Tận thấy khu chung cư trước nguy cơ sập đổ ở giữa Thủ đô
Khu chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D có nguy cơ sập đổ phải di dời tại 51 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa, Hà Nội) bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vụ sập tòa nhà bên cạnh từ năm 2011. Dù hệ thống cột dầm chịu lực của tòa nhà đã bị nứt, lún nghiêm trọng nhưng đến nay một số hộ dân ở đây vẫn kiên quyết bám trụ .
Theo ghi nhận của PV, khu chung cư cũ (cấp độ D) nằm ở số 51 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa), bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vụ sập nhà số 49 gây chấn động Hà Nội năm 2011. Hiện hệ thống cột dầm chịu lực của tòa nhà đã bị nứt, lún nghiêm trọng, hệ thống lan can ở các tầng cũng đã hỏng. "Sau vụ sập tòa nhà bên cạnh, phần đơn nguyên 1 có 19 hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp vụ sập đã di dời, phần còn lại các hộ dân đều bám trụ ở đây", một người dân cho biết.
Chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng nằm trên địa bàn quận Đống Đa được đánh giá nguy hiểm cấp độ D, tuy nhiên vẫn nhiều hộ dân sinh sống tại đây. Bà M.T, chủ một hộ sinh sống tại tòa nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng cho biết, sau sự cố năm đó, nhiều hộ đã di dời song đã quay lại sinh sống tại đây và ký cam kết chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố. “Về phần bên không chịu ảnh hưởng thì các hộ dân vẫn sống bình thường và cố gắng bám trụ, chúng tôi cũng nhiều lần làm đơn lên chủ đầu tư để có phương án khắc phục, tuy nhiên gần 10 năm nay vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung”, vị này chia sẻ. Theo bà L.T.H, sau sự cố năm 2011, gia đình bà đã chuyển xuống khu Đại Kim sinh sống, tuy nhiên gặp nhiều khó khăn trong việc học của các con, sinh hoạt trong gia đình nên quyết định quay lại sinh sống tại đây.
Năm 2011, căn nhà 5 tầng tại 47 Huỳnh Thúc Kháng bất ngờ tách ra, đồ sập qua ngõ 49, đè vào tòa nhà khu tập thể tại số 51, kéo theo ban công, chuồng cọp cùng với cột chống của tòa nhà này cũng bị sập theo.
Phần hư hỏng nặng sau sự cố sập năm 2011. Hai trong ba cột dầm chịu lực của tòa nhà 51 đã bị nứt, lún nghiêm trọng
Toàn bộ lan can tầng 1 đến tầng 4 bị hư hỏng nặng. 2 trong số 3 cột chống của tòa nhà bị nứt và đổ nghiêng.
Quan sát bằng mắt thường cũng có thể cảm nhận rõ rệt độ nghiêng, lún nghiêm trọng của các cột chịu lực của tòa nhà.
Vết nứt tường lớn chạy dọc tòa nhà.
Lối lên phần đơn nguyên nguy hiểm cấp độ D.
Phía cầu thang bên trong tòa nhà.
Phần hoàng tàn còn lại sau khi các hộ dân ở đây di dời.
Một số hộ dân vẫn cơi nới thêm các chuồng cọp lớn mặc cho hệ thồng dầm, cột chịu lực đã hư hỏng, nứt lún nghiêm trọng.
Sau nhiều năm chưa thể khắc phục, tòa nhà này không chỉ đe dọa tính mạng của những người dân đang sinh sống ở bên trong mà còn đe dọa tính mạng của nhiều người xung quanh nếu xảy ra rủi ro về đổ, sập. Ông Nguyễn Hoàng Giáp, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, chung cư cũ 51 Huỳnh Thúc Kháng chỉ một phần bị ảnh hưởng và đã di dời. “Tòa nhà chỉ một phần ảnh hưởng do nhà đổ và đã di dời toàn bộ khu vực đó. Còn lại thì không phải do cũ mà cấp độ D. Việc phương án xây lại thì phải đồng bộ cả tòa nhà nên phần còn lại đang được chủ đầu tư thỏa thuận với các hộ dân theo luật để đền bù”, ông Giáp nói.
Sở Xây dựng Hà Nội vừa ban hành Văn bản 10549/SXD-PTĐT về việc bảo đảm an toàn tại các chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội trước mùa mưa bão. Theo đó, Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, phân loại và lập danh mục những công trình chung cư cũ trên địa bàn, trong đó đặc biệt quan tâm, chú trọng đối với khu chung cư cũ nguy hiểm, không bảo đảm an toàn cho việc sử dụng; chủ động xây dựng, phê duyệt kế hoạch, phương án thực hiện việc phòng, chống đổ sập nhà, công trình, ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tổ chức sơ tán người, tài sản ra khỏi những khu vực không an toàn trước khi bão, lũ, úng ngập xảy ra nhằm bảo đảm an toàn cho công trình và người sử dụng. Đối với nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D (có nguy cơ sập đổ, phải di dời ngay), hiện trên địa bàn TP còn 5 nhà đang tổ chức di dời: 1 nhà tại quận Đống Đa, 4 nhà tại quận Ba Đình. UBND TP Hà Nội đã bố trí đủ quỹ nhà tạm cư để phục vụ di dời và đã chỉ đạo UBND các quận Đống Đa, Ba Đình khẩn trương tổ chức tuyên truyền, vận động và tổ chức di dời khẩn cấp các chủ sở hữu, chủ sử dụng ra khỏi nhà chung cư cũ để bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, đến nay, việc di dời vẫn chưa hoàn thành. |
Sự “bùng nổ” của hàng loạt chung cư mini, do người dân tự ý chia nhỏ công trình nhà ở riêng lẻ để bán, là nguyên...
Nguồn: [Link nguồn]