Thông tin xây dựng sân bay thứ 2 ở Hà Nội: Đất nền sẽ dậy sóng?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Trước thông tin quy hoạch sân bay thứ 2 của Hà Nội tại huyện Thường Tín, nhiều môi giới bất động sản quanh khu vực này cho biết tin tưởng vào thị trường sẽ nhanh chóng nóng lên. Nhà đầu tư cần lưu ý gì?

Mới đây, Hội đồng thẩm định Nhà nước đã thông qua Đề án quy hoạch mạng cảng hàng không - sân bay cấp quốc gia và đang trình Thủ tướng phê duyệt. Trong đó có quy hoạch sân bay thứ 2 của Hà Nội tại huyện Thường Tín.

Đất nền sẽ "dậy sóng"?

Theo đề xuất, vị trí này có thể tránh được núi ở khu vực phía Tây, ít ảnh hưởng tới việc tiếp cận của máy bay khi về Nội Bài, đồng thời có thể nghiên cứu hướng đường cất-hạ cánh song song với đường cất-hạ cánh của sân bay Nội Bài. Hà Nội cơ bản đã thống nhất ở khu vực Thường Tín, vị trí xây dựng chi tiết sau này sẽ có quy hoạch cụ thể.

Thông tin quy hoạch sân bay thứ 2 của Hà Nội tại huyện Thường Tín khiến giá đất rục rịch tăng

Thông tin quy hoạch sân bay thứ 2 của Hà Nội tại huyện Thường Tín khiến giá đất rục rịch tăng

Trong khi đó, chia sẻ với báo chí, một lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, Bộ GTVT chưa biết gì về vị trí sân bay thứ 2 vùng Thủ đô ở Thường Tín. Đây là đề xuất của TP Hà Nội, việc này cần phải dựa trên nhiều yếu tố và nghiên cứu khoa học cụ thể và phải được xem xét của rất nhiều Bộ, ngành, phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bay. Đặc biệt là phải đảm bảo yếu tố an ninh, quốc phòng. Nên việc lựa chọn sân bay này cần nghiên cứu kỹ lưỡng, lãnh đạo Bộ GTVT khằng định.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, bước đầu được xác định sân bay thứ 2 sẽ được đặt ở phía Đông Nam của Thủ đô, tuy nhiên chưa có vị trí cụ thể. Việc quy hoạch sân bay thứ 2 nhằm có hướng mở để nghiên cứu xây dựng, nhằm giảm tải cho sân bay Nội Bài sau năm 2050.

Mặc dù thông tin chưa xác thực nhưng tin đồn Hà Nội có thể xây dựng sân bay thứ hai ở huyện Thường Tín đã tác động đến thị trường bất động sản tại đây. Nhiều môi giới bất động sản quanh khu vực này cho biết, vẫn tin tưởng thị trường sẽ nhanh chóng nóng lên vì thông tin quy hoạch này, bất kể là tin đồn hay mới chỉ là đề xuất.

Chị Hà – một người dân đồng thời cũng là môi giới BĐS tại địa phương cho hay, thị trường nhà đất Thường Tín đã sôi động trong gần 2 năm trở lại đây, đặc biệt là những khu vực được quy hoạch có đường Vành đai 4 chạy qua như tại các xã Khánh Hà, Nhị Khê, Ninh Sở... giá đất đã tăng 4 – 5 lần.

Cụ thể, giá đất tại Hoàng Xá, Khánh Hà, Hà Hồi dao động khoảng 20 - 35 triệu đồng/m2 tùy vị trí; đất nằm ở mặt đường quốc lộ 1A cũ có giá khoảng 60 - 80 triệu đồng; tại một số điểm kinh doanh sầm uất có giá lên tới 80 - 100 triệu đồng/m2. Nay, nếu thông tin xây sân bay thứ hai là sự thật thì thị trường bất động sản chắc chắn sẽ thêm nhiều tiềm năng đầu tư.

“Những ngày gần đây lượng người gọi điện thoại tới để hỏi về đất đai khu vực này cũng tăng lên. Tuy nhiên, chỉ dừng lại ở quan tâm còn giao dịch thì chưa phát sinh nhiều. Về mức giá thì hiện tại chưa có biến động gì”, chị Hà nói.

Cũng theo môi giới này, huyện Thường Tín có tiềm năng lớn để phát triển như nhiều tuyến đường trọng điểm, nhiều khu công nghiệp, có vị trí là cửa ngõ quan trọng vào Hà Nội nhưng lâu nay giá đất tại đây lại khá thấp so với nhiều huyện khác tại Hà Nội như Hoài Đức, Quốc Oai...Vì vậy, nhiều nhà đầu tư mua để đón sóng tại khu vực này.

“Khi các nhà đầu tư này tham gia vào thị trường chắc chắn sẽ làm sóng và giá đất sẽ tăng cao hơn”, chị Hà nhận định.

Giống như chị Hà, anh Trần Văn Tám, một môi giới bất động sản tại Thường Tín cũng cho hay, thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư đã về Thường Tín tìm mua các lô đất có diện tích lớn.

“Đất ở nhiều khu vực tại Hà Nội khá đắt đỏ, trong khi Thường Tín quỹ đất vẫn còn nhiều vì vậy, nhiều người đã về Thường Tín tìm mua đất từ năm ngoái đến nay. Nếu xây sân bay tại đây, thì nhà đầu tư có thể lời gấp đôi, gấp ba là dễ dàng”, anh Tám chia sẻ.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của anh Nam – một nhà đầu tư có kinh nghiệm tại Hà Nội thì cho rằng, BĐS khu vực Thường Tín trong mấy năm gần đây vốn đã tăng, đến nay cũng đã cao so với các khu vực ven Hà Nội. Do đó, nếu kỳ vọng tăng giá trong thời gian ngắn ở khu vực này là khó và rủi ro lớn. Còn lại một số khu vực giá đất còn rẻ có mức giá vừa túi tiền của nhiều người thì vẫn dễ dàng thanh khoản, tạo hiệu ứng mạnh.

Là câu chuyện dài hạn, cần phải tính toán kỹ

Thực tế, tin đồn về việc xây sân bay thứ hai ở Hà Nội không phải mới diễn ra lần đầu tiên. 

Năm 2020 vị trí của sân bay thứ 2 từng được đề xuất tại huyện Ứng Hoà. Thời điểm này, bất động sản Ứng Hoà cũng trở nên sôi sục. Cụ thể, giá đất tại 3 xã: Trầm Lộng, Đại Hùng và Đại Cường tăng nhanh chóng, giá đất ruộng cũng khoảng 20 - 30 triệu đồng/sào, đất thổ cư 2 triệu đồng/m2.

Sau đó vị trí của sân bay lại được đề xuất tại Tiên Lãng (Hải Phòng) và cơn sốt đất tại Tiên Lãng lại bùng nổ.

ĐBQH Trịnh Xuân An - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho rằng, việc này phải tính toán kỹ

ĐBQH Trịnh Xuân An - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho rằng, việc này phải tính toán kỹ

Tương tự, hồi tháng 3/2021, có thông tin đồn thổi về đề xuất quy hoạch sân bay lưỡng dụng Téc-ních 500ha tại huyện Hớn Quản (Bình Phước), mỗi ngày ở đây bồng xuất hiện hàng trăm ô tô đến xem đất khiến đường nông thôn ùn tắc hàng hàng km. Giá đất được thổi cao ngất ngưởng, thậm chí đất nông nghiệp cũng lên tới vài tỷ đồng/sào, mỗi lô đất có thể sang thay đến 3 - 4 chủ. Đến khi UBND huyện Hớn Quản có văn bản về việc tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn, thì cơn sốt đất “ảo” này mới dần lắng xuống.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội về việc này, ĐBQH Trịnh Xuân An - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho biết, khi xây dựng các công trình lớn, đặc biệt là liên quan tới giao thông, điều đầu tiên là phải đảm bảo an toàn.

Trước đây, chúng ta có định hướng giữa sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Biên Hòa đã phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng, loạt vấn đề đặt ra vì sao không thể khai thác dân dụng ở sân bay Biên Hòa và rất nhiều yếu tố tác động, trùng đường bay, quản lý vùng trời… 

Trong khi đó Thường Tín là nơi dân cư đông đúc, cách trung tâm Hà Nội chỉ 20km, gần với 2 sân bay quân sự ở Miếu Môn và Hòa Lạc.

"Việc này phải tính toán rất kỹ. Sân bay làm gần nội đô thì không ổn, nhiều vấn đề sẽ tái diễn như Tân Sơn Nhất và nhiều sân bay khác”... ĐBQH Trịnh Xuân An cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, việc đề xuất quy hoạch sân bay là câu chuyện dài hạn, từ việc địa phương đề xuất, các bộ ngành, Chính phủ đồng ý rồi còn phải trình ra Quốc hội xem xét…có thể phải mất tới nhiều năm mới trở thành hiện thực. 

Do đó, khi một địa phương mới chỉ có thông tin đề xuất xin bổ sung quy hoạch sân bay thì các nhà đầu tư không nên "cầm đèn chạy trước ô tô" bởi rủi ro là quá lớn.

Siết tín dụng bất động sản, Đại biểu Quốc hội nói gì?

Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng ngân hàng dành cho kinh doanh bất động sản (đầu tư các dự án) không chỉ giảm tốc, mà còn giảm cả về tỷ trọng. Theo các chuyên gia, thị trường...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN