Vay tiền mua đất làm nhà, “ôm hận” vì tin lời hứa của doanh nghiệp

Chỉ một khu dân tự phát đã có hơn 200 thửa đất được tách ra, bán cho người dân. Còn người mua vì tin tưởng mà phải “ôm hận”…

“Ôm hận” vì tin lời hứa của doanh nghiệp

Nhiều năm qua, thị trường bất động sản ở Cần Thơ đang trở nên “nóng”, khi giá nhà đất tại các quận trung tâm liên tục tăng cao.

Người dân đổ xô mua đất, xây nhà ở các vùng ven. Từ nhu cầu này, các khu dân cư tự phát cũng bắt đầu hình thành.

Lối vào một khu dân cư tự phát trên địa bàn quận Ninh Kiều.

Lối vào một khu dân cư tự phát trên địa bàn quận Ninh Kiều.

Qua thống kê, Cần Thơ hiện có 148 khu dân cư tự phát, chủ yếu tập trung ở 3 quận trung tâm là Ninh Kiều, Bình Thủy và Cái Răng.

Tại dốc cầu Bà Bộ (điểm đầu đường Hoàng Quốc Việt, phường An Bình, quận Ninh Kiều) có một con đường dẫn vào khu dân cư Cái Sơn - Hàng Bàng.

Qua khỏi cây cầu sắt là đến dự án khu tái định cư Ninh Kiều đang triển khai xây dựng, và kế bên là khu dân cư tự phát hình thành từ nhiều năm nay.

Chị V.T.H.T. (ngụ quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) cho biết, dạo trước, do có nhu cầu cấp thiết về chỗ ở, thông qua sự giới thiệu của ông Lê Huỳnh Hoàng Minh - Phó Giám đốc Công ty CP Nhà đất Mekong (gọi tắt là Công ty Mekong) mà chị biết về các lô đất trong khu dân cư MeKong Land 91B (khu vực 4, phường An Bình, quận Ninh Kiều) mà công ty ông Minh đầu tư và đang bán.

Sau đó, chị T. ký hợp đồng mua bán đất với Công ty Mekong do ông Minh làm đại diện để mua thửa đất có diện tích gần 65m2 với giá 175 triệu đồng (đất CLN). Đầu năm 2016, thửa đất của chị T. được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo trình bày của chị T., tại thời điểm ký hợp đồng và đặt cọc, khu dân cư Mekong Land 91B đã được bên bán cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng bao gồm: đường đi nội bộ 4m giữa các lô, đã bơm cát, phân lô, cắm cột ranh giới giữa các nền, đường cống thoát nước…

Hạ tầng nhếch nhác bên trong các khu dân cư tự phát.

Hạ tầng nhếch nhác bên trong các khu dân cư tự phát.

“Khi đó, ông Minh cam kết rằng đất tôi mua được cất nhà, được lên thổ cư cùng các thủ tục để đấu nối điện, nước…”, chị T. trình bày trong đơn.

Cũng theo chị T. sau đó gia đình chị được xây ngôi nhà cấp 4 như Công ty Mekong cam kết và sống tại đó cho đến nay.

Tuy nhiên, do không am hiểu về việc xây cất nhà nên chị T. đã giao cho phía nhà thầu xây dựng với sự hỗ trợ của Công ty Mekong cho đến khi hoàn thành mà không ký thêm bất kỳ giấy tờ nào khác.

Và hiện nay, UBND quận Ninh Kiều đã ra các quyết định... thu hồi đất để thực hiện dự án khu tái định cư quận Ninh Kiều, với giá 1.640.000 đồng/m2!

Lúc này, chị T. mới tá hỏa, vì trước đó Công ty MeKong cam kết đây là “đất sạch”, không dính vào bất cứ quy hoạch nào.

Theo phản ánh nhiều hộ dân nơi đây, họ mua đất của Công ty MeKong với giá từ 2 triệu đồng/m2, giờ Nhà nước chỉ thu hồi với giá đất nông nghiệp, khiến bà con khổ sở, không có tiền mua đất mới.

“Khi tìm hiểu, tôi mới biết đây là khu dân cư tự phát, nhưng không hiểu tại sao Công ty Mekong vẫn có thể tách thửa, phân lô, chuyển nhượng và làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hàng chục hộ dân như vậy?”, chị thắc mắc.

Tương tự trường hợp chị T., bà H.T.L., ngụ tỉnh Đồng Tháp cho biết, năm 2018, bà cùng con gái có đến xem thửa đất tại khu vực 4, phường An Bình, quận Ninh Kiều.

Tại đây, bà L. thấy cơ sở hạ tầng đã được đầu tư hoàn thiện. Do có nhu cầu cấp thiết về nhà ở nên bà L. vay ngân hàng tiền để mua đất.

“Khi mua, tôi có cầm sổ hồng lên phường An Bình để hỏi khu này có quy hoạch hay không, thì địa chính nói là không có quy hoạch nên tôi quyết định mua.

Thửa đất tôi mua do người khác chuyển nhượng lại, tức chủ trước đó cũng mua từ Công ty Mekong”, bà L. cho hay.

Đến năm 2019, bà L. bơm cát cất nhà thì công an khu vực không cho xây và nói rằng khu này chưa lên thổ cư, tức không được cất nhà. Sau đó bà L. lên phường hỏi để làm các thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất.

Lúc này phường An Bình cho biết đến năm 2020 mới được chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển xong mới được cất nhà. Do đó, bà L. quyết định dừng việc xây nhà.

“Đến năm 2020, tôi bất ngờ khi hay tin thửa đất của mình "dính" quy hoạch, cùng với đó là thông báo, quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án khu tái định cư Ninh Kiều”, bà L. thông tin.

Cơ quan chức năng treo bảng cảnh báo người dân về hành vi xây dựng trái phép tại một khu dân cư tự phát trên địa bàn phường An Bình.

Cơ quan chức năng treo bảng cảnh báo người dân về hành vi xây dựng trái phép tại một khu dân cư tự phát trên địa bàn phường An Bình.

Như vậy, cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm việc các cấp có thẩm quyền cấp phép cho các đơn vị, cá nhân tách thửa, phân lô, xây dựng cơ sở hạ tầng để bán nền trong khi khu vực đó không được chuyển mục đích sử dụng đất để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho của người dân.

Tiền mất tật mang!

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Hoàng Đức, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ xác nhận khu dân cư của doanh nghiệp Mekong là tự phát.

Nhiều năm trước, doanh nghiệp này đi gom đất nông nghiệp, cây lâu năm, rồi thực hiện tách thửa, phân lô, bán nền cho người dân.

Sau khi phát hiện, quận đã đến kiểm tra xử lý, và tiến hành cưỡng chế; cho đập bỏ cây cầu (người dân thường gọi là cầu Hàng Bàng).

“Hiện quận đang triển khai xây dựng khu tái định cư Ninh Kiều, và sẽ thu hồi toàn bộ đất của khu dân cư tự phát này. Qua thống kê, có hơn 200 thửa đất đã được Mekong tách ra, bán cho người dân.

Dự án khu tái định cư quận Ninh Kiều sẽ thu hồi toàn bộ đất của khu dân cư tự phát nằm bên cạnh.

Dự án khu tái định cư quận Ninh Kiều sẽ thu hồi toàn bộ đất của khu dân cư tự phát nằm bên cạnh.

Lúc người dân mua đất là mua với giá bán nền nhà, từ 2,2-2,5 triệu đồng/m2. Còn hiện tại, Nhà nước thu hồi đất, chỉ bồi thường theo giá đất nông nghiệp là 1.640.000đ/m2. Từ đó, bà con phản ánh và cầu cứu khắp nơi”, ông Đức cho biết thêm.

Trả lời câu hỏi của PV về hướng xử lý đối với hành vi lập khu dân cư tự phát để phân lô, bán nền của Mekong, ông Đức cho hay: “Thời điểm này, luật cho phép được tách thửa không giới hạn diện tích đối với đất nông nghiệp".

Sau đó, từ năm 2018, khi phát hiện những sai phạm nghiêm trọng về đất đai ở quận Bình Thủy, TP đã cho siết lại việc này. Theo quy định hiện nay, đất nông nghiệp muốn tách thửa phải có diện tích tối thiểu 150m2.

Do đó, việc tách thửa của Mekong là không trái luật. Còn việc mua bán đất với dân là giao dịch dân sự.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, người dân cũng rất khó để thưa kiện. Vì khi bán đất, Mekong có hứa với dân là đất sẽ được lên thổ cư, nhưng việc này chỉ là hứa miệng, ngoài ra không có một giấy tờ hay văn bản cam kết nào.

Một nguồn tin từ Phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều cho biết, chỉ riêng trên địa bàn phường An Bình hiện có tới 4 khu dân cư tự phát, gồm: hẻm 5 Trần Vĩnh Khiết, hẻm 112 Hoàng Quốc Việt, khu Đại Thắng và khu Cái Sơn - Hàng Bàng vừa nêu trên.

Mới đây, Thanh tra TP Cần Thơ đã tiến hành thanh tra, qua đó, phát hiện hàng loạt sai phạm trong linh vực đất đai tại quận Ninh Kiều.

Cụ thể, trong năm 2018, UBND quận Ninh Kiều có tiến hành 1 cuộc thanh tra về sử dụng đất trên địa bàn. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm trong việc thực hiện không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thiếu cương quyết, không triệt để.

Từ đó, dẫn đến năm 2018, trên địa bàn phường An Bình, quận Ninh Kiều đã hình thành 4 khu dân cư tự phát với diện tích san lấp trái quy định 10.300 m2, được phân ra 145 lô nền.

Cơ quan chức năng kiến nghị Công an TP Cần Thơ tiến hành điều tra làm rõ và xử lý theo quy định đối với hành vi thiếu trách nhiệm có dấu hiệu vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định.

Ông Đỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ cho biết, trong nay mai Sở này sẽ hoàn tất kết quả rà soát, xử lý 148 khu dân cư tự phát trên địa bàn.

Trước tình trạng các khu dân cư tự phát xé nát quy hoạch đô thị, từ năm 2018 đến nay, TP Cần Thơ đã xử lý kỷ luật hàng loạt cán bộ.

Như tại quận Bình Thủy, đã có 13 cán bộ bị xử lý bằng hình thức kỷ luật, trong đó Trưởng Phòng TN&MT bị kỷ luật với hình thức giáng chức; 4 trường hợp bị cảnh cáo; 1 trường hợp bị khiển trách và 7 trường hợp bị hạ bậc lương… Đặc biệt, nhiều cán bộ đã bị bắt truy tố ra tòa.

Vào tháng 1/2022 vừa qua, TAND TP Cần Thơ đưa vụ án "Vi phạm về quản lý đất đai" xảy ra tại quận Bình Thủy ra xét xử sơ thẩm.

Trong đó, có bị can Nguyễn Văn Tuấn - nguyên Phó chủ tịch UBND quận Bình Thủy; Lê Văn Vũ - nguyên Phó Phòng TN&MT... Đây là vụ sai phạm đất đai lớn nhất Cần Thơ từ trước đến nay được cơ quan chức năng phát hiện vào cuối năm 2017.

HĐXX đã tuyên phạt 3 bị cáo với mức án lần lượt là 2 năm 6 tháng tù; 1 năm 6 tháng tù; 9 tháng tù. 4 bị cáo còn lại, trong đó có ông Tuấn, được hưởng án treo…

Nguồn: [Link nguồn]

Giá xăng có thể lập đỉnh mới, vượt mức 30.000đ/lít?

Trong kỳ điều hành tới (ngày 21/5), giá xăng trong nước có khả năng lập đỉnh mới vượt mức 30.000 đồng/lít.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Lưu ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN