Thanh Hóa chấm dứt dự án có vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng của Tập đoàn FLC

Sau Bình Phước, Thanh Hóa là tỉnh tiếp theo có chỉ đạo chấm dứt dự án khu công nghiệp với diện tích khoảng 286 ha và tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư.

Ngày 14/4, UBND tỉnh Thanh Hóa phát đi công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện dự án Đầu tư xây dựng, quản lý và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Hoàng Long do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư.

Theo đó, trên cơ sở đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có những chỉ đạo quan trọng có liên quan.

Cụ thể, đối với việc triển khai thực hiện dự án Đầu tư xây dựng, quản lý và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Hoàng Long do Công ty cổ phần Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh giao Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp chủ trì, làm việc với Công ty cổ phần Tập đoàn FLC để thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án Đầu tư xây dựng, quản lý và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Hoàng Long.

Việc chấm dứt hoạt động dự án sẽ theo hướng nhà đầu tư tự quyết định chấm dứt hoạt động dự án, làm cơ sở để triển khai các công việc tiếp theo theo quy định; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh những vấn đề vượt thẩm quyền.

Thanh Hóa có chỉ đạo chấm dứt dự án khu công nghiệp Hoàng Long do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư

Thanh Hóa có chỉ đạo chấm dứt dự án khu công nghiệp Hoàng Long do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư

Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Xây dựng khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan, hoàn thiện phương án Quy hoạch chung đô thị Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá đến năm 2040; báo cáo UBND tỉnh xem xét theo quy định.

Đối với đề nghị hướng dẫn các thủ tục để xử lý khoản kinh phí mà Tập đoàn FLC đã ứng cho công tác GPMB (trong trường hợp chấm dứt dự án Đầu tư xây dựng, quản lý và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Hoàng Long), Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan tham mưu văn bản của UBND tỉnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục để xử lý khoản kinh phí mà Tập đoàn FLC đã ứng cho công tác GPMB đảm bảo theo quy định.

Ngoài ra, đối với đề nghị tài trợ lập quy hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc lập quy hoạch phân khu thuộc Quy hoạch chung đô thị Thanh Hoá và nguồn kinh phí lập quy hoạch sẽ được xác định cụ thể sau khi Quy hoạch chung đô thị Thanh Hoá được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo tìm hiểu, dự án Đầu tư xây dựng, quản lý và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Hoàng Long được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư từ 2015, dự án có tổng mức đầu tư lên tới 2.317 tỷ đồng và yêu cầu hoàn thành giai đoạn 2 vào năm 2018 (tại Công văn số 5163/UBND-THKH ngày 02/6/2015).

Theo ông Phạm Minh Đức - Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết tổng diện tích thực hiện của Dự án khoảng 286 ha trên địa bàn huyện Hoằng Hóa và thành phố Thanh Hóa. Tập đoàn FLC đã phối hợp với UBND huyện Hoằng Hóa và UBND thành phố Thanh Hóa tiến hành thực hiện GPMB được diện tích 9,48 ha với số tiền chi trả là 22,435 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi thực hiện các nội dung, khối lượng giải phóng mặt bằng nêu trên, từ 2018 đến nay Tập đoàn FLC không tiếp tục triển khai dự án, dẫn đến tiến độ thực hiện dự án quá chậm so với quy định.

Từ năm 2018, Tập đoàn FLC đã đề xuất nghiên cứu lập quy hoạch để đầu tư một khu đô thị thông minh đẳng cấp quốc tế tại khu vực Khu công nghiệp FLC Hoàng Long với diện tích khoảng 641 ha; UBND tỉnh đã có Văn bản giao Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp chủ trì, phối hợp các ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu trình tự, thủ tục cần thiết để chấm dứt dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Hoàng Long và điều chỉnh quy hoạch 1/2000 khu vực nêu trên.

Không chỉ Thanh Hóa có văn bản chỉ đạo chấm dứt dự án khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư. Mới đây, UBND tỉnh Bình Phước cũng có thông báo hủy bỏ chủ trương lập quy hoạch khu đô thị 1.775 ha của FLC do từ khi được chấp thuận lập dự án đến nay đã hơn 3 năm, doanh nghiệp này chưa triển khai thực hiện.

Liên quan đến Tập đoàn FLC, mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố thuộc trung ương về việc phối hợp phục vụ điều tra vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty liên quan.

Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu cho Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an về tài sản (bất động sản, cổ phần/vốn góp, cổ phiếu...) đứng tên ông Trịnh Văn Quyết, bà Trịnh Thị Thúy Nga (em gái ông Quyết), bà Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết) và bà Lê Thị Ngọc Diêp (vợ ông Quyết).

Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an cũng đề nghị tạm dừng biến động (giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp...) đối với tài sản (bất động sản, cổ phần/vốn góp, cổ phiếu...) của ông Trịnh Văn Quyết và các cá nhân nêu trên.

Nguồn: [Link nguồn]

Vàng vượt 71 triệu đồng/lượng, nữ đại gia cùng 3 ái nữ bỏ túi gần 200 tỷ đồng trong một ngày

Trái ngược với đà lao dốc của chỉ số VN-Index , khối tài sản của nữ đại gia người Quảng Ngãi và 3 ái nữ vẫn bỏ túi gần 200 tỷ đồng nhờ đà tăng ấn tượng của giá...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN