Vỡ mộng với homestay: “Chi cả chục tỷ đầu tư, giờ rao bán bằng 1/7 giá vốn vẫn không ai nhòm ngó”

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Ôm mộng làm giàu từ kinh doanh homestay, nhiều chủ cơ sở chi hàng chục tỷ đầu tư nhưng chỉ sau vài năm vận hành, đành rao sang nhượng với mức giá chỉ bằng 1/7 giá vốn song vẫn không bán nổi vì ế khách.

Những năm gần đây, trào lưu kinh doanh homestay, farmstay ngày càng nở rộ. Đặc biệt, tại vùng núi như Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Hòa Bình, Đà Lạt (Lâm Đồng),... homestay mọc lên nhiều như nấm. Đến nay, khi thấm đòn từ bệnh dịch, nhà đầu tư muốn tháo chạy cũng không được.

Cách đây 3 năm, Ngọc Thảo (TP HCM) quyết định nghỉ hẳn việc để cùng bạn về Đà Lạt (Lâm Đồng) hùn vốn đầu tư homestay. Lúc cao điểm, các phòng tại homestay nơi Thảo quản lý luôn kín phòng, thậm chí nếu khách kì kèo bộ phận lễ tân thẳng thừng từ chối.

Thời điểm đó lời rất nhiều, 1 phòng lúc đó giá 1.8 triệu/ngày đêm, tuy nhiên đến nay giá còn 1.2 triệu vẫn ế ẩm.

Các mô hình homestay từng được nhiều nhà đầu tư không chuyên xây dựng rất nhiều tại một số tỉnh miền núi

Các mô hình homestay từng được nhiều nhà đầu tư không chuyên xây dựng rất nhiều tại một số tỉnh miền núi

Tương tự, anh Luân – chủ một cơ sở homestay tại Thành phố Đà Lạt cho hay, địa bàn chỗ anh là "thủ phủ" của homestay, nhưng hiện đang đóng cửa 30 – 40% các cơ sở do vắng khách.

“Nếu không phải dịp lễ, thì những ngày thường kể cả cuối tuần, các cơ sở đều rất vắng khách. Để thu hút khách, hệ thống homestay của tôi thường kết hợp chạy quảng cáo qua các ứng dụng, đồng thời áp dụng giảm 30% tiền phòng hoặc tặng kèm các dịch vụ kèm theo như đồ uống, sử dụng xe đạp,...

Với những chủ homestay xây dựng tự phát thường không thể trụ nổi và đã nhanh chóng đóng cửa trong một vài năm vừa qua” – anh Luân chia sẻ.

Được biết, mô hình homestay ở Đà Lạt bắt đầu phát triển rầm rộ từ khoảng năm 2015. Khá nhiều bạn trẻ Sài Gòn có trào lưu bỏ phố về Đà Lạt làm homestay.

Thế nhưng, sau khi dốc hết tiền bạc và tâm huyết để đầu tư, không ít người vỡ mộng homestay vì hàng loạt chi phí không ngừng tăng, như tiền thuê đất ở Đà Lạt khá cao, chưa kể chi phí xây dựng gấp đôi những nơi khác, cùng những rắc rối từ chính sách pháp lý và sự cạnh tranh khốc liệt giữa các homestay tại đây.

Nhiều nhà đầu tư gặp khó vì đã chi cả chục tỷ đồng để xây dựng nhưng... thất thu

Nhiều nhà đầu tư gặp khó vì đã chi cả chục tỷ đồng để xây dựng nhưng... thất thu

Anh Tiến – chủ một cơ sở homestay khác cho hay, năm 2019, thời điểm hưng thịnh, tại nơi này những homestay luôn có chỗ đứng trong lòng du khách. Đó cũng là thời kì ít cạnh tranh, các chủ homestay không cần truyền thông hay marketing quá nhiều, khách vẫn tự đến. Các phòng kín khách và giao lưu trò chuyện vui vẻ.

Nhưng, khung cảnh nhộn nhịp ấy không kéo dài. Sau những năm Covid-19 bùng phát, hàng loạt homestay xuống cấp do không được đầu tư và bảo dưỡng thường xuyên. Năm 2023, nhiều người quay lại sẽ phải bất ngờ vì nhiều cơ sở đã cũ, hạ tầng hỏng hóc và ẩm mốc, cây cối mọc um tùm không ai chăm sóc, nhiều rác không ai dọn...

“Thời điểm này, vài ba homestay mới ra đời, lại vài ba homestay khác đóng cửa. Thị trường thanh lý đồ cũ ở Đà Lạt rất sôi động. Đôi khi, giấc mơ của người này là sự chán nản của người khác", anh Tiến tâm sự.

Không chỉ Đà Lạt (Lâm Đồng), mà tại các tỉnh miền núi phía Tây Bắc với nhiều lợi thế từ thiên nhiên, không khí trong lành, địa hình đồi núi trùng điệp,... trong mấy năm gần đây khi giao thông tại các vùng này được chú trọng đầu tư,... nên các mô hình kinh doanh homestay, farmstay mọc lên như nấm và nhanh chóng trở thành “gà đẻ trứng vàng” trong mắt nhà đầu tư. Nhiều người không ngần ngại xuống tiền tới vài chục tỷ đồng đầu tư.

Nhiều homestay vừa mới mọc lên đã rơi vào cảnh đìu hiu

Nhiều homestay vừa mới mọc lên đã rơi vào cảnh đìu hiu

Tuy nhiên, trải qua những năm dịch Covid-19, nhiều homestay vừa mới mọc lên đã rơi vào cảnh đìu hiu, trong khi đó chi phí vận hành vẫn lên tới vài chục triệu đồng/tháng. Đến nay khi đủ thấm đòn từ dịch bệnh và nợ nần khiến nhiều nhà đầu tư đồng loạt tháo chạy.

Anh Trần Văn An (sinh sống tại Hà Nội) cho biết, năm 2019 vì nghĩ rằng kinh doanh homestay sẽ có lợi nhuận cao nên gia đình anh đã chi hơn 7 tỷ đồng để mua 3.000m2 đất tại Mộc Châu (Sơn La) xây dựng farmstay. Sau khi mua bán hoàn tất, anh tiếp tục chi thêm 5,5 tỷ đồng để cải tạo đất, trồng cây, xây dựng 10 phòng cho thuê nghỉ dưỡng và mua sắm trang thiết bị phục vụ.

“Tính đến nay, mặc dù sử dụng chưa nhiều và liên tục vắng khách nhưng tiền nhân viên, chăm sóc và thay mới cây cối, phí vận hành tới 30 - 40 triệu đồng/tháng. Chưa kể, tổng chi phí đầu tư ban đầu là 12,5 tỷ đồng thì trong đó có hơn 5 tỷ đồng là tôi đi vay, hàng tháng tôi vẫn phải trả lãi đều”, anh An than thở.

Khảo sát tại một số trang tin bất động sản, xuất hiện nhiều homestay, farmstay đang được rao bán vài chục tỷ đồng, kèm theo đó là lời quảng cáo “giá cắt lỗ sâu”.

Cụ thể, tại Đà Lạt (Lâm Đồng), một tài khoản Minh Long đang rao sang nhượng homestay hiện đang khai thác với 7 phòng, giá sang nhượng giảm chỉ còn 1/7 giá đầu tư ban đầu, song vẫn không thể cắt lỗ.

Anh Phí Minh Hiếu - nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng lâu năm cho biết, thực trạng này diễn ra rất nhiều tại các cơ sở homestay trên cả nước. Theo nhà đầu tư này, thực tế việc kinh doanh khách sạn hay homestay phức tạp hơn việc chỉ mua đất nền chờ có lãi rồi bán. Bởi lẽ, đã kinh doanh dịch vụ sẽ phải chịu khoản chi phí vận hành từ việc cải tạo, nâng cấp tới lương nhân viên,...

Còn theo ông Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, lối đầu tư mì ăn liền đang trở thành tử huyệt của nhà đầu tư homestay.

Rất nhiều người là môi giới hoặc nhà đầu tư muốn đẩy giá đất, họ rao bán rầm rộ và cho rằng đây là loại hình BĐS mới, đang được phát triển... Nhưng thực tế, loại hình du lịch này chỉ phù hợp một số khách quan tâm loại hình du lịch trải nghiệm. Đặc biệt, người đầu tư loại hình này đều chỉ quan tâm khai thác homestay và coi là nguồn thu chính, mà không hề có các dịch vụ khác đi kèm.

Theo ông Võ, để phát triển loại hình du lịch này các cơ sở lưu trú homestay cần chú trọng các dịch vụ đi kèm, như làng nghề, thể thao, hoặc các sản phẩm đặc sản địa phương để níu chân du khách và tạo bản sắc riêng...

“Vỡ mộng“ sau 3 năm bỏ thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng ở phố để về quê

Nhiều gia đình trẻ do quá áp lực với cuộc sống thành phố, đã có kế hoạch chuyển về quê “làm lại từ đầu”. Tuy nhiên đã có không ít gia đình sau khi chuyển về quê, lại...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Kiệt ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN