Thị trường “lao dốc”, môi giới bất động sản “ngồi chơi xơi nước”
Nghề môi giới bất động sản nhìn bề ngoài có vẻ dễ kiếm tiền, nhưng đây là một trong những nghề rất khó khăn và đầy thách thức. Vậy nên không ít môi giới đã sớm “bỏ cuộc chơi”.
Anh Phan Đình Hoàn - một môi giới bất động sản ở Đồng Nai, có trụ sở tại quận 9, TP.HCM vừa mới xin nghỉ việc, do đã làm việc ở công ty khoảng hơn 2 tháng nhưng cả team không bán được hàng như kỳ vọng. Dù trước đó, Hoàn là giám đốc dự án ở một công ty bất động sản khác chuyển sang quản lý một đội nhóm.
Anh Hoàn cho biết, sau khi anh nghỉ việc cũng có một số người khác nghỉ theo vì từ tháng 5 năm 2022 đến nay hầu như không bán được bất kỳ một sản sản phẩm nào.“Lượng khách quan tâm đến các sản phẩm bất động sản vẫn có, nhưng vẫn mang tâm lý khá "lưỡng lự" trong việc có nên xuống tiền đầu tư thời điểm hiện này hay không”, anh này nói.
Tương tự, chị Hoa Sơn - một môi giới có thâm niên tới 15 năm, chuyên bán các sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng khu vực Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận cũng đã phải tạm mở một quán cơm bên trục đường quốc lộ ở Ninh Thuận để duy trì cuộc sống trong giai đoạn thị trường “đóng băng” như hiện nay.
Chị này cho biết, công việc hiện tại khá vất vả phải thức dậy từ rất sớm để đi chợ, chế biến các món ăn phục vụ khách hàng, thu nhập mỗi ngày cũng chỉ lãi được mấy trăm ngàn, nhưng vẫn phải duy trì để tạm vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Hoa Sơn cho biết, thu nhập trước đây của chị là khá cao, mỗi hợp đồng thu về khoảng từ 2 đến 3 % tiền hoa hồng, ít cũng phải gần trăm triệu “vì phân khúc tôi thường bán là biệt thự nghỉ dưỡng có giá trị hàng chục tỷ đồng/căn”.
Nghề môi giới từng nhận được sự quan tâm của nhiều người
Nghề môi giới nhìn qua tưởng nhàn hạ, nhẹ nhàng, ăn trắng mặc trơn và có thu nhập khủng, nhưng trên thực tế, đây lại là lĩnh vực có sự cạnh tranh khốc liệt, cạnh tranh cả giữa người làm nghề và các sàn giao dịch.
Thị trường bất động sản đang ngày càng đi vào thực chất, dẫn đến sự đòi hỏi cũng cao hơn về trình độ, kỹ năng của các môi giới viên. Hiện nay, dù lực lượng môi giới tăng nhanh về số lượng, nhưng không đi kèm với việc gia tăng về chất lượng.
“Giai đoạn này, các sàn giao dịch đang phải cạnh tranh nhau khốc liệt, bao gồm cạnh tranh trong lĩnh vực phân phối và cạnh tranh trong việc tuyển dụng nhân sự. Chưa bao giờ tuyển môi giới khó như hiện nay. Các sàn lớn cũng luôn tuyển dụng số lượng lớn nhưng vẫn thiếu nhân sự, bởi luôn có sự biến động”, đại diện một công ty bất động sản cho biết.
Nguyễn Lan sinh năm 1993 tốt nghiệp đại học ngành nông nghiệp nhưng lại bén duyên với nghề môi giới bất động sản sau nhiều năm thử thách với một số công việc khác nhau.
Lan đang làm việc cho công ty bất động sản có trụ sở chính tại Thanh Xuân (Hà Nội), đây là một công ty chuyên phân phối các dự án bất động sản không chỉ ở khu vực Hà Nội mà còn ở nhiều nơi khác trên khắp cả nước.
Theo chị Nguyễn Lan làm môi giới bất động sản, nếu như không bán được “hàng” thì sẽ không có hoa hồng và thu nhập nhận được sẽ rất thấp
Thời gian vừa qua, khi thị trường bất động sản Hà Nội liên tục “gặp khó”, nguồn cung tại đây dường như không còn, Lan đã quyết định vào TP.HCM để bán dự án với mong muốn “đổi môi trường, đổi vận số”. Vào một nơi mới, chi phí phát sinh như thuê nhà ở, chạy quảng cáo dự án Lan đều phải tự trang trải. Làm môi giới bất động sản, nếu như không bán được “hàng” thì sẽ không có hoa hồng và thu nhập nhận được sẽ rất thấp, chỉ có khoản lương cơ bản 6 triệu đồng công ty trả hàng tháng, một số người có vị trí cao hơn thì mức lương khoảng trên dưới 10 triệu đồng/tháng.
“Ví dụ nếu như lựa chọn phân khúc đất nền, tiền hoa hồng sẽ rơi vào 2% và sẽ được thanh toán luôn khi bán được hàng. Thế nhưng đối với nhiều dự án như bất động sản nghỉ dưỡng, căn hộ chung cư, biệt thự sẽ có đa dạng các mức giá và việc nhận hoa hồng cũng tuỳ thuộc vào khoản thanh toán của từng chủ đầu tư khác nhau”, Lan nói.
Anh Nguyễn Hoàng Linh - một môi giới tại Hà Nội chia sẻ, nghề môi giới bất động sản luôn có tỉ lệ ra - vào lớn nhất so với nhiều ngành nghề khác. Hàng năm có hàng ngàn người “gia nhập”, nhưng cũng sẽ có không ít số người nghỉ việc. Nguyên do chính là sự khó khăn, khắc nghiệt của ngành môi giới bất động sản.
“Bên cạnh đó, môi giới phải bỏ ra nhiều chí phí khác như: Chí phí marketing để tìm kiếm khách hàng, cạnh tranh với đội ngũ sale inhouse của chủ đầu tư hay có không ít người phá hoại công việc của mình, rồi sức ép từ chỉ tiêu bán hàng kèm theo đó là nhiều chủ đầu tư tai tiếng nên ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến uy tín của các môi giới. Vậy nên, nếu như không chịu được áp lực cũng như sự cạnh tranh thì sẽ khó có thể bám trụ lại với nghề”, anh Linh nói.
BĐS khu vực trung tâm và sinh dòng tiền vẫn nhận được sự quan tâm của những người có nhu cầu ở thực
Chia sẻ về nghề này, anh Linh cho hay, thời điểm thị trường “nóng sốt” hầu như không có thời gian để nghỉ ngơi, liên tục phải di chuyển đưa khách đi xem dự án, xem đất ở những nơi xa mỗi ngày làm việc trung bình từ 8 đến 16 giờ. Hầu hết, buổi sáng anh đều phải thức dậy từ rất sớm và về nhà rất trễ. Mặc dù có thu nhập cao nhưng mức độ cạnh tranh rất cao.
“Giai đoạn thị trường gặp khó khăn như hiện nay, hầu hết môi giới chỉ “ngồi chơi xơi nước”, không còn hoạt động rầm rộ như trước. Không ít người đã chuyển nghề khác để sống”, anh Linh nói.
Từng là trưởng một phòng giao dịch của ngân hàng có thu nhập khá cao, Nguyễn Thị Thu Hiền sinh năm 1992 (Bắc Từ Liêm – Hà Nội) đã bỏ công việc đang có để chuyển sang làm nghề môi giới bất động sản. Khi thấy bạn bè quen biết hoạt động trong lĩnh vực môi giới nhà đất có thu nhập tốt hơn, Hiền đã quyết định nghỉ việc để “gia nhập” vào lĩnh vực bất động sản hồi năm 2018. Đây là lúc thi thị trường bất động sản đang ở giai đoạn “sốt nóng”, ban đầu công việc khá thuận lợi, có thu nhập cao hơn so với công việc ở ngân hàng đã làm.
“Thị trường như trong giai đoạn hiện nay, không biết liệu tôi có thể tiếp tục với công việc hiện tại nữa hay không? Nhiều đêm suy nghĩ chắc sẽ phải bỏ cuộc thôi, vì lâu nay không bán được sản phẩm nào trong một thời gian dài, nên không có thu nhập nhưng vẫn phải lo trang trải các chi phí khác, thời gian gần đây tôi đã phải về quê để “ăn bám” bố mẹ”, Hiền nói.
Theo thống kê, hiện nay cả nước có 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản nhưng chỉ 30.000 người có chứng chỉ hành nghề.
Nhìn nhận về nghề môi giới bất động sản, ông Phan Công Chánh - Chuyên gia đầu tư bất động sản cá nhân, Tổng giám đốc Phú Vinh Group cho rằng, hiện có khoảng 80% nhân sự nghề môi giới sẽ lựa chọn một lĩnh vực khác sau một thời gian làm việc.
Ông Phan Công Chánh - Chuyên gia đầu tư bất động sản cá nhân
“Nghề môi giới bất động sản nhìn bề ngoài có vẻ rất dễ nhưng sự thật bên trong lại vô cùng khắc nghiệt, có thể nói đây là một công việc khó khăn nhất trong tất cả những ngành nghề trên thế giới này. Vậy nên, rất nhiều người đã vỡ mộng khi đi vào thực tế”, ông Chánh thẳng thắn.
Ông Chánh cho biết, nhiều các cuộc nổi sóng liên tiếp của thị trường bất động sản trong thời gian qua như đang “làm xiếc” giá đất… với sự “góp tay” của các môi giới bất đông sản. Nhưng nếu nói một cách công bằng thì môi giới không thể một mình tạo ra sóng gió trên thị trường này. “Đội ngũ này thực ra chỉ góp một phần nào đó vào một giai đoạn thổi bùng những thông tin sai lệch làm thị trường nhiễu loạn” ông nói.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Đức Diễn, Chủ tịch HĐQT MaxLand cho rằng, nghề môi giới khi gia nhập có vẻ dễ dàng, tuy nhiên, đây là một nghề đòi hỏi phải có kiến thức, kỹ năng tốt và sự kiên trì mới có thể thành công. Hiện nay, thị trường lao động trong lĩnh vực môi giới bất động sản đang có sự cạnh tranh thiếu lành mạnh nên nhiều môi giới đôi khi phải rất nỗ lực mới sống được và gắn bó được với nghề một cách chân chính.