Ý kiến trái chiều về quy định mua bán bất động sản phải qua sàn
Lo ngại “đặc quyền, đặc lợi” cho các sàn giao dịch, mới đây, VCCI đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành, trao quyền quyết định việc giao dịch bất động sản cho nhà đầu tư.
Theo VCCI việc yêu cầu các giao dịch bất động sản phải thực hiện qua sàn sẽ khiến những vướng mắc cũ quay trở lại; tạo thêm về thủ tục cho các bên, ảnh hưởng đến lượng giao dịch bất động sản trên thị trường.
Mới đây, trong văn bản gửi Bộ Xây dựng góp ý Luật Kinh doanh BĐS, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay quy định định bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn còn nhiều bất cập, chưa phù hợp.
Cụ thể, theo VCCI, quy định các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch môi giới bất động sản đã từng được đưa ra tại Luật Kinh doanh bất động sản 2006.
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định định bắt buộc giao dịch BĐS qua sàn còn nhiều bất cập, chưa phù hợp
Tuy nhiên, quy định này đã được bỏ tại Luật Kinh doanh BĐS 2014 nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cũng như tạo điều kiện thuận lợi, giảm thiểu các thủ tục hành chính cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia thị trường, nhất là trong bối cảnh trầm lắng của thị trường bất động sản tại thời điểm xây dựng Luật 2014.
Cũng theo VCCI, hiện nay, các doanh nghiệp cho rằng, việc yêu cầu các giao dịch bất động sản phải thực hiện qua sàn có thể sẽ khiến những vướng mắc cũ quay trở lại; tạo thêm về thủ tục cho các bên trong giao dịch, từ đó ảnh hưởng đến lượng giao dịch về bất động sản trên thị trường.
“Mặc dù các giao dịch BĐS trên sàn sẽ tạo nên sự minh bạch về thông tin, giúp nhà nước quản lý được thông tin về thị trường BĐS, nhưng quy định này đã từng bị đặt vấn đề về tính khả thi và buộc phải sửa đổi sau một thời gian áp dụng. Một số doanh nghiệp đề nghị ban soạn thảo giữ nguyên quy định hiện hành và trao quyền quyết định việc giao dịch BĐS cho nhà đầu tư”, VCCI nhận định trong văn bản góp ý.
Được biết, đề xuất quy định chủ đầu tư dự án bất động sản phải thực hiện bán, chuyển nhượng thông qua các sàn giao dịch bất động sản, trước đó cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều của giới chuyên gia.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) trước đó, đã đề nghị bỏ quy định chủ đầu tư dự án phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản.
Ông Châu cho rằng, Điều 14 dự thảo đề cương dự kiến “Bổ sung quy định chủ đầu tư dự án bất động sản phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch bất động sản” là một bước thụt lùi, không phù hợp với các quy định hiện hành và cũng không sát với thực tiễn. Có thể sinh ra “đặc quyền, đặc lợi” cho các sàn giao dịch bất động sản; vi phạm quyền tự chủ kinh doanh của các chủ đầu tư dự án và sẽ làm tăng thêm giá bán nhà.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), nhận định việc Bộ Xây dựng đưa quan điểm sửa Luật Kinh doanh Bất động sản, trong đó luật hóa vai trò sàn giao dịch bất động sản bằng việc “quy định giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai phải thông qua sàn giao dịch” là rất cần thiết và hợp lý.
Việc gắn trách nhiệm và năng lực cho sàn giao dịch bất động sản nhằm bảo đảm sự minh bạch của thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích cho khách hàng, nhà đầu tư,.. Nhìn chung, quy định này đem lại rất nhiều ưu điểm. Cụ thể, quy trình mua bán sẽ chặt chẽ hơn, tuân thủ quy định pháp luật hơn và chuyên nghiệp hơn.
Cũng theo ông Đính, hàng hóa bất động sản hình thành trong tương lai, khi qua sàn giao dịch buộc phải được thẩm định, thẩm tra, tuân thủ các quy định của pháp luật mới được niêm yết công bố và giao dịch. Điều này giúp ngăn chặn các hành vi lừa đảo bán bất động sản ma, bất động sản ảo…
Có trong tay nguồn tiền nhàn rỗi, nhiều nhà đầu tư tay ngang băn khoăn không biết nên đầu tư đất nền tại Hà Nội hay đi xa hơn thời điểm 6 tháng cuối năm.
Nguồn: [Link nguồn]