Sốt đất Ứng Hòa: Cảnh báo tình trạng “sốt theo tin đồn” tái diễn
Những ngày gần đây, xuất hiện thông tin về việc Hà Nội sẽ xây dựng sân bay quốc tế thứ 2 tại huyện Ứng Hòa, khiến thị trường bất động sản tại đây trở nên sôi sục. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo cần thận trọng trước các “tin đồn”.
Bà Phan Thanh Hoàn - một nhà đầu tư BĐS tại Hà Nội cho hay, kể từ thời điểm xuất hiện thông tin trên, bà chứng kiến nhiều môi giới BĐS lập tức lợi dụng thông tin để kêu gọi các nhà đầu tư mua gom đất, chờ đất lên giá, hoặc hưởng lợi từ việc đền bù giải phóng mặt bằng.
Trước tin đồn thất thiệt, thị trường bất động sản Ứng Hòa bỗng "dậy sóng" trong những ngày gần đây
Cũng trong những ngày qua, bà Hoàn liên tục nhận hàng chục cuộc gọi chào mời đầu tư đất nền tại Ứng Hòa, với nhiều cam kết hấp dẫn.
“So với nhiều huyện ngoại thành Hà Nội, thị trường BĐS Ứng Hòa trầm lắng trong thời gian dài. Thế nhưng, chỉ với một thông tin chưa được xét duyệt đã thay đổi cục diện, khiến thị trường BĐS tại đây dậy sóng”, bà Hoàn nói.
Với kinh nghiệm hơn 15 năm hoạt động trong ngành BĐS, bà Hoàn cho rằng, rót vốn vào thời điểm này là vội vàng, chưa có cơ sở và chứa đựng nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, đại diện huyện Ứng Hoà cho biết, huyện cũng có nghe thông tin về việc dự kiến xây sân bay thứ 2. Tuy nhiên, về mặt quy hoạch, lập dự án hoàn toàn chưa có bất cứ một văn bản nào.
Còn theo thông tin từ Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) Hà Nội, theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, định hướng 2050, đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2016, huyện Ứng Hoà là 1 trong 4 vị trí đã được đưa ra nghiên cứu, lựa chọn để xây dựng sân bay. 3 lựa chọn còn lại là huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam; huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương và huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Song, hiện nay chưa xác định cụ thể đâu sẽ là vị trí xây sân bay.
Theo đại diện huyện Ứng Hoà, cho đến thời điểm này, thành phố chưa có văn bản đề nghị huyện giới thiệu vị trí phù hợp để xây dựng sân bay quốc tế thứ 2 tại Hà Nội và bản thân huyện Ứng Hoà cũng chưa xác định được vị trí đất phù hợp để xây dựng sân bay tại địa bàn huyện.
Tương tự, trước thông tin kêu gọi mua gom đất trên thị trường trong những ngày qua, các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS cho rằng, đây là cách đầu tư hết sức mạo hiểm.
Phân tích về tình trạng trên, bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc cấp cao CBRE cho rằng, thực tế vị trí đề xuất đều nằm ở các khu vực chưa có sự hình thành thị trường bất động sản một cách rõ rệt. Với các dự án sân bay ở các nước trên thế giới thì thành phố lớn nào cũng có 2 sân bay, khoảng cách 2 tiếng lái xe.
Không những vậy, quy hoạch sân bay thường kéo dài vài chục năm, trong quá trình đó, thị trường sẽ phát triển dần dần. Một dự án sân bay mới không thể phát triển trong nay mai, thị trường bất động sản cũng cần có một thời gian để phát triển hạ tầng, các dự án có quy mô lớn được triển khai...
"Khi hiện thực hóa được dự án sẽ có tác động rất lớn đến thị trường bất động sản khu vực. Tuy nhiên, các đề xuất này vẫn chỉ mới trong quy hoạch và đang lựa chọn vị trí. Thời điểm này nếu đầu tư cũng chỉ có "lướt sóng" mà thôi" - bà An cho biết.
Bà An đồng thời cảnh báo, với các loại hình đầu tư ấy, các nhà đầu tư kỳ vọng giá tăng cao cũng phải chấp nhận rủi ro tương ứng bởi đấy là nguyên tắc của đầu tư. Cần phải lưu ý về tính thanh khoản, thông tin về khu vực đó có thể hiện thực hóa đến đâu, có nằm trong quy hoạch không, góp ý như thế nào, tài chính nhà đầu tư có đủ vững hay không.
Bà Nguyễn Hoài An nhấn mạnh, bản chất của đầu tư theo những thông tin như vậy đều không có sự chắc chắn, thị trường đã chứng kiến một số chủ đầu tư xin rút dự án khiến nhiều nhà đầu tư lao đao. Việc đầu tư cần phải phù hợp với khả năng tài chính của mình và vẫn đảm bảo khả năng vượt qua nếu thị trường khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng nhà đầu tư không nên "cầm đèn chạy trước ô tô" bởi rủi ro quá lớn
Dẫn chứng cụ thể về rủi ro từ việc “ôm” đất sân bay, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho hay, cách đây một số năm, TP HCM đề xuất sân bay Long Thành và cũng có hiện tượng giá đất ở khu vực Long Thành sốt ảo. Tình trạng tương tự hoàn toàn có thể tái hiện ở nơi được chọn làm sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô nếu không được kiểm soát tốt.
Theo ông Đính, đề xuất này có được đồng ý hay không còn phụ thuộc vào Quốc hội và để thông qua vấn đề này còn rất lâu, có thể mất tới hàng chục năm mới trở thành hiện thực. Nhà đầu tư không nên "cầm đèn chạy trước ô tô" bởi rủi ro quá lớn đối với một đề xuất chưa được nằm trên giấy.
"Bên cạnh đó, TP Hà Nội khi đưa vấn đề đặt sân bay thứ 2 ở đâu cũng phải lường trước được bài học tương tự như ở sân bay Long Thành đã xảy ra. Qua đó kiểm soát, quản lý hoạt động đất đai tại địa phương này, ngăn chặn đầu cơ, sốt ảo" - ông Đính khẳng định.
Còn nhớ, chỉ mấy tháng trước (trong quí 2 năm 2020), tại huyện Thạch Thất, cơn sốt đất đã diễn ra khi có thông tin một tập đoàn bất động sản lớn sẽ đầu tư dự án tại đây, tuy nhiên sau đó lại nhanh chóng chìm xuống. Hiện nay, giá đất giảm xuống 3 - 4 lần so với lúc sốt.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, với xu hướng đầu tư BĐS “ăn theo hạ tầng”, nhà đầu tư cần phải đảm bảo được 2 yếu tố. Thứ nhất, thông tin quy hoạch dự án được chính quyền địa phương công bố.
Thứ hai, ngay cả khi đã được công bố quy hoạch chi tiết, nhà đầu tư vẫn nên chờ thời điểm dự án chính thức khởi công. Tuyệt đối không nên nghe theo lời mời chào, dụ dỗ của những "cò đất" để xuống tiền mà không tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng.
“Kiệt sức” cả về tài chính lẫn kế hoạch phát triển kinh doanh do không có nguồn thu, nhiều nhà hàng, khách sạn lớn...
Nguồn: [Link nguồn]