Dân chơi "săn" hàng hiệu ở tiệm cầm đồ
"Tín đồ" hàng hiệu rỉ tai nhau tìm đến các tiệm cầm đồ để "săn" hàng, sau khi có thông tin shop hàng hiệu Gucci - Milano bị nghi ngờ nhập và bán hàng nhái. Bởi với dân "nghiện" hàng hiệu, 1 tuần không mua được một món đồ là... "thảm họa".
Cầm đồ cũng phân chia đẳng cấp
Thực tế, hàng hiệu ở tiệm cầm đồ không mới 100%, nhưng với dân chơi, nó có độ tin cậy về nguồn gốc. Giá thành "mềm" hơn cũng là thú để dân chơi "săn" hàng hiệu ở tiệm cầm đồ. Dạo một vòng qua các trang web quảng cáo cho dịch vụ mua bán như: muare.vn, rongbay.com... thấy xuất hiện không ít những dịch vụ cầm đồ hàng hiệu. Lần theo số điện thoại 0943127... với lời quảng cáo đầy hấp dẫn: "Mình nhận cầm tất cả mọi thứ có tên là hàng hiệu. Lãi suất thương lượng..." hay những lời rao vặt chắc như đinh đóng cột vào nguồn gốc hàng: "Mình chỉ nhận “cầm” các hãng nổi tiếng thôi nhé"... Rồi thì: “Ở đây “cầm” hàng hiệu, lãi suất “êm dịu””. Đọc những dòng chữ trên, PV không thể không ngỡ ngàng trước một "rừng" tiệm cầm đồ giao nhận cầm hàng hiệu, giá hời, lãi suất thấp.
Để "mục sở thị" "kho bãi" hàng hiệu của tiệm cầm đồ, PV nhập vai người "săn" hàng hiệu thứ thiệt. Chúng tôi liên lạc vào số điện thoại, người nhận máy là một thanh niên, anh này hướng dẫn chúng tôi đường vào "kho bãi" để xem hàng tại một con ngõ nhỏ ở phố Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội. Tỏ ra là một người khá cởi mở, Tuấn Long (tên chủ hiệu) vừa cười vừa nói: "Gọi là kho bãi cho thêm phần "số má" chứ thực chất đây là nhà riêng của mình. Trước đây, tôi vốn là một dân chơi thứ thiệt, giờ có gia đình rồi nên giải nghệ, dành thời gian chăm sóc vợ con. Sẵn mối quan hệ với nhiều dân chơi đẳng cấp nên việc "xài" hàng hiệu đã trở thành thói quen đối với tôi cũng như đám bạn bè của mình. Vì thế hàng hiệu "chất" đến mức độ nào, hàng "fake" hay hàng được tút tát lại bao nhiêu phần trăm, tôi đều "đọc vị" được rõ ràng, độ chính xác khoảng 95%".
Nghe Long nói chuyện, chúng tôi thấy "choáng" bởi độ "sành" chơi của dân hàng hiệu. Tại kho của Long chứa đủ các loại hàng hiệu xa xỉ, từ đồ trang sức vàng, bạc, đồng hồ, túi xách hạng sang tới các loại máy tính siêu mỏng, máy tính bảng, ống kính camera cao cấp. Là một trong những người đi đầu trong việc dấn thân theo nghiệp chuyên "cầm" hàng hiệu, Long cho biết: Vài năm trước, hàng tại cửa hàng cầm đồ chỉ có vàng, đồ cổ, đồng hồ, xe máy, ô tô... Trong vòng 2 năm trở lại đây, tại tiệm cầm đồ xuất hiện ngày càng nhiều những nhãn hàng thời trang mang thương hiệu quốc tế như Louis Vuitton, Hermes, Chanel, Prada, Gucci, Marc Jacobs, Salvatore Ferragamo... Hầu hết là quần, áo, giày dép, nước hoa, túi xách... của cả nam lẫn nữ.
Thấy phóng viên tỏ vẻ bất ngờ trước một "kho" thời trang hàng hiệu, Long nhiệt tình giảng giải: "Ngoại trừ nguồn hàng của dân chơi do cá độ hay thua bóng đem cầm thì những mặt hàng thời trang nữ phần lớn lại thuộc chủ sở hữu của những... gái gọi cao cấp". Theo tiết lộ của Long, thời kỳ "làm ăn thịnh vượng" của những "kiều nữ" này là được một đại gia nào đó đứng ra bao bọc chu cấp. Họ đi nước ngoài du lịch, ký hợp đồng... liên tục nên việc sắm vài ba chiếc túi hàng hiệu, đôi giày, cái váy, quần áo... là "chuyện nhỏ".
Hàng hiệu ở tiệm cầm đồ không mới 100%, nhưng với dân chơi, nó có độ tin cậy về nguồn gốc
Khi đã hết thời, bị cắt nguồn viện trợ, quen tiêu xài phung phí nên "kiều nữ" đi "cầm" đồ kiếm chút tiền tiêu. Hầu hết những món hàng "xịn", thậm chí được mua ở những khu mua sắm nổi tiếng tại Singapore, Hàn Quốc, Nhật, Pháp... Theo Long, số tiền "cầm" chỉ bằng 1/3 giá trị thực của món đồ hay khi không có điều kiện chuộc, phải bán đứt thì "kiều nữ" cũng rủng rỉnh tiền tiêu.
Long bật mí thêm, riêng đối với mặt hàng "xịn" này, ngoài "cầm" đồ, Long còn kiêm dịch vụ cho thuê đồ hiệu để phục vụ những đối tượng muốn "làm hàng" nhất thời. Có khách thuê, đã thuê lại chính món đồ do mình không có điều kiện chuộc (do "cầm" trước đó), để khẳng định đẳng cấp, chuẩn bị cho việc "bẫy" một đại gia mới nào đó.
Chủ hiệu cũng bị dính bẫy hàng nhái
Qua tìm hiểu và với sự quan sát của PV, riêng mặt hàng túi xách thời trang ở tiệm cầm đồ là còn rất mới. Thậm chí, có những chiếc túi vẫn còn mới 100% với tem, mác, nhãn hiệu, nguồn gốc rất rõ ràng. Lý giải tình trạng này, một "tín đồ" hàng hiệu tên Hiền bộc bạch: "Cách đây 2 năm, tìm đến mỏi mắt, chồn chân cũng không thấy đồ hiệu mới nào trong tiệm cầm đồ. Bây giờ thì nhiều vô kể. Các "kiều nữ" gái gọi cao cấp đói ăn nên phải "cầm" cả hàng mà mình chưa có cơ hội sử dụng. Nhưng cũng có "kiều nữ" thì bán đứt vì "lừa" được rất nhiều đại gia, mua được hơn nhiều hàng hiệu".
Tuấn Long cho biết, trước đây mỗi ngày, tiệm chỉ nhận 15 - 16 đơn hàng, nhưng giờ đây nhận tới 20 - 30 đơn hàng/ngày. Do tính chất các loại hàng hiệu luôn là đồ đắt tiền nên khách hàng tìm tới cầm đồ thường phải là khách quen và tin tưởng chủ hiệu, bởi họ sợ bị đổi đồ sau khi chuộc về. Lo ngại của người đi cầm đồ là có cơ sở, vì công nghệ làm nhái ngày nay tinh vi vô cùng, từ sản phẩm cho đến các hóa đơn. Long thừa nhận, so với các mặt hàng khác, hàng hóa của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới nhìn chung khó để phân biệt thật - giả giữa lúc các loại hàng nhái tràn ngập. Hơn nữa, chính người cầm và người nhận cầm cũng chưa chính thức "mục sở thị" món đồ hàng hiệu "xịn" của hãng thì sự phân biệt thật - giả - nhái chỉ phụ thuộc vào mác, vào cảm tính mà thôi.
Cũng vì lí do này mà trước đây hiếm khi các tiệm cầm đồ dám lấn sân sang kinh doanh các nhãn hiệu hàng xa xỉ. Nếu tỉnh táo và có kinh nghiệm, việc ăn chênh lệch giữa hàng khách đặt mà không có tiền chuộc về và việc sang tên lại cho khách mua cũng kiếm được vài triệu đồng/món đồ. Ngược lại, nếu không "tỉnh", chủ hiệu rất dễ bị "dính" bẫy của khách khi mang cầm hàng nhái lấy nhiều tiền rồi cao chạy xa bay, bởi chả dại gì quay lại chuộc món đồ được bán nhan nhản trên thị trường. Với loại hàng có thể nói là phức tạp này, chủ tiệm phải có "bài" để kiểm tra xem hàng có chuẩn hay không. Long bật mí, chỉ riêng mặt hàng túi xách, những bước cơ bản để kiểm tra sẽ từ chất lượng da, các mũi khâu, các phụ kiện kim loại, logo và cả hóa đơn gốc để xác định một chiếc túi xách đắt tiền có phải hàng hiệu thật hay không.
Chỉ riêng mặt hàng túi xách, những bước cơ bản để kiểm tra sẽ từ chất lượng da, các mũi khâu, các phụ kiện kim loại, logo và cả hóa đơn gốc để xác định một chiếc túi xách đắt tiền có phải hàng hiệu thật hay không
Mi Lan - một "tín đồ" chuyên "săn" hàng hiệu ở các cửa hàng cầm đồ, vừa khoe chiếc túi xách thời trang màu mận chín, vừa tranh thủ bật mí vài mẹo khi mua thứ đồ này: "Nên kiểm tra kỹ mặt trong của túi xem có sờn, rách, nguy cơ ngấm nước có cao không chứ đừng nhìn màu sắc bắt mắt mà lựa chọn, vì đôi khi chủ cửa hàng đã "mông má" lại rồi mới bán cho khách". Cũng theo Lan, mất công "săn" hàng ở tiệm cầm đồ, thỉnh thoảng "săn" được những chiếc túi xách nhãn hiệu Marlee, Pendi... thậm chí Louis Vuiton là điều không hiếm.
"Nghiện" hàng hiệu giá rẻ
Để thỏa mãn nhu cầu chứng tỏ bản thân trong thời buổi kinh tế suy thoái, nhiều người "nghiện" hàng hiệu tìm đến tiệm cầm đồ như một cứu cánh. "Tín đồ" hàng hiệu tỏ rõ quan điểm, thà xài đồ "no name" (hàng bình dân, không tên tuổi) còn hơn là dùng hàng nhái, hàng không phải thương hiệu phù hợp với đẳng cấp dân chơi của mình. Với mức giá bằng 40% - 60% giá hàng mới, những mặt hàng này ngày càng có sức hút. Cũng theo Long một đôi giày thời trang nam, giá từ 900 USD đến trên 1.000 USD, thậm chí cao hơn nhưng tại các hiệu cầm đồ, khách có thể mua với giá chỉ bằng một nửa.
Cơ hội làm đẹp với hàng bình dân
Theo một chủ cửa hàng kinh doanh thời trang hàng hiệu ở phố Hàng Bông (Hà Nội) thì: "Khi giấc mơ vẫn còn xa vời so với khả năng tài chính thì bạn không nên "cố đấm ăn xôi" dùng hàng hiệu mà mất đi phong thái của một người thông minh". Nếu bạn không quá dư dả về tiền bạc thì không nên chạy đua với những món hàng hiệu xa xỉ. Người mua hoàn toàn có thể tìm đến những sản phẩm bình dân nhưng phù hợp với thị hiếu như truyền tải được xu hướng của mùa, với một chút nhạy bén và tinh tế của người biết sử dụng đồ. Bằng cách đó, người tiêu dùng vẫn luôn đúng mốt và không trở thành lố bịch hay "nô lệ" cho bất cứ thương hiệu thời trang nào.