8 sự thật "ngã ngửa" về tuần lễ thời trang
Người mẫu diễn không công, biên tập viên thời trang đi mượn quần áo là những thực tế ít người biết.
Ngày hội váy áo ở New York vừa kết thúc thì tuần lễ thời trang London lại bắt đầu. Thủ đô xứ sở sương mù trở thành nơi tụ hội của những người mẫu, nhà thiết kế, tín đồ thời trang và biên tập viên hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, có những sự thật đằng sau sự kiện xa hoa này mà không phải ai cũng biết.
Người mẫu làm không công
Không phải người mẫu nào biểu diễn trên các sàn catwalk tại các kinh đô thời trang cũng được trả mức lương cao ngất ngưởng. Trên thực tế, nhiều cô còn phải làm việc không công do bản thân chưa có tên tuổi hoặc nhà thiết kế… không đủ tiền trả.
Trong trường hợp này, thù lao sẽ được tính bằng cách trao đổi một món đồ có giá trị nào đó, thường là chiếc váy mà chính cô người mẫu đang mặc.
Người mẫu phải làm việc không công vì bản thân hay nhà thiết kế kém tiếng.
Nhiều trang phục trên sàn diễn khác với khi chúng được bày trong cửa hàng
Nếu tinh ý, bạn sẽ thấy khá nhiều trang phục từng xuất hiện trên sàn diễn có chút gì khang khác khi được bán lại trong các cửa hàng.
Thực tế là để bán được trên thị trường, nhiều nhà thiết kế buộc phải thay đổi sản phẩm của mình bằng cách thay đổi màu sắc, vị trí khóa kéo, chất liệu vải…
Biên tập viên thời trang đi mượn quần áo
Các biên tập viên thời trang luôn xuất hiện đầy ấn tượng tại các sự kiện của giới mộ điệu. Họ thường có trang phục đẹp, cao cấp đi cùng phụ kiện đắt tiền và thường xuyên trở thành tiêu điểm của cánh săn ảnh.
Trên thực tế, thu nhập của các biên tập viên này không cao. Nếu không xuất thân từ gia đình khá giả, họ thường phải mượn quần áo, trang sức của các nhà thiết kế để có thể góp mặt tại các sự kiện bên lề show diễn.
Có những biên tập viên thời trang vẻ ngoài hào nhoáng nhờ quần áo... đi mượn.
Thương hiệu phải trả tiền cho người nổi tiếng xuất hiện
Để tạo dựng tên tuổi và thu hút sự chú ý của báo giới, hầu hết các thương hiệu thời trang đều phải bỏ một khoản tiền không nhỏ để “mua” sự có mặt của các ngôi sao tại hàng ghế đầu. Các sao càng nổi tiếng, chi phí này càng lớn. Tuy nhiên, khoản phí này cũng đáng vì nó đem lại lợi ích truyền thông tương xứng.
Vị trí tại buổi biểu diễn thời trang
Ghế của các khách mời tại tuần lễ thời trang thường được sắp xếp cẩn thận trước khi sự kiện bắt đầu, dựa trên danh tiếng và địa vị xã hội của họ.
Chẳng hạn, ở tuần lễ thời trang New York, người ngồi ở hàng ghế đầu tiên, vị trí cuối đường catwalk thường là tổng biên tập các tạp chí thời trang hàng đầu. Thông thường, đó chính là Anna Wintour, “nữ hoàng băng giá”, người cầm đầu tạp chí Vogue huyền thoại.
Các tổng biên tập và biên tập viên thời trang nổi tiếng thường ngồi hàng đầu, cùng với các ngôi sao có “máu mặt” trong giới giải trí. Những phóng viên, khách hàng, tín đồ thời trang khác sẽ ngồi tại các vị trí còn lại trong phòng.
Những người có địa vị cao luôn ý thức rõ ràng về vị trí của họ. Nếu một tổng biên tập cho rằng vị trí đó không phù hợp với đẳng cấp của mình, họ sẽ đòi đổi và thậm chí tỏ ra rất hiếu chiến nếu không có được vị trí yêu thích.
Jessica Alba tại một show diễn thời trang.
Quà tặng tại các tuần lễ thời trang thường kém giá trị
Ở các hàng ghế đầu, ban tổ chức luôn đặt những phần quà dành riêng cho những người tham dự. Dù trông rất “sang chảnh” nhưng trên thực tế, những món quà này thường không mấy giá trị, quen thuộc nhất là các lọ mỹ phẩm nhỏ của nhà tài trợ hay các phiếu giảm giá.
Chính vì vậy, những người nổi tiếng không mấy bận tâm tới túi quà này. Họ thường tặng lại cho trợ lý hay người học việc đi cùng hoặc bỏ lại trên ghế.
Tuần lễ thời trang là một sự kiện mệt mỏi và căng thẳng
Với những người chỉ tới tham dự hay người ngoài nghề, các tuần lễ thời trang là “bữa tiệc thị giác” đầy màu sắc. Tuy nhiên, với các nhà thiết kế, ban tổ chức, người mẫu, stylist, chuyên gia trang điểm, đây là một khoảng thời gian căng thẳng với nhiều đêm không ngủ và công việc đòi hỏi độ chính xác cao.
Hầu hết các show diễn đều muộn
Tới 90% các buổi biểu diễn thời trang tại những tuần lễ danh tiếng đều diễn ra muộn ít nhất 15 phút và thường là 30 phút so với thời gian được công bố chính thức.
Có nhiều lý do cho sự chậm trễ này như việc chờ đợi các tổng biên tập và khách hàng tiềm năng hay đợi các người mẫu thay đồ. Thậm chí, có những nhà thiết kế vẫn tiếp tục thay đổi trang phục trong bộ sưu tập sát giờ diễn, gây ra sự chậm trễ “thót tim” cho ban tổ chức.
Hai show trình diễn luôn luôn đúng giờ là của Marc Jacobs và Oscar de la Renta.
Show trình diễn của Oscar de la Renta luôn diễn ra đúng giờ.