Xử lý triệt để "rau mùi" từ đôi chân
Đặc biệt về mùa hè, mồ hôi chân ra nhiều, lại bị bít kín bởi giày tất nên càng tạo điều kiện cho vi khuẩn gây mùi hôi phát triển tốt.
"Mr. Thôi Chấn"
Không biết từ bao giờ, anh chàng H. cao to, đẹp trai của một công ty chuyên về Đạo tạo kỹ năng mềm được các đồng nghiệp đặt cho biệt danh "Mr. Thôi Chấn" (Mr. chân thối). Sở dĩ H. có cái biệt danh không mấy hay ho này là vì thực tế, về mùa hè, dù không đi giày thì chân H. cũng bốc ra một mùi không mấy dễ chịu.
Trước đây, do xấu hổ và ngại mà H. luôn đi giày kín mít, mong cái mùi "phản chủ" đó đừng có bay xa. Nhưng xem ra cách thức ngụy trang này còn có tác dụng ngược, chân của H. càng nặng mùi hơn. Không ít lần H. gãi đầu thú thực với mọi người: "Em đã thử mọi cách rồi mà mãi không 'diệt' được cái mùi này. Em cũng khổ tâm và xấu hổ lắm".
Cùng cảnh ngộ với H. là anh bán hàng (nhân viên kế toán của một công ty Kinh doanh nội thất). Vì tính chất công việc phải tiếp xúc với khách hàng mà T.P luôn phải chăm chút bề ngoài của mình. Thế nhưng, dù có bảnh trai đến mấy thì khách hàng cũng chỉ đứng nghe T.P nói mấy câu là vội lảng tránh ra xa vì "không thể chịu nổi cái mùi khó chịu không biết bay ra từ đâu". Nhìn anh chàng bán hàng hào hoa chẳng ai nghĩ đó là mùi hôi chân của anh, nhưng sự thực đúng là vậy. Hơn nữa, cái mùi này còn kinh khủng hơn cả mùi hôi chân bình thường. Thắc mắc là vậy, nhưng không ai biết rằng, sáng nào T.P cũng xịt nước hoa vào chân cho thơm tho nhưng không ngờ đến trưa nóng, mồ hôi chân toát ra làm cho mùi hôi trộn lẫn mùi nước hoa tạo ra một thứ mùi... cực kì kinh khủng.
Hôi chân - Nỗi khổ không biết tỏ cùng ai (Ảnh minh họa)
Tại sao chân có mùi hôi?
Mùi hôi chân khó chịu được sản sinh ra bởi vi khuẩn trên bề mặt chân như biểu bì tụ cầu khuẩn và vi khuẩn hình que liên kết với nhau. Những vi khuẩn này ăn những tế bào da chết, do đó, nếu da chân có nhiều tế bào da chết hoặc chân có nhiều nếp gấp thì các vi khuẩn này sẽ phát triển rất nhanh và sản sinh ra mùi hôi chân cực kỳ khó chịu.
Đặc biệt về mùa hè, mồ hôi chân ra nhiều, lại bị bít kín bởi giày tất nên càng tạo điều kiện cho vi khuẩn gây mùi hôi phát triển tốt.
Trị chứng hôi chân thế nào?
Để loại bỏ mùi hôi chân, bạn cần đặc biệt lưu ý không dùng bất kì mỹ phẩm có mùi thơm khác để xoa, bôi hoặc xịt vào (ví dụ như nước hoa) vì nó sẽ càng làm cho mùi tồi tệ hơn.
Thay vào đó, hãy làm theo những lưu ý sau đây:
- Rửa chân nhiều lần mỗi ngày, thường xuyên thay tất và không nên đi các loại giày kín như giày thể thao, giày du lịch để tránh ra quá nhiều mồ hôi chân.
- Không nên ăn các loại thực phẩm dễ gây ra mồ hôi, ví dụ như ớt cay, hành sống, tỏi sống...
- Khi dùng thuốc trị liệu thì đồng thời phải “khử trùng” cho giày và tất của mình bằng cách phơi giày, tất dưới ánh nắng mặt trời và dùng nước nóng để giặt tất.
- Dùng xơ mướp ép khô làm tấm lót giày sẽ "tống khứ" được mùi do mồ hôi chân gây ra.
- Đi loại tất thấm hút tốt. Mùa hè cần đi giày có lỗ thoáng hoặc dép.
- Khi đã mắc bệnh hôi chân, cần khám để xác định có phải nấm không rồi mới dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Nếu có thuốc chống hôi chân, thuốc chống nấm, cần rắc hay xịt vào bàn chân, khe kẽ các ngón chân, vào bít tất và giày.
- Nếu bị nấm ăn các khe kẽ chân, phải khám và điều trị triệt để; vệ sinh giày; tất sau khi giặt cần là kỹ, hoặc luộc trước khi giặt.
Một số cách rửa chân để giảm mùi hôi:
- Đổ 1 chai bia vào chậu nước, cho nước vừa đủ. Rửa sạch chân, sau đó cho vào chậu nước bia ngâm rửa trong 20 phút, rồi rửa sạch lại. Mỗi tuần làm 1-2 lần.
- Khi rửa chân, bạn cho thêm 50g phèn chua vào nước nóng, ngâm chân trong 10 phút, mùi hôi cũng sẽ lập tức bị “trừ khử”.
- Lấy vài lá sung đun với nước trong khoảng 10 phút, đợi nước đủ ấm, dùng ngâm chân trong 10 phút. Mỗi ngày 2 lần, thông thường 3-5 ngày sẽ hết mùi hôi.
- Rửa sạch 250g tỏi tây, giã nát cho vào chậu nước, đổ nước sôi vừa đủ. Đợi nước đủ ấm, ngâm chân trong nửa tiếng. Một tuần ngâm rửa 1 lần, có tác dụng rất tốt.
- Tán phèn chua thành bột, xoa lên lòng bàn chân trong 10 phút. Làm liên tục khoảng 3-4 ngày chân sẽ không bị ra mồ hôi gây mùi khó chịu. Cách này có thể giữ trong 7-8 tháng không bị lại.