánh mắt – vốn mỹ miều được gọi là cửa sổ tâm hồn – thay vì mở toang, nay được che giấu đi phần nào qua cánh cửa bằng kính. Từ những năm của thế kỷ 12 ở Trung Quốc, kính mắt đã được thiết kế để dùng trong các phiên toà, chuyên dành cho các thẩm phán chất vấn nạn nhân mà không ai có thể nhận biết cảm xúc của họ qua ánh mắt. Sau đó thì kính mắt càng trở nên thông dụng với người Ý, cũng ở những phiên toà. Cùng với mục đích này, mà tộc người Inuit – được coi là tổ tiên của kính mắt, đã làm ra mắt kính bằng chất liệu ngà voi – người viết bài xin nhấn mạnh: mắt kính chứ không phải gọng kính. Mắt kính bằng chất liệu không hề trong suốt kiểu này, được cắt thủng hai đường thẳng ngang ở hai bên mắt. Tức là chúng ta có thể nhìn thấy đối phương, nhưng đối phương ngược lại, không nhìn được gì ở đôi mắt ta, ngoài hai đường thẳng mỏng dính.
Đỉnh điểm của trào lưu – lại đến từ những ngôi sao điện ảnh. Kính mắt được dùng trước giờ bấm máy, để mắt không bị quá chói từ ánh đèn sân khấu, với cường độ tương đương với ánh mặt trời. Năm 1929 – lần đầu tiên một người đàn ông Mỹ có tên Sam Foster đeo một cặp kính mắt ra bãi biển New Jersey và nghiễm nhiên trở thành kẻ tạo ra xu thế. Hình ảnh kính mắt, kem chống nắng và bikini hoà trộn vào làm một thể thống nhất cho một phong cách hưởng thụ nhất người ta có thể nghĩ đến thời bấy giờ. Nhưng cũng ngạc nhiên thay, trong thời chiến, mới là lúc kính mắt đạt được đỉnh cao về sự “cool” của mình. Trong Thế chiến thứ hai, những nhân vật quân sự nổi bật bắt đầu đeo kính. Sau này thì dù ngoài đường hay trong nhà, người ta vẫn đeo kính mắt. Các ngôi sao, các biểu tượng của thế giới, đều dễ nhìn thấy với cặp kính đen ngòm che nửa mặt.
Nếu như đàn ông nổi tiếng với những ánh nhìn chiếu tướng, thì phụ nữ ngược lại, muốn nhìn ai đều phải… lén lút. Không có nghĩa là nhu cầu nhìn của hai bên kém cạnh nhau, thậm chí phụ nữ còn nổi trội hơn phần “soi” và bình luận. Việc có một chiếc mắt kính trên mặt làm cho cảm xúc thật của phụ nữ được che đậy khá đầy đủ. Từ việc chưa kẻ mắt nước đến việc vừa suy sụp sau một dư chấn tình cảm, hay đơn giản là thoả thích ngắm nghía một anh chàng trong một chiếc áo thun gồ lên cơ ngực hoàn hảo. Hoặc rất đơn giản, để tỏ ra bí hiểm một chút. Không gì hấp dẫn bằng một người phụ nữ tóc hơi bồng bềnh, môi son đỏ và kính choán cả mặt. Người phụ nữ nghĩ: không ai có thể đoán được tôi nghĩ gì trong đầu.
Nhưng có chuyện thật thế này: người ta đặt một camera đằng sau một tấm kính trên đường đi ở khu trung tâm. Tất cả phụ nữ đều uốn éo soi mình khi đi ngang qua nó. Hãy tưởng tượng bạn buồn cười chết mất ra sao khi xem lại đoạn phim đó.
Và cuối cùng, hãy tưởng tượng về chuyện nếu ai đó vẫn nhìn thấy đôi mắt bạn sau chiếc kính mắt.
Một người đàn ông từng lao đến chỗ tôi và nói: Anh đã thấy em nhìn anh suốt.
Lúc ấy người phụ nữ đeo kính mắt là tôi, đành trả lời: Nếu anh không nhìn em, làm sao anh biết em đã nhìn anh suốt?