Thu nhập 40 triệu/tháng, vợ chồng trẻ vay ngân hàng 700 triệu mua nhà và cái kết đắng
Với số nợ ngân hàng 700 triệu đồng, cả tiền gốc và lãi mỗi tháng chưa đầy 12 triệu, cứ ngỡ việc trả góp nằm trong tầm tay nhưng vợ chồng trẻ đang phải rao bán căn nhà mơ ước đầu tiên gấp để tất toán nợ ngân hàng.
Anh Nguyễn Văn Nam (quê Hải Dương) và chị Nguyễn Thùy Linh (quê Thái Bình) cùng làm trong ngành du lịch. Sau 2 năm tìm hiểu, hai anh chị về chung 1 nhà. Chồng làm hướng dẫn viên du lịch chuyên dẫn khách Âu, vợ là điều hành tour, thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng chưa khi nào dưới 40 triệu/tháng.
Theo chị Linh, hai vợ chồng đều ở tỉnh lẻ ra Hà Nội lập nghiệp nên quyết tâm tiết kiệm chi tiêu để mua bằng được căn nhà “có chỗ che mưa che nắng”.
“Cuộc sống thuê trọ chật chội, nóng nực và phải chịu điện nước giá cao khiến tôi giục chồng mua nhà bằng được, càng nhanh càng tốt”, chị Linh chia sẻ.
Sau 3 năm lấy nhau, trừ các khoản chi tiêu hàng tháng và lo cho đứa con trai đầu lòng, vợ chồng chị Linh tiết kiệm được 700 triệu và quyết định mua chung cư trả góp tại quận Long Biên, cả tiền sắm sửa nội thất là 1,7 tỷ đồng.
“Tôi bán hết vàng cưới được hơn 30 triệu, vay mượn thêm anh em được 200 triệu, còn thiếu 800 triệu tôi vay ngân hàng, mỗi tháng trả góp khoảng 12 triệu đồng trong vòng 119 tháng. Lúc ấy tôi nghĩ, số tiền trả góp không ăn nhằm gì so với thu nhập của vợ chồng tôi, chỉ cần vài năm là chúng tôi sẽ trả nợ hết”, chị Linh nói.
Chị Linh từng tự tay trang trí cho từng góc nhỏ của ngôi nhà vì đây là tổ ấm mơ ước bao năm của vợ chồng mình.
Mua nhà vào đầu năm 2019, đến cuối năm vợ chồng chị Linh đã trả hết số nợ 200 triệu cho anh em và mỗi tháng hơn 12 triệu tiền trả góp ngân hàng. Chuyện không có gì đáng nói đến khi dịch Covid-19 bùng phát, hai vợ chồng đều mất việc làm.
Theo chị Linh, để có tiền trả góp ngân hàng hàng tháng, ban đầu chồng chị đi dạy gia sư tiếng Anh cho một số bé học sinh trong tòa nhà và đi làm giao hàng để chờ dịch bệnh qua rồi đi làm tiếp. Chị thì nấu một số loại đồ ăn bán trong khu chung cư lấy tiền trang trải. Không ngờ dịch kéo dài suốt mấy tháng liền.
“Chồng tôi từ một hướng dẫn viên có tên tuổi trong nghề với mức lương 30-40 triệu/tháng lại trở thành shipper chuyên giao hàng, mỗi ngày dãi nắng dầm mưa, nhặt nhạnh được 200-300.000 đồng. Chán cảnh làm shipper, anh ấy lại cùng mấy người bạn xin làm công nhân công ty may màn với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng động viên nhau cố gắng rồi bệnh dịch đi qua, mọi thứ lại ổn định và cày kéo trả nợ”, chị Linh cho hay.
Làm công nhân được tròn 2 tháng, đến cuối tháng 5, thấy tình hình dịch bệnh ổn định, các tỉnh bắt đầu kích cầu du lịch, anh Nam xin nghỉ làm công nhân để chuyển sang hướng dẫn khách trong nước. Chị Linh tiếp tục công việc điều hành tour, lo chỗ ăn ngủ, xe cộ cho các đoàn và bán vé tour nội địa.
Chỉ sau hơn 1 năm mua nhà, bao nhiêu khó khăn dồn dập đến với vợ chồng trẻ.
Theo chị Linh, nhờ có du lịch dần hồi phục mà hai vợ chồng được trở lại với nghề, có thu nhập. Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, chỉ hơn 1 tháng sau dịch bùng phát trở lại, khách lần lượt hủy tour, anh Nam lại mất việc làm. Không những thế, ngân hàng thông báo trả nợ liên tục. Số nợ 700 triệu sau 1,5 năm trả nợ mà giờ hàng tháng anh chị vẫn phải lo 6,7 triệu tiền gốc và 5,1 triệu tiền lãi.
“Trong 1 buổi chiều tôi bị “bốc hơi” hơn 90 triệu đồng bởi hàng chục đoàn khách lần lượt hủy vé, hủy tour để tránh dịch bệnh. Căng thẳng hơn khi ngân hàng thông báo đến kỳ nộp tiền trả góp. Nghĩ về những ngày tháng tiếp theo lại còng lưng trả nợ một khoản “khổng lồ”, tôi cảm thấy bí bách vô cùng liền bàn với chồng rao bán nhà”, chị Linh thở dài.
Quyết định phải bán đi căn nhà là ước mơ, tổ ấm mà mình cố gắng gây dựng suốt thời gian qua không phải dễ, nhưng với chị Linh, đây là biện pháp tốt nhất để không còn cảm thấy gánh nặng nợ nần treo lơ lửng trước mặt mỗi khi thức giấc.
Không chịu được cảnh nợ ngân hàng với những con số “nhảy múa” theo từng tháng, vợ chồng chị Linh phải rao bán nhà gấp.
“Tôi bàn với chồng khi nào bán nhà xong sẽ về quê nghỉ ngơi một thời gian. Rút kinh nghiệm, nếu sau này có mua nhà, vợ chồng tôi phải lên kế hoạch cân đối tài chính thật kỹ càng, bớt lại 1 khoản dự phòng để khi gặp khó khăn không bị rơi vào tình trạng áp lực nợ nần như hiện tại”, chị Linh nói.
Theo chuyên gia bất động sản Nguyễn Mạnh Hà, ngôi nhà là tổ ấm mơ ước của bao người nên việc sở hữu một ngôi nhà có lẽ là một trong những việc quan trọng nhất trong đời về tài sản và việc lớn. Nhưng để an toàn trong việc mua nhà mà phải sử dụng vốn vay các bạn trẻ cần lưu ý: Số tiền vay chỉ nên vay bằng số tiền bạn có.
“Ví dụ bạn có 700 triệu thì chỉ nên mua căn nhà 1,4 tỷ. Và khi bạn vay thêm bạn bè được 200 triệu thì bạn chỉ còn phải vay ngân hàng 500 triệu. Việc trả gốc lãi mỗi tháng lúc này chỉ còn có khoảng 6 triệu là nằm trong kiểm soát. Nếu cố quá sẽ dẫn tới mất thanh khoản vì dòng tiền thu nhập bị ảnh hưởng”, ông Hà phân tích.
Hơn nữa, theo vị chuyên gia này, người mua trả góp luôn phải có 1 khoản dự phòng rủi ro, đừng tất tay bởi trong xã hội hiện đại này thì những cuộc khủng hoảng đến rất nhanh và bất ngờ có thể làm cho bạn mất thu nhập. Ngoài ra, cần tăng thêm nguồn thu nhập thông qua việc nâng cao năng lực cá nhân, học đầu tư để có sự bền vững về tài chính.
“Đa số mọi người đều tìm kiếm sự an toàn và ổn định trong 1 thế giới liên tục thay đổi là điều bất khả thi. Phải nỗ lực học hỏi và thay đổi để khi hoàn cảnh thay đổi mình không bị động đó mới là giải pháp bền vững”, ông Hà thông tin thêm.
Nguồn: [Link nguồn]
Sinh ra trong một gia đình nghèo, nhưng với ý chí vươn lên trong cuộc sống, chị Lê Thị Thanh Hải đã có thể tự mua cho mình...