Thu nhập môi giới BĐS tăng mạnh trở lại khi nhiều người mua đã xuống tiền

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Cùng với sự phục hồi của thị trường BĐS ở một số khu vực, mức thu nhập của các môi giới cũng được cải thiện đáng kể khi đã có nhiều khách hàng quyết định xuống tiền sau thời gian dài thăm dò.

Thị trường BĐS đã trải qua quãng thời gian hơn một năm rơi vào trầm lắng khi lãi suất ngân hàng ghi nhận mức tăng mạnh từ nửa sau năm 2022. Chi phí tăng cao khiến nhiều nhà đầu tư e dè xuống tiền khiến thanh khoản thị trường liên tục sụt giảm, nhiều người làm môi giới BĐS đã phải bỏ nghề hoặc chuyển nghề làm các công việc khác như xe ôm, bán nước, bán đồ ăn, thực phẩm chức năng,… Với nhiều môi giới tiếp tục bám trụ với nghề, có trường hợp phải làm song song 2 công việc để duy trì cuộc sống chờ thị trường sôi động.

Trong giai đoạn khó khăn của thị trường BĐS, nhiều thống kê đã chỉ ra, số lượng doanh nghiệp bất động sản phá sản, môi giới bất động sản thất nghiệp liên tục gia tăng. Đỉnh điểm có lúc, số lượng sàn giao dịch, môi giới bất động sản còn hoạt động chỉ chiếm khoảng 30% so với thời kỳ bình thường trước.

Tuy nhiên, khi lãi suất tiết kiệm liên tục điều chỉnh giảm mạnh trong năm 2023, đặc biệt từ đầu quý 2 đến nay nhiều người có tiền nhàn rỗi đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội đầu tư sang các kênh khác như chứng khoán, vàng và BĐS.

Trước nhu cầu tìm nơi an cư và đầu tư của nhiều người, thị trường BĐS ở một số khu vực đã dần “tan băng” khi có những giao dịch trở lại. Với những giao dịch thành công, khoản thu nhập của các môi giới cũng được cải thiện đáng kể.

Nhiều người có tiền nhàn rỗi đã bắt đầu đi tìm kiếm cơ hội đầu tư vào nhà đất, đất nền

Nhiều người có tiền nhàn rỗi đã bắt đầu đi tìm kiếm cơ hội đầu tư vào nhà đất, đất nền

Anh Hải, một môi giới BĐS tại Thạch Thất – Hà Nội cho biết từ tháng 7 đến nay lượng khách hàng tìm kiếm nơi an cư và đầu tư trong khu vực có dấu hiệu phục hồi. Phân khúc nhận được sự quan tâm của nhiều người là nhà đất trong mức giá khoảng 1 – 2,5 tỷ đồng, trong đó phân khúc đất nền trong mức giá từ 1 tỷ đến 1,5 tỷ đồng được tìm kiếm nhiều nhất. Trung bình mỗi tháng anh cùng các đồng nghiệp cũng chốt được từ 2-4 giao dịch thành công.

“Từ đầu năm 2023, thị trường bất động sản đìu hiu do nguồn vốn tín dụng cho lĩnh vực này bị siết chặt và lãi suất cho vay tăng cao khiến nhiều nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn, do đó để có giao dịch thành công là điều rất khó. Tuy nhiên, kể từ giữa năm nay, thị trường đã có những khởi sắc khi lãi suất giảm, giá bán nhiều khu vực đã giảm về mức kỳ vọng của người mua,... Theo đó, nhiều người đã rục rịch bắt đầu đi xem, xuống tiền mua bán bất động sản”, anh Hải cho biết.

Tương tự, anh Giang, một môi giới nhà đất tại Thanh Trì – Hà Nội cũng chia sẻ thu nhập của mình cùng một số đồng nghiệp thời gian gần đây cũng đã được cải thiện đáng kể khi số lượng giao dịch thành công đã tăng đáng kể. Môi giới này cũng cho biết phân khúc nhà đất từ vài trăm triệu đến dưới 2 tỷ đồng luôn nhận được sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là những người có nhu cầu ở thực và nhà đầu tư có nguồn vốn nhỏ trong khi không muốn vay mượn thêm từ ngân hàng.

Trong khi đó, tại khu vực Hà Đông – Hà Nội, phân khúc nhà đất và đất nền với mức giá 1-2,5 tỷ đồng cũng được nhiều người có nhu cầu ở thực quan tâm, nhiều môi giới có thể chốt thành công từ 3-4 giao dịch mỗi tháng thay vì tình cảnh cả tháng không có giao dịch nào như trong giai đoạn thị trường trầm lắng trước đây. Số lượng giao dịch thành công giúp các môi giới có được nguồn thu nhập ổn định hơn thay vì “chạy ăn từng bữa” như những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Chia sẻ với Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) mới đây ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, thị trường BĐS Việt Nam đã nhen nhóm dấu hiệu chuyển biến theo hướng lành mạnh, bền vững hơn.

Ông Đính cho rằng với các sản phẩm có pháp lý đầy đủ, được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín, phù hợp với thị hiếu của người dân, giá bán đã ghi nhận mức tăng nhẹ trở lại. Khi tâm lý khách hàng, nhà đầu tư dần ổn định, “làn sóng bán cắt lỗ” cũng có dấu hiệu được kiểm soát. Nhìn chung, thị trường có thanh khoản hơn, chủ đầu tư giải quyết được hàng tồn và có dòng tiền. Các sàn giao dịch, môi giới bất động sản cũng có nguồn thu nhập từ hoa hồng bán hàng. Toàn bộ thị trường sẽ dần được kích hoạt trở lại.

Theo báo cáo của VARS, thời gian qua, với việc hàng loạt môi giới BĐS nghỉ việc do không có thu nhập dẫn đến thị trường thiếu hụt môi giới  buộc các chủ đầu tư đã phải tăng chi phí cho môi giới bằng hình thức thưởng nóng nhân viên kinh doanh, mở rộng điều kiện nhận thưởng, tăng chi phí marketing...

Tuy nhiên, với việc hàng loạt chủ đầu tư lớn đang lên kế hoạch mở bán sản phẩm mới trong giai đoạn cuối năm, không ít sàn đang tăng cường tuyển dụng nhân viên kinh doanh và tranh thủ cơ hội chiếm thị phần. Riêng trong tháng 8, ghi nhận của DXS - FERI cho thấy hàng loạt sàn môi giới đang tuyển dụng trở lại nhân viên kinh doanh, chuẩn bị nguồn lực chào đón dự án mới vào cuối năm nay và đầu năm tới. Theo dự báo của DXS – FERI, tỷ lệ bỏ nghề, chuyển ngành trong 6 tháng cuối năm 2023 của môi giới BĐS sẽ rơi vào khoảng 15 - 20%, thấp hơn nhiều so với năm trước (trên 50%).

Bất ngờ ngân hàng có lãi tiền gửi lên tới 11%/năm trong bối cảnh lãi tiết kiệm liên tục giảm mạnh

Trái ngược với đà giảm mạnh của lãi tiết kiệm ở hàng loạt ngân hàng thời gian gần đây, nhà băng này vẫn duy trì mức lãi tiết kiệm lên tới 11%/năm. Dù đưa ra mức lãi tiết...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nam Anh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN