Chuyện "trọng nữ khinh nam" kỳ quặc trong làng mẫu
Người mẫu nam và người mẫu nữ có thu nhập chênh lệch quá cách biệt.
Trang bìa của tạp chí thời trang Details số phát hành vào cuối năm ngoái là gương mặt của 10 nam người mẫu hàng đầu như Sean O'Pry, Clement Chabernaud, Garrett Neff. Tổng biên tập của Details, Dan Peres chia sẻ với Business of Fashion rằng thời trang nam giới đang phát triển hơn bao giờ hết, và đó là lý do tại sao ông lại thực hiện trang bìa phủ kín những gương mặt người mẫu nam tên tuổi.
Trước kia, công chúng thường có thói quen quan tâm đến các người mẫu nữ hơn nhiều và người mẫu nam có thu nhập thấp hơn so với các đồng nghiệp nữ. Lý do xuất phát bởi ngành công nghiệp thời trang nam vốn kém phát triển so với ngành công nghiệp thời trang nữ. Tuy nhiên, theo thực trạng ngày càng đi lên của ngành công nghiệp thời trang dành cho đàn ông có lẽ đã đến lúc các người mẫu nam đang cần phải có chỗ đứng xứng đáng hơn trong làng mẫu.
Trang bìa của Details
Có sự phân biệt đối xử rõ rệt trong làng chân dài. Rất ít người mẫu nam đạt được những thành quả và được ghi nhận. Trong khi các siêu mẫu như Naomi Campbell và Kate Moss được hàng triệu triệu người biết tới như các biểu tượng thời trang thì không một người mẫu nam nào có được vinh dự này. Có lẽ thế giới người mẫu là nơi lạ kỳ nhất thế giới với truyền thống “trọng nữ khinh nam”.
Cứ mỗi tháng 11 tới, Forbes lại công bố top những người mẫu kiếm tiền nhiều nhất thế giới. Vào năm 2013, Sean O’Pry kiếm được 1,5 triệu đô la kém 28 lần so với siêu mẫu Gisele Bunchen, người đứng đầu top mẫu nữ. Thu nhập trung bình của người mẫu nữ là 41 ngàn đô la, cao gấp 148% so vói thu nhập trung bình của người mẫu nam, theo thống kê của Payscale.
Vấn đề phân biệt đối xử ở làng mẫu tồn tại từ rất lâu, đặc biệt ở vấn đề đãi ngộ và tiền thù lao. Một bài viết trên tạp chí Forbes giải thích: "Đối với đàn ông, để đạt được tới danh hiệu siêu mẫu là rất hiếm và đầy thử thách. Họ không có nhiều cơ hội để phổ biến mình ra rộng khắp như những show Victoria's Secret hay chiến dịch quảng cáo mỹ phẩm."
Và cũng chỉ có rất ít nam người mẫu có đủ sức nặng trong nghề để có thể lên tiếng về vấn đề thù lao không thỏa đáng. Nam người mẫu đứng đầu top kiếm tiền nhiều nhất thế giới Sean O'Pry chia sẻ với hãng thông tấn ABC vào tháng 11.2014 rằng anh sẽ không phàn nàn về việc chẳng kiếm được 42 triệu đô la (giống như Gisele Bunchen). Sở dĩ quan điểm của Sean không mấy gay gắt vì anh quan niệm nghề người mẫu nam dễ chịu hơn nghề mẫu nữ, họ sẽ không phải đi giày cao gót, mặc bikini.
Không giống như Sean O'Pry, một nam người mẫu hàng đầu khác là David Gandy phàn nàn rằng mức thù lao của họ là "thấp của thấp" và "sự thật là trong ngành công nghiệp này thì phụ nữ kiếm được nhiều tiền hơn đàn ông".
Mẫu nam có thù lao bèo bọt
Sam Barraclough, người mẫu nam 30 tuổi đến từ vương quốc Anh từng trình diễn cho Robert Cavalli, Fred Perry, và Diesel thì nghĩ rằng đã là người mẫu nam hẳn nhiên đều sẽ phải trải nghiệm chế độ đối xử tệ hơn.
"Tôi đi casting cho Reiss, các cô gái được ngồi trong phòng đặc biệt còn tôi phải đứng giữa văn phòng. Sự đối xử rất khác biệt và tôi nghĩ rằng lý do là bởi không có nhiều công việc cho chúng tôi".- Sam nhớ lại.
Matthew Rettenmund, tác giá của blog Boy Culture tin là với sự đối xử không công bằng như thế khiến công chúng nhìn nhận người mẫu nam chẳng khác gì những kẻ hành nghề bán thân. Điều này rất nguy hiểm, vô hình chung biến người mẫu nam thành nghề ít được xã hội coi trọng. Trong khi đó Christopher Koulouris, cựu người mẫu nam nay là một cây viết khẳng định cơ hội làm việc vốn đã ít lại càng cạnh tranh hơn bởi các nhãn hàng ưa chuộng các ngôi sao và cầu thủ nổi tiếng như David Beckham hay Brad Pitt.
Do phải cạnh tranh không cân sức với các ngôi sao thể thao và sao giải trí, những gì còn lại cho người mẫu nam chỉ là những show diễn, những chiến dịch quâng cáo theo mùa, ấn phẩm thời trang. Những thứ này đem về mức thù lao rất thấp.
Christopher Koulouris cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự phân biệt giới tính trong làng người mẫu đó là bắt nguồn từ quan điểm của xã hội ngày nay. Ở thời hiện tại, giá trị của một người đàn ông không phụ thuộc vào vẻ ngoài của anh ta mà dựa vào nghề nghiệp.
Travis Smith là một chân dài 21 tuổi liều lĩnh rời quê hương Hawaii tới Williamsburg để theo đuổi sự nghiệp. Anh đồng ý với quan điểm người mẫu nữ dễ kiếm việc hơn nhiều so với người mẫu nam.
Người mẫu nam có rất ít cơ hội nghề
"Có nhiều cơ hội lớn cho phụ nữ trong ngành công nghiệp này bởi vì ai mà không thích ngắm nhìn các nữ siêu mẫu chứ. Mức thù lao cũng đúng thực tế. Người mẫu nữ làm nhiều việc, từ chụp nội y đến quảng cáo mỹ phẩm, đó là lý do tại sao họ kiếm được nhiều tiền". - Travis cho hay.
Smith cũng nói thêm người mẫu nữ được "sủng ái" và dễ kiếm việc hơn bởi các thương hiệu hay công ty chủ quản thích casting các cô gái có vẻ ngoài độc đáo như Lara Stone hay Chloe Nørgaard hơn là vẻ đẹp truyền thống, phổ thông. Trong khi đó họ lại không dễ dãi với người mẫu nam. Chỉ một mái tóc dài cũng sẽ không vừa mắt nhà tuyển dụng và kết quả là "trượt vỏ chuối".
Người mẫu nam cũng rất khó thành danh. Mặc dù các siêu mẫu như Tyra Bank hay Heidi Klum khuyến khích họ phát triển sự nghiệp trên show truyền hình thực tế. Nhưng phần lớn sau đó chân dài nam giới bước ra từ cuộc thi đều có sự nghiệp bằng 0, chẳng ai còn nhớ tới, trừ trường hợp hiếm hoi như Ashton Kutcher.
Sự phân biệt đối xử cũng đến từ tầm ảnh hưởng xã hội giữa lớp mẫu nam và mẫu nữ. Người mẫu nam thành công nhất O'Pry chỉ có 15200 người theo dõi trên Twitter và gần 50.000 trên Instagram, kém xa Bündchen với gần 2 triệu trên Twitter và 1,5 triệu trên Instagram. Hoặc như Tyson Beckford chỉ có khoảng 80,000 trên Twitter trong khi thiên thần Victoria Secret là Adriana Lima "hạ gục" anh ta với 1,34 triệu trên mạng xã hội. Các thương hiệu thích làm việc với các ngôi sao mạng xã hội có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ với cộng đồng. Đó là lý do tại sao người mẫu nam thường kém vị thế hơn hẳn so với mẫu nữ.
Người mẫu nam lịch lãm trong quảng cáo thời trang
Tuy nhiên bù lại người mẫu nam không phải chịu nhiều áp lực về ngoại hình như người mẫu nữ. Đặc biệt là hiếm có tình trạng ăn kiêng giảm cân kham khổ trong thế giới của các chàng trai. Ngoài ra họ cũng ít nguy cơ phải đối mặt với những nhiếp ảnh gia "biến thái", một trong những "con quỷ" đáng sợ luôn rình rập mẫu nữ.
Ngoài ra tuổi nghề của mẫu nam cũng cao hơn mẫu nữ. Thông thường tuổi vào nghề lý tưởng của mẫu nữ là khoảng 14, 15 tuổi. Các cô gái 20 tuổi được xem là đã hơi già. Người mẫu nam có tuổi vào nghề lý tưởng là từ 18 - 25. Người ta cũng có xu hướng thích mẫu nam chững chạc.
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp thời trang nam đã có sự phát triển chóng mặt. Tỉ lệ % tăng trưởng cao gấp đôi so với thời trang nữ và ước chừng có thể đạt tới 18 tỉ đô vào năm 2016. Bắt đầu từ năm nay, giới người mẫu nam hy vọng rằng tình hình công việc và thu nhập của họ sẽ sáng sủa hơn.