Cái duyên con gái…
Tôi không biết nhan sắc thật của Thị Nở thế nào, nhưng tôi nghĩ hình dung của Thị cũng chỉ đến như cô hàng xóm của tôi là cùng.
Người ta cứ hay nói “cô này duyên nhỉ”, “cô kia duyên thế”, vậy nhưng ai biết “duyên” là thế nào? Biết đâu mới là nét duyên con gái?
Có phải duyên nằm ở đôi má lúm đồng tiền, thoáng nhìn là liên tưởng tới một cô diễn viên kỳ cựu của làng điện ảnh Việt Nam? Hay là duyên nằm ở chiếc răng khểnh, phương Tây vẫn cho là thừa thãi còn người Việt ta lại cho ấy mới là đẹp?
Hay duyên còn ở dáng đi, nét ngồi, ở cái ý nhị của người con gái phương Đông mà ngày nay không còn thấy hiển hiện nhiều?
Tôi thì cho chẳng hà cớ gì phải mất công mất sức đi tìm hiểu cặn kẽ nguồn cơn của cái duyên ấy làm gì. Bởi duyên hay không, đẹp hay không là do mỗi người nhìn nhận. Với người sẵn lòng yêu quý thì nhìn đâu cũng thấy duyên, cũng thấy đẹp nhưng với người đã không có thiện cảm thì dù người khác nói duyên ngút trời vẫn cứ thấy chẳng vừa nửa con mắt.
Yếu tố “duyên” ngày nay không còn được nhắc tới nhiều khi đánh giá các người đẹp. Bởi vì “duyên” hay không rốt cuộc là do đánh giá chủ quan. Còn muốn được công nhận là đẹp phải cần nhiều thứ khác nữa, thứ mà ai nhìn vào cũng thấy, ai thấy cũng không thể dứt mắt, dẫu là để sau đó khen hay chê, ngợi ca hay lên án.
Nói thế không có nghĩa bạ đâu cũng thấy duyên, cứ gán chữ “duyên” vào là gọi “có duyên”. Như bữa trước, đọc cái tít kêu tanh tách là “Người đẹp abc duyên dáng khoe chân thon, ngực đầy trong sự kiện xyz”. Đọc tít rồi kéo mãi, kéo mãi xuống dưới, tìm đến đỏ con mắt mà chẳng thấy chút “duyên” hiện ra ở chỗ nào. Chẳng phải do chủ quan, hỏi tới bao nhiêu người ngồi cạnh, ai cũng chỉ phì cười trước sự tùy tiện của tác giả. Có lẽ con mắt nhìn “duyên” của tác giả có chút dị biệt.
Ấy nhưng nói vậy không phải để chê con mắt của tác giả kia. Biết đâu ông ấy/anh ấy lại nhìn thấy ở cô “người đẹp” kia cái duyên mà chưa ai nhìn ra được? Chẳng phải Thị Nở kém đẹp như thế mà Chí Phèo còn thấy lúc Thị e lệ mới đáng yêu làm sao, đó chẳng phải duyên thì là gì?
Duyên hay không cũng chỉ là do đánh giá chủ quan
Tôi không biết nhan sắc thật của Thị Nở thế nào, nhưng tôi nghĩ hình dung của Thị cũng chỉ đến như cô hàng xóm của tôi là cùng. Người đâu cao chưa đầy mét rưỡi, nặng hơn nửa tạ, mặt thì chao ôi là bao nhiêu thứ không ai muốn nhắc tới, tướng chẳng ra đàn ông cũng chẳng phải đàn bà. Mỗi lần nói chuyện với người khác là cười nhăn cười nhở, mà nào hàm răng có đều đẹp gì cho cam… Dường như bao nhiêu cái không đẹp đều hội tụ lại ở con người ấy, gương mặt ấy, dáng vóc ấy.
Ấy thế mà cô ấy lấy chồng, theo như nhiều người nói là lấy “được” chồng. Anh chồng không thuộc tuýp đẹp như tài tử nhưng nhìn vào cũng không có ai chê được điểm gì. Kỳ lạ hơn, cô gái kia được chồng “cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa”, hết lòng chiều chuộng và nhất là lúc nào cũng lo sợ cô sẽ bỏ anh mà đi theo người khác.
Sự đời trái ngang. Chẳng ai lý giải nổi cô bé kia được anh chồng nâng niu vì lẽ gì, đành tặc lưỡi bảo “Chắc nó có duyên ngầm…”.
Sau câu chuyện ấy, sau những gì được chứng kiến hàng ngày, tôi chợt nhận ra, thì ra “duyên” là thứ ông bà ta vì sủng ái người phụ nữ mà không ngừng nói về nó, để phụ nữ được vui vẻ mà tiếp tục sống với bao nhiêu trách nhiệm thôi. Còn thực chất, duyên là cái có thể ai cũng sở hữu mà cũng có thể chẳng ai có được. Phải đến khi xuất hiện một người nhận ra nó, quý trọng nó, khi ấy “duyên” mới thực là “duyên”.
Và khi ấy, người phụ nữ nào được yêu nhiều nhất cũng chính là người sở hữu nhiều “duyên” nhất, chẳng phải mỏi mắt kiếm tìm làm chi cho mệt.