Nghề đóng giày vẫn đắt khách chân lệch cỡ

Sự kiện: Giày dép

Dạo một vòng quanh các diễn đàn dành riêng cho chị em phụ nữ sẽ thấy đóng giày không hẳn đã là thói quen lỗi thời, nhất là với tín đồ chân lệch cỡ.

Việc mua giày vừa vặn với chị em chân quá to hoặc quá nhỏ luôn là vấn đề nan giải, thậm chí có người than phiền họ phải chọn loại giày cỡ lớn giành cho trẻ em bất chấp mẫu mã không phù hợp. Vì vậy mà dịch vụ đóng giày gia công giá rẻ đắt khách.

Nghề đóng giày vẫn đắt khách chân lệch cỡ - 1

Chị em chân quá to hoặc quá nhỏ thường chọn giày đóng gia công để có được đôi giày vừa vặn.

Giày “thửa riêng” giá rẻ

Không phải ngẫu nhiên mà nghề đóng giày không còn giữ được chỗ đứng như khoảng hơn chục năm trước đây, những người thợ đóng giày cũng dần chuyển sang làm nghề khác để lo toan cuộc sống. Giày đóng bị xa lánh vì mẫu mã nghèo nàn, giá thành cao và người mua phải chờ đợi từ một tuần đến mười ngày để thợ giày hoàn thành sản phẩm.

Chính vì vậy khi giày nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, giày Việt Nam xuất khẩu ồ ạt trên thị trường người tiêu dùng nhất là chị em phụ nữ dần quên khái niệm đóng giày. Chỉ mất khoảng một giờ đồng hồ dạo quanh những khu phố bán giày dép nổi tiếng ở Hà Nội như Hàng Dầu, Phan Bội Châu, Cầu Giấy… tín đồ dễ dàng tìm mua cho mình đôi giày vừa chân giá từ vài trăm ngàn đến khoảng một triệu đồng tùy chất lượng. Sang trọng hơn thì có thể tìm đến những thương hiệu bình dân tại trung tâm thương mại.

Tuy nhiên, những tưởng mọi sự tiện lợi sẽ li khai thói quen đóng giày nhưng không phải, những chị em chân lệch cỡ lâu nay vẫn coi giày “thửa riêng” là cứu cánh.

Trên một diễn đàn dành cho phụ nữ có hẳn trang riêng chia sẻ thói quen và địa chỉ đóng giày. Khác với cách đây hơn chục năm, đóng giày giờ đã khác để phù hợp hơn với nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại.

Nghề đóng giày vẫn đắt khách chân lệch cỡ - 2

Giày đóng gia công được yêu thích vì giá rẻ, thời gian lấy nhanh và có nhiều kích cỡ để lựa chọn.

Chị Phương Linh (Đội Cấn, Hà Nội) cho biết: “Vì chân tôi quá nhỏ, cỡ 34 nên hầu như không tìm được giày bán trên thị trường. Tôi tìm đến một cửa hàng đóng giày gia công khá nổi tiếng trên đường Khương Đình (Hà Nội), giá cả ở mức chấp nhận được và độ bền khá.”

Không chỉ với Phương Linh giày đóng gia công vài năm trở lại đây được nhiều chị em yêu thích. Khác với cách đóng giày cổ điển, giày đóng gia công thường chỉ đáp ứng nhu cầu về kích thước chân của người mua hàng, về kiểu dáng giày chị em buộc phải lựa chọn theo mẫu sẵn có của cửa hàng.

Đây là nhược điểm mà cũng là ưu điểm của giày đóng gia công theo giải thích của một chủ cửa hàng trên đường Khương Đình (Hà Nội): “Chúng tôi không đóng giày theo mẫu khách yêu cầu như kiểu cũ vì rất mất thời gian từ công đoạn đo chân đến chọn da, tạo kiểu. Đôi khi kiểu giày đóng ra khác xa mẫu mà khách muốn. Mẫu giày và bảng kích cỡ có sẵn giúp cửa hàng dễ làm ra những đôi giày đẹp, vừa ý khách và thời gian đóng giày rút ngắn lại chỉ từ 3 đến 5 ngày”.

Chị em gọi mặt hàng này là giày gia công cũng vì lí do đó. Không được đặt mẫu mã theo yêu cầu song nhiều chị em trên diễn đàn cũng tỏ ra hài lòng vì một số cửa hàng đóng giày có khá nhiều mẫu mã cổ điển, dễ dùng và phù hợp với nhiều hoàn cảnh.

Bên cạnh đó, bảng kích cỡ có đủ cỡ từ siêu nhỏ như 33, 34 đến ngoại cỡ như 42, 43 rất phù hợp với những người khó chọn mua giày sản xuất hàng loạt.

Để khách hàng có thêm nhiều lựa chọn, đa phần các cửa hàng có thêm dịch vụ chọn mẫu da và màu da. Tùy từng loại da và kiểu dáng, giày đóng gia công có giá từ 200 đến 500 ngàn đồng/đôi, một mức giá khá dễ thở so với giày đóng theo kiểu cổ điển.

Nghề đóng giày vẫn đắt khách chân lệch cỡ - 3

Giày đóng gia công cũng có độ bền khá cao và hợp với nhiều chị em công sở.

Những lưu ý khi chọn giày đóng gia công

Như nhiều chị em đã phàn nàn, giày đóng gia công phần nào khá nghèo nàn về mẫu mã, vì vậy đây không phải là lựa chọn hoàn hảo với những tín đồ thời trang sành điệu. Đa phần ở những cửa hàng nhận đóng giày chỉ xoay vòng một số kiểu dáng đơn giản như giày trơn đế bệt, giày trơn cao gót, giày đính nơ hay một số mẫu sandal đơn giản.

- Chị em chân lệch cỡ có nhu cầu mua một đôi giày đơn giản, vừa vặn, giá cả phải chăng thì giày đóng gia công là lựa chọn hợp lí. Nếu muốn một sản phẩm độc lạ, khác biệt nên lựa chọn những cửa hàng chuyên đóng giày theo yêu cầu hoặc chọn một người thợ giỏi về thiết kế.

- Giày đóng gia công mắc một nhược điểm lớn nữa là không có dịch vụ đo chân khách hàng, người mua buộc phải chọn theo bảng kích cỡ có sẵn từ 33 đến 44 (kích cỡ cho nữ) tuy nhiên người hai chân không đều nhau hay cỡ chân lẻ như 41,5 hay 34,5 sẽ không kiếm được đôi giày vừa vặn.

Nghề đóng giày vẫn đắt khách chân lệch cỡ - 4

Tuy nhiên mẫu mã giày đóng gia công khá đơn điệu, nghèo nàn (ảnh sản phẩm một cửa hàng nhận đóng giày tại Hà Nội đăng tải).

Một số cửa hàng có dịch vụ sửa giày bằng cách thêm lót ở bàn chân hoặc gót chân để khắc phục nhược điểm này. Với những chị em dùng cỡ giày lẻ nên lưu ý với chủ cửa hàng trước khi đóng giày để tìm phương án hợp lí nhất.

- Với dịch vụ chọn màu da và kiểu da, chị em cũng nên tham khảo ý kiến chủ cửa hàng trước khi quyết định vì đôi khi có những kiểu giày khó đẹp và đứng da khi chọn sai chất liệu đóng. Tốt nhất nên chọn loại da mềm, độ bóng vừa phải để dễ phù hợp với nhiều kiểu giày.

- Việc chọn giày đóng không đơn giản như cách mua giày thông thường nên tín đồ cần thỏa thuận rõ ràng với chủ cửa hàng về mẫu mã, màu sắc, chất liệu, giá cả trong hóa đơn trước khi thanh toán. Thông thường các cửa hàng sẽ yêu cầu khách hàng thanh toán trước một nửa sản phẩm, với những cửa hàng yêu cầu thanh toán toàn bộ, chị em nên xem xét kĩ hóa đơn có đầy đủ thông tin yêu cầu hay không?

- Để có một đôi giày đóng gia công, chị em thường phải chờ đợi từ 3 đến 5 ngày. Khi nhận hàng nên kiểm tra kĩ phần lót và đế, với giày cao gót cần phải kiểm tra cốt giày xem có hiện tượng lệch, đứng không vững để yêu cầu chủ cửa hàng sửa lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đinh Trang ([Tên nguồn])
Giày dép Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN