Ai tha tội cho đôi chân?

Sự kiện: Giày dép

Nếu nói “Giày càng cao càng chứng tỏ bản lĩnh của người phụ nữ” như trong một bộ phim tôi xem, thì những cô người đẹp kia hẳn là phải có bản lĩnh hơn người lắm. 

Trên cơ thể con người, đôi bàn chân luôn là bộ phận gánh chịu nhiều áp lực nhất. Chưa kể đến chuyện phải gánh gồng toàn bộ trọng lượng cơ thể, đôi chân còn thường xuyên là nơi người ta soi vào để đánh giá độ đẹp xấu của một con người, đặc biệt là người phụ nữ.

Vì chân dài, chân ngắn từ lâu đã trở thành những cụm từ quá quen thuộc khi người ta luận bàn về nhan sắc, nên có chị em nào lại muốn giảm đi độ dài đôi chân mình? Xưa nay cũng chỉ nghe có dịch vụ “kéo dài chân”, chứ nào có ai nghe chuyện ngược lại bao giờ?

Ai tha tội cho đôi chân? - 1

Có người phụ nữ nào lại không muốn mình chân mình dài? (Ảnh minh họa)

Chân dài thì hay có lắm đặc quyền. Đặc quyền được “cao” hơn người ta một bậc về hình dáng và đặc quyền được ưu tiên nhiều hơn trong đa số lĩnh vực. Có những nơi làm việc người ta nhất quyết chỉ tuyển người có “ngoại hình ưa nhìn” cộng với chiều cao tối thiểu là một mét bao nhiêu.  Thế là những cô chân ngắn thì tủi hổ, chân dài thì được quyền hả hê.

Cũng chính vì cuộc chiến chân dài, chân ngắn khốc liệt như vậy mà các người đẹp, khi đứng cùng nhau trên một địa phận, nhất định phải khiến cho mình cao hơn người khác một chút, nếu nhiều chút thì càng tốt. Cho nên các cô chân không dài, thậm chí đã dài hoặc dài vượt trội, cũng cứ phải mang loại guốc cao không kém “cà kheo” để tôn vinh sắc vóc của mình.

Nếu nói “Giày càng cao càng chứng tỏ bản lĩnh của người phụ nữ” như trong một bộ phim tôi xem, thì những cô người đẹp kia hẳn là phải có bản lĩnh hơn người lắm. Vì trước khi nhìn các cô ấy lênh khênh trên đôi guốc cao tới mấy chục phân, tôi còn tưởng loại giày ấy vốn chỉ là một thứ phụ kiện kỳ dị mà một cô ca sĩ ở nước ngoài hay thích mang.

Nhìn họ mang giày cao tới hơn cả tấc, tôi không khỏi ngưỡng mộ. Vì để giữ thăng bằng trên giày cao gót thông thường đã khó, nay mang giày cao đến vậy, hẳn không phải chuyện dễ dàng. Nhưng cùng với sự ngưỡng mộ, tôi còn thấy thương cho đôi chân của các cô ấy hơn gấp bội.

Thương cho đôi bàn chân bé nhỏ, vốn đã phải di chuyển nhiều, bước đi chuẩn xác, nay lại như đeo thêm một cái “gông” vừa to vừa nặng, thử hỏi có chân nào lại sung sướng, dễ chịu?

Mới đây, nghe nói một Liên hoan phim tầm cỡ đã quy định khách mời không được mang giày bệt. Nếu vi phạm, họ sẽ lập tức “được” mời ra khỏi thảm đỏ. Liệu có phải chính từ những quy định như thế nên chị em cứ nhắm mắt làm bạn với những thứ mình không mặn mà và cũng chẳng có lợi gì cho sức khỏe?

Ai tha tội cho đôi chân? - 2

Liệu họ có dễ chịu khi phải mang những đôi “cà kheo” thế này? (Ảnh minh họa)

Tôi nhớ lại một tiểu thuyết viết về thời phụ nữ còn phải bó chân bên nước Trung Hoa, những người phụ nữ có đôi bàn chân nhỏ xíu đến độ đi còn không vững, chạy thì càng không và cả đời cứ quẩn quanh trong bốn bức tường của nhà mình, của nhà chồng.

Ấy thế mà ở thời nay, khi chúng ta đã được tự do về cơ thể, về làm đẹp và được tự do chọn lựa, ta lại cứ phụ thuộc vào những thứ biết rằng không có lợi.

Chân ơi, đến bao giờ ngươi mới được tha tội?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huân Y Thảo ([Tên nguồn])
Giày dép Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN