Đàn ông Hàn "nghiện" trát phấn tô son
Tưởng như trang điểm chỉ là hoạt động dành riêng cho phụ nữ, nhưng tại Hàn Quốc, ngày càng nhiều đấng mày râu cũng bắt đầu trát phấn tô son và điều đáng chú ý là họ xem đây như một cách giúp mang lại thành công trong cuộc sống.
Cho Won-hyuk đứng trước chiếc gương treo trong phòng ngủ và bắt đầu đánh phấn màu nâu vàng lên trán, mũi, cằm cùng hai gò má cho tới khi làn da trở nên không còn tì vết. Tiếp đó, chàng trai này bắt đầu lôi ra một chiếc bút chì đen, tô lông mày cho tới khi chúng trở nên dày hơn, đậm hơn.
"Thủ đô" của hoạt động làm đẹp nam giới
"Mang một gương mặt sáng sủa, trang nhã khiến bạn trông có vẻ sành điệu và tạo cảm giác bạn có thể làm chủ mình rất tốt" - nam sinh viên 24 tuổi cho biết - "Ngoại hình của bạn rõ ràng gây ảnh hưởng khá nhiều. Vì thế khi tôi trang điểm vào các dịp đặc biệt, tôi thường cảm thấy tự tin hơn".
Cho Won-Hyuk đang vẽ lông mày tại nhà riêng ở Anyang, Hàn Quốc
Việc Cho Won-hyuk dành nhiều thời gian tỉ mẩn trang điểm để có được một gương mặt hoàn hảo không phải chuyện hiếm ở Hàn Quốc. Seoul, xã hội nổi tiếng bảo thủ, đang trở thành thủ đô của hoạt động trang điểm nam giới trên toàn cầu.
Năm ngoái, đàn ông Hàn Quốc đã chi 495,5 triệu USD để mua các sản phẩm chăm sóc da. Đây là một con số có thể khiến người ta sửng sốt, bởi nó đã chiếm 21% doanh số bán các sản phẩm chăm sóc da cho nam giới trên toàn cầu, theo nhận xét của Công ty Nghiên cứu Euromonitor International.
Hàn Quốc cũng trở thành thị trường tiêu thụ mỹ phẩm chăm sóc da cho nam giới lớn nhất thế giới, dù nước này chỉ có 19 triệu đàn ông.
“Yểu điệu” để thành công
Sự biến đổi của đàn ông Hàn Quốc trong một thập kỷ qua, từ chỗ nam tính sang hơi hướng "yểu điệu thục nữ", có một phần nguyên nhân từ hoạt động cạnh tranh khốc liệt để giành việc làm, ưu thế và cả tình yêu trong một xã hội nơi càng ngày người ta càng đề cao ngoại hình.
Các bằng chứng về xu hướng lạ kể trên trong nam giới Hàn Quốc rất dễ phát hiện. Trong một quán cà phê ở Seoul, một phụ nữ trẻ lấy son môi ra khỏi ví và tô một chút lên môi người bạn trai khi họ đang nói chuyện. Tại một tòa chung cư cao cấp, một nam bảo vệ đã đi làm với gương mặt trang điểm kỹ, dù công việc của anh chỉ là canh gác phần sảnh của ngôi nhà. Mỗi năm một lần, hãng hàng không Korean Air lại mở các lớp học trang điểm cho nam tiếp viên của hãng.
Hình ảnh quảng cáo có sự tham gia của Jang Keun-su, một trong những "hoa nam" ở Hàn Quốc
"Tôi hiểu vì sao các cô gái không thích ra ngoài đường khi không trang điểm, bởi việc này tạo nên sự thay đổi lớn" - Cho Gil-nam, một chàng trai 27 tuổi, cao to điển trai đang làm nghề điều tra chống gian lận bảo hiểm ở Seoul cho biết. Cho Gil-nam nói rằng anh khởi động mỗi ngày mới bằng việc trang điểm, sau màn rửa mặt với nhiều bước thao tác, có sử dụng chất làm ẩm da mặt. Anh cũng mang theo một túi trang điểm nhiều màu để có thể tiện chỉnh sửa gương mặt mình trong ngày.
Xu hướng mới trái ngược hẳn với quan niệm trước đây về nam giới ở Hàn Quốc, theo đó đàn ông phải rắn rỏi, khỏe mạnh. Mọi chuyện thay đổi từ cuối những năm 1990, khi chính quyền Hàn Quốc bắt đầu nới lỏng lệnh cấm nhằm vào các sản phẩm văn hóa Trung Quốc, khiến đàn ông nước này có cơ hội tiếp cận với nhiều ý tưởng khác nhau về vẻ đẹp nam giới, bao gồm các cuốn truyện tranh ăn khách, trong có hình những người đàn ông mang gương mặt đẹp như mỹ nhân.
Năm 2002, rất nhiều người Hàn Quốc đã ngất ngây trước vẻ đẹp của Ahn Jung-hwan, người hùng trong đội tuyển thi đấu bóng đá tại giải World Cup của Hàn Quốc. Anh về sau đã trở thành nhân vật hàng đầu của cái gọi là "các hoa nam" - một nhóm những ngôi sao thể thao cùng người nổi tiếng có gương mặt rất ưa nhìn, da dẻ mịn màng, ăn mặc hợp thời trang và họ làm nên sự nghiệp nhờ bán... mỹ phẩm cho nam giới.
“Nữ tính hóa”
Đàn ông khắp nơi trên đất Hàn Quốc bắt đầu học cách trở nên giống với họ. Xu hướng mới càng được khuyến khích nhờ những người phụ nữ ở quanh nam giới. Kết quả là một xu hướng mới ra đời. Một thập kỷ sau, hình ảnh những ngôi sao là nam giới với gương mặt mỹ nữ, trang điểm rất đậm, đã trở thành một phần không thể thiếu trong khung cảnh đô thị ở Hàn Quốc.
Theo AP, một trong những nguyên nhân để đàn ông Hàn Quốc bị "nữ tính hóa" mạnh là do tác động không nhỏ từ các phương tiện truyền thông.
Kim Jong-hoon, một lao động 27 tuổi làm trong ngành công nghệ ở Paju, cho biết việc báo chí thường xuyên lăng xê những người đàn ông nổi tiếng với làn da hoàn hảo đã khiến anh thay đổi cách thức chăm sóc gương mặt. Từ chỗ rửa mặt bằng nước và xà phòng, thanh niên này đã chuyển sang thực hiện quy trình chăm sóc da mặt với 8 công đoạn, gồm việc dùng chất tẩy rửa bụi bẩn, bôi kem bảo vệ quanh vùng da mắt, xức dầu thơm lên mặt và trang điểm nhẹ bằng chút phấn.
Và hệ quả hài hước từ một xã hội có nhiều đàn ông trang điểm là câu chuyện quanh các thỏi son và hộp phấn giờ đã trở thành chủ đề đàm đạo ưa thích của cả hai giới ở Hàn Quốc.